"Cung điện Rồng vũ trụ" Ryugu - tiểu hành tinh nổi tiếng vì các khối xây dựng sự sống - tiếp tục tiết lộ một bí mật đáng kinh ngạc.
Trong quá trình nghiên cứu tác động của quá trình phong hóa trên cạn đối với các hạt mà tàu vũ trụ Hayabusa 2 mang về Trái Đất, nhóm khoa học gia từ Đại học Hiroshima (Nhật Bản) phát hiện ra một thứ bất thường: "Khoáng chất lửa" djerfisherite.

Theo SciTech Daily, djerfisherite là một khoáng chất sunfua sắt-niken chứa kali.
Điều đáng nói là djerfisherite thường hình thành trong môi trường rất thiếu oxy và nhiệt độ rất cao như loại thiên thạch/tiểu hành tinh chondrite enstatite.
Tuy nhiên, Ryugu thuộc loại CI chondrite, hình thành trong điều kiện lạnh và giàu nước. Việc tìm thấy "khoáng chất lửa" trong Ryugu được các tác giả ví như "tìm thấy hạt của cây cọ bị chôn vùi trong băng Bắc Cực".
Theo bài công bố nghiên cứu trên tạp chí Meteoritics & Planetary Science, phát hiện bất ngờ này cho thấy tiểu hành tinh này đã chịu đựng những đợt tăng nhiệt bất ngờ hoặc đã bắt giữ vật liệu kỳ lạ được vận chuyển qua hệ Mặt trời sơ khai.
Điều này thách thức suy nghĩ trước đây rằng Ryugu và các tiểu hành tinh cùng loại có thành phần đồng nhất, cũng như thách thức các lý thuyết về cách chúng hình thành.
Phát hiện này đặc biệt có ý nghĩa với chúng ta. Ryugu đại diện cho lớp vật thể không gian cổ xưa chứa các khối xây dựng sự sống, có thể giống như tiểu hành tinh và thiên thạch đã gieo mầm sự sống vào Trái Đất hàng tỉ năm tuổi.
Các nhà khoa học đang chuyển sang phân tích các dấu vết ẩn mình trong các đồng vị hóa học mà Ryugu sở hữu, để theo dõi nguồn gốc thực sự của hạt và giải mã cách các tiểu hành tinh nguyên thủy thực sự hình thành, cũng là tiến gần hơn nguồn gốc của chính chúng ta.