
Thật may mắn cho khán giả VN và cả dân mê phim kinh dị, vì một bộ phim ma có thể nói là thuộc loại khá của mùa hè đã được cấp phép chiếu ở VN, mà không bị cắt duyệt hay cấm chiếu chỉ vì truyền bá mê tín dị đoan. Lý do có lẽ nằm ở nội dung của nó. Không phải một bộ phim ma quỷ hù dọa vớ vẩn, mà có hẳn một câu chuyện, thông điệp rõ ràng, và hơn nữa, là tay nghề hù dọa của một đạo diễn có thể nói là tài năng trong làng đạo diễn phim kinh dị gần đây.
Monk quá nhàm chán với mấy câu BASED ON THE TRUE STORY rồi nên đây không phải yếu tố cuốn hút Monk đến rạp, mà cái Monk tò mò chính là muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao khán giả Mỹ vốn bị xem là khó tính lại chịu bỏ đến 134 triệu đô cho một bộ phim với kinh phí chỉ 20 triệu (gấp 6.5 lần). Và Monk đã có câu trả lời sau xuất chiếu tối qua.

Cái ấn tượng đầu tiên chính là góc quay. Phim có nhiều cảnh đặt góc quay xem rất sướng mắt. Đoạn longtake ở phần đầu phim, đoạn chổng ngược máy quay để đặt khán giả vào góc nhìn thứ nhất của nhân vật. Ngay cả đoạn rượt đuổi thì máy quay cũng di chuyển rất có nghề, không phải theo kiểu cầm máy quay rồi xoay búa xua cho khán giả chóng mặt chơi như cái Elysium, mà máy quay vẫn giữ được khung hình tĩnh xen lẫn chút rung nhẹ do sự di chuyển của nhân vật, đủ để khán giả phải nín thở như đang chạy theo nhân vật vậy.
Cái ấn tượng thứ hai là cách dàn dựng. Lấy thời gian năm 1971, phim không chỉ giữ lại không khí, bối cảnh mang đậm nét cổ xưa, mà các vật dụng, kỹ thuật được sử dụng cũng mang đậm hơi thở thời đó. Cách chồng hình ảnh, đặt tiêu đề phim cũng đúng như cách giới thiệu tựa phim những năm trước 1980, nó vừa khiến bộ phim có cảm giác hoài cổ, vừa tăng cảm giác rùng rợn lên cao hơn nhiều. Đây cũng có thể là lý do mà giới phê bình phim Mỹ rất thích vì các ông bà đều... hoài cổ.
Cái ấn tượng thứ ba là âm thanh. Phim này tận dụng rất tốt âm thanh 7.1. Nếu mà sử dụng ATMOS thì còn phê hơn nữa. Đặc biệt, nếu bạn xem phim ở rạp có nhiều bạn nữ, bạn sẽ được cảm nhận âm thanh vòm với các dàn loa đặt giữa hàng ghế rạp. Nhiều đoạn mà khán giả nữ la hét khiến Monk không phân biệt được đâu là tiếng hét của khán giả, đâu là tiếng hét của nhân vật trong phim. Chắc các bạn sẽ bảo :"Ôi dào! Phim ma nào mà chẳng có mấy cảnh hù dọa bằng âm thanh". Phải! Nhưng Monk thích cái không khí rờn rợn mà phim này mang lại. Ngay từ giây thứ nhất của bộ phim, đoạn nhạc mở đầu đã đầy không khí ghê rợn. Xen kẽ giữa phim là những bài nhạc mà nghe lời hát của nó cũng kinh dị không kém, vì nó sát với hoàn cảnh mà nhân vật đang gặp phải. Tiêu biểu là bài Clap Game. Nếu xem phim, bạn sẽ hiểu ý Monk muốn nói.
Cái ấn tượng thứ tư, chính là HÙ DỌA. Khán giả bây giờ xem nhiều phim ma quá rồi, nên các chiêu hù họ nắm hết cả. Trong phim này, khán giả nam luôn miệng bô bô trước bạn gái đi kèm là nhân vật này sẽ bị thế này cho xem. Thế nhưng, những gì mà khán giả đoán đều... trật lất, ít ra là ở phòng chiếu của Monk, đạo diễn biết thừa khán giả sẽ đoán ra nên ông dùng chiêu hù theo một cách khác để đẩy sự căng thẳng bất ngờ lên cao hơn.
Cái ấn tượng thứ năm chính là HÀI. Nhịp phim ban đầu hơi chậm, gây chút căng thẳng, nhưng phim biết cách để chèn HÀI vào giúp khán giả thư giãn. Cái hài của phim theo Monk là có duyên, không phô, không tục, không lên gân, gượng ép. Trong phim có 1 cảnh mà cả rạp chiếu ai cũng vừa sợ vừa buồn cười và Monk đảm bảo bạn cũng sẽ thấy như vậy.
Tất nhiên, bộ phim này có nhiều điều làm Monk chưa thỏa mãn. Đó là cách kể chuyện đan xen giữa hai gia đình, giữa quá khứ, hiện tại, khiến khán giả bị mông lung và luôn miệng hỏi nhau. Nhiều cái được phim gợi mở nhưng không có câu trả lời.
Chẳng hạn con búp bê xuất hiện giữa phim dường như có gì đó liên kết với hồn ma trong gia đình Perron nhưng sau đó thì không thấy nhắc đến nữa. Hoặc bí ẩn dằn vặt Lorraine Warren khiến người chồng lo lắng cho cô, nhưng cuối cùng chẳng ai biết bí ẩn đó là gì và nó chẳng đóng góp gì cho nội dung bộ phim, ngoài việc tạo hoàn cảnh để diễn viên nữ diễn nội tâm.
Và cái kết phim có vẻ nhàm chán, khác hẳn với sự kinh hoàng trước đó khiến ai cũng phấn khích, mặc dù điều này được lý giải là vì phim bám sát câu chuyện có thật nên không thể chế quá nhiều.
Vào thời điểm phim này chiếu ở VN thì trên mạng đã đầy các bản phim lậu, có lẽ đó là lý do mà các rạp chiếu của Mega xếp ít xuất chiếu hơn, mà nhường cho Riddick. Thế nhưng, trong phòng chiếu của Monk xem thì khán giả đông đến phát ngợp. Rời phòng chiếu, Monk thấy có nhiều người vẫn ùn ùn đổ vào xem để bị dọa ma.
Đây là bộ phim mà Monk khuyến cáo các bạn nên đi xem, vì nó hay và thật sự hấp dẫn ở cách dàn dựng và cách mà đạo diễn dùng chiêu để hù dọa khán giả, khiến các khán giả trở thành con rối trong tay ông. Và đây cũng là phim mà Monk cũng khuyên các đạo diễn thích phim kinh dị nên đi xem, để quan sát phản ứng khán giả, hiểu tâm lý của họ trong việc bị đạo diễn điều khiển, và có thể nghĩ ra các chiêu hù mới với khán giả vốn ngày càng chai lì với phim kinh dị.
Một điều rất thú vị là qua bộ phim này, Monk phát hiện ra một cái gọi là TÂM LÝ ĐÁM ĐÔNG hay PHẢN XẠ SỢ CÓ ĐIỀU KIỆN. Đó là ở 1 cảnh phim hoàn toàn chẳng có gì hù dọa,
chỉ là tiếng đồ chơi phát nhạc đang từ từ tắt dần. Theo nguyên lý, khi tiếng nhạc tắt, hồn ma sẽ xuất hiện, và khi tất cả khán giả cùng hồi hộp im lặng theo dõi để chờ con ma xuất hiện thì lúc tiếng nhạc vừa tắt, các cô gái bất giác hét lên như thể vừa thấy ma dù lúc đó chưa có gì xảy ra cả.
Đừng để bị cái mác R và cấm 16 tuổi lừa. Phim không có cảnh gì dã man tàn bạo, máu me bẩn thỉu cả. Đây là bộ phim hoàn toàn hù về tâm lý, nhưng nó thật sự ám ảnh ở thủ pháp và câu chuyện bộ phim đặt ra. Bởi vậy, xem phim này, có thể bạn không bị đạo diễn hù, mà bị chính khán giả xung quanh hù với tiếng la hét vang lên tứ phía.
REVIEW GALAXY TÂN BÌNH ĐỔI MỚI
Sau một khoảng thời gian dài mới quay lại rạp này thì cái ấn tượng đầu tiên là ghế đã được thay đổi. Êm ái hơn, dày hơn, ngả được ra sau. Gần y chang như ghế ở Megastar. Cái ấn tượng thứ hai là đoạn clip Những điều lưu ý khi xem phim đã được thay đổi xem hay hơn ở phần hiệu ứng hình ảnh, nhưng bài rap quá dài và nhảm. Cắt ngắn bớt, cô đọng thì sẽ ấn tượng hơn.