Start menu vẫn là biểu tượng của Windows, nhưng thành thật mà nói… nó còn có ích không?

NhatTrungNguyen

Super Moderators
Thành viên BQT

Hầu hết người dùng ngày nay không còn click vào Start menu để tìm ứng dụng hay mở file như trước. Thay vào đó, họ chỉ gõ vài phím rồi nhấn Enter – nhanh hơn, tiện hơn, và gần như không cần biết Start menu có gì.​


Trong suốt nhiều thập kỷ, Start menu từng được xem là biểu tượng không thể thay thế của Windows – đúng như cái tên, đây là cánh cửa để bắt đầu vào cả thế giới phần mềm, cài đặt và tập tin cá nhân. Từ những ngày đầu tiên trên Windows 95 cho đến đỉnh cao của Windows 7, nút Start từng là nơi đầu tiên người dùng tìm đến khi cần mở ứng dụng, tắt máy, hay đơn giản là "dò đường" trong một hệ điều hành đồ họa còn xa lạ với nhiều người.

Nhưng bước sang thời đại mới, khi thói quen người dùng thay đổi và công cụ tìm kiếm ngày càng thông minh, Start menu giờ đây giống như một "di tích" – vẫn còn đó, vẫn được Microsoft trau chuốt mỗi lần cập nhật Windows, nhưng vai trò thực tế đã phai mờ nhiều so với quá khứ.

Start… search

Tất nhiên người dùng vẫn "mở" Start menu nhiều lần mỗi ngày, nhưng không phải để tương tác với nó. Thay vào đó, họ chỉ dùng phím Windows để gọi thanh tìm kiếm, rồi gõ vài ký tự là xong. Ví dụ: muốn mở Power BI, không cần lục tung danh sách ứng dụng, chỉ cần nhấn phím Windows rồi gõ "Po…" và Enter. Cần tìm tài liệu Gifts.xlsx? Gõ "Gi…" và file hiện ra ngay. Toàn bộ quá trình diễn ra chỉ trong một, hai giây – không rê chuột, không phải nhớ biểu tượng nằm ở đâu.

Trong một chia sẻ thẳng thắn, tay bút công nghệ của trang Neowin cho biết: "Tôi không thực sự ‘dùng’ Start menu. Tôi mở nó nhiều lần trong ngày, nhưng mục đích duy nhất là để gõ tìm kiếm – tôi không hề tương tác với danh sách ứng dụng, thư mục hay file gần đây."

Có một xu hướng dễ thấy là trong các bản Windows hiện đại, đặc biệt là từ Windows 10 trở đi, hành vi của người dùng đã thay đổi rõ rệt. Nhiều người không còn bấm Start để "mò" theo danh sách ứng dụng nữa.

photo-1752825029165-17528250296671170134553-1752909978386-17529099784821541557368.jpeg


Trong khi đó, danh sách ứng dụng, thư mục ứng dụng, hoặc các mục "đề xuất gần đây" trong Start menu lại ngày càng ít được chú ý. Không chỉ bởi chúng không đủ thông minh để gợi ý đúng thứ người dùng đang cần, mà còn vì việc phải dùng chuột, rê mắt, định vị biểu tượng giữa một lưới lộn xộn là việc thiếu hiệu quả với những người quen thao tác bằng phím.

Trải nghiệm này không phải cá biệt. Trên các diễn đàn như Reddit hay XDA, rất nhiều người đồng tình rằng Start menu – theo nghĩa truyền thống – gần như đã mất vai trò điều hướng chính. Với những người quen thao tác bằng bàn phím, Start giờ chỉ là cái "vỏ" cho tính năng tìm kiếm.

Điều thú vị là Microsoft không mù mờ trước sự thay đổi này. Theo các phát hiện từ cộng đồng, Windows thực tế ghi lại cả số lần người dùng nhấn nút Start, thông tin này được lưu trong registry của hệ thống. Ngoài ra, Microsoft còn thu thập các dữ liệu như bao nhiêu ứng dụng được mở từ Start menu, ứng dụng nào bị ghim hoặc gỡ ghim khỏi Start hay người dùng có tương tác với phần đề xuất hay không


Microsoft có lẽ cũng đã nhận ra sự dịch chuyển. Start menu trong Windows 11 được tinh gọn hơn, bỏ phần Live Tiles, gom nhóm theo hướng tối giản. Nhưng điều đó cũng khiến nó trở nên… vô hồn hơn với nhiều người. Không ít ý kiến cho rằng họ chẳng cần đến Start menu vì Taskbar đã chứa mọi ứng dụng thường dùng, còn màn hình Desktop vẫn là nơi lưu giữ các shortcut quen thuộc. Trong khi đó, Windows Search – dù còn nhiều phàn nàn về tốc độ hay độ chính xác – vẫn đủ tốt cho nhu cầu mở ứng dụng, tìm tài liệu hay thậm chí tra cứu cài đặt hệ thống.



Start menu vẫn là biểu tượng của Windows, nhưng thành thật mà nói… nó còn có ích không?- Ảnh 2.
Các công cụ như PowerToys Run ngày càng phổ biến.


Một số người dùng thậm chí còn "loại bỏ" Start menu bằng cách dùng các tiện ích bên thứ ba như PowerToys Run – một công cụ tìm kiếm dạng Spotlight giống macOS, nhẹ hơn và nhanh hơn Start. Với họ, Start menu không còn cần thiết trong trải nghiệm hằng ngày. Nó giống như một cánh cửa mà người dùng mới hoặc ít kinh nghiệm có thể vẫn cần, nhưng với người dùng quen thao tác nhanh, đó chỉ là một trong nhiều cánh cửa khác tiện đường hơn.

Start Menu vẫn tồn tại, vì nó là một phần biểu tượng

Không phải ngẫu nhiên mà Start menu vẫn được giữ lại cho đến nay, bất chấp thực tế là ngày càng ít người thực sự cần đến nó. Với Microsoft, Start menu không chỉ là một tính năng – nó là một phần của nhận diện thương hiệu Windows, một biểu tượng mang tính lịch sử và cảm xúc với hàng tỷ người dùng toàn cầu.

Việc loại bỏ Start menu từng xảy ra – và đã trở thành một trong những sai lầm tai hại nhất trong lịch sử phát triển của Windows. Trên Windows 8, Microsoft từng mạnh tay thay thế Start menu bằng giao diện Start Screen dạng ô lớn, ưu tiên cảm ứng. Kết quả? Một làn sóng phản ứng dữ dội từ người dùng desktop và laptop truyền thống.

Dù Microsoft cố gắng sửa sai với Windows 8.1 bằng cách thêm nút Start trở lại, niềm tin đã phần nào sứt mẻ. Phải đến Windows 10, khi Start menu quay lại với thiết kế cân bằng hơn, Microsoft mới dần lấy lại được sự ổn định.



Start menu vẫn là biểu tượng của Windows, nhưng thành thật mà nói… nó còn có ích không?- Ảnh 3.
Start Menu sẽ không biến mất, nhưng nó không còn là tính năng cần thiết như xưa nữa.


Kinh nghiệm đó khiến Microsoft dè dặt hơn trong việc động chạm đến Start menu. Dù biết rõ xu hướng người dùng đang thay đổi – nghiêng về tìm kiếm bằng bàn phím, dùng Taskbar và shortcut nhiều hơn – hãng vẫn không dám loại bỏ hoàn toàn Start menu. Thay vào đó, mỗi bản cập nhật đều tìm cách "tái tạo" nó theo hướng hiện đại, tinh gọn hơn, nhưng vẫn giữ được hình thức quen thuộc.

Start menu, vì thế, tồn tại không chỉ để phục vụ nhu cầu thực tế – mà còn để trấn an người dùng rằng Windows vẫn là Windows, vẫn là nền tảng mà họ đã quen suốt nhiều năm. Có thể nhiều người không còn thực sự dùng Start menu, nhưng họ vẫn muốn nó ở đó, như một góc thân thuộc mà họ có thể quay lại bất cứ lúc nào.

Start menu vẫn là một biểu tượng, là thứ mà khi ai đó nhắc đến "Windows", hình ảnh đầu tiên có thể nghĩ tới chính là nút Start ở góc dưới bên trái (dù giờ nó đã bị lôi ra giữa trên Windows 11). Nó vẫn tồn tại, không phải vì ai cũng cần, mà vì đơn giản: Windows chưa (và có lẽ không muốn) khai tử. Một di sản của giao diện cổ điển, giờ đây tồn tại như một thói quen hoài niệm – hoặc cho những ai mới tiếp xúc với Windows vẫn cần một nơi để bắt đầu.
 
Bên trên