![]() Tổng thống Obama và bộ sậu đang thưởng thức phim 3D tại Nhà Trắng. Kể từ khi bom tấn Avatar của đạo diễn James Cameron ra đời, công nghệ 3D được kỳ vọng là sẽ thay đổi cách trải nghiệm phim ảnh và các chương trình giải trí của khán giả. Để thực hiện giấc mơ tỷ đô đó, các nhà sản xuất TV đã lao vào cuộc chạy đua công nghệ nhằm mang đến những sản phẩm tốt nhất. Avatar đã giành được ba giải Oscar và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại khi kiếm được 2,8 tỷ đô từ các phòng vé trên khắp thế giới. Các nhà sản xuất cũng đã giải quyết xong hầu hết những nhược điểm cơ bản của công nghệ 3D, thậm chí còn tạo ra được cả những chiếc TV 3D không cần kính. Thế nhưng, các bạn có biết chuyện gì đang xảy ra không? Theo báo cáo mới nhất của Nielsen, số lượng người xem TV 3D hiện nay quá nhỏ. Nhỏ tới nỗi mà hãng này không thể đưa ra các kết quả nghiên cứu về thói quen của người xem bằng các phương pháp hiện có. Tại Mỹ, chỉ có khoảng 115 ngàn hộ gia đình bật các kênh truyền hình 3D tại cùng một thời điểm. Con số này chưa bằng 1/100 của 20,2 triệu lượt xem bộ phim truyền hình NCIS vốn đang rất hot trong mấy ngày vừa qua. Trong khi đó, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Screen Digest IHS, chỉ có khoảng 2% số TV ở Mỹ hỗ trợ công nghệ 3D, tức là khoảng 6,9 trong tổng số 331 triệu chiếc TV. Với loạt sản phẩm cỡ lớn mới ra lò, IHS dự kiến số lượng TV 3D tại Mỹ sẽ lên tới 19,3 triệu chiếc sau đợt mua sắm phục vụ giáng sinh năm nay. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự đột biến thì số lượng TV 3D cũng sẽ chiếm chưa đến 6% thị phần. Các nhà sản xuất TV 3D có lẽ chỉ biết tròn mắt và hoàn toàn không hiểu chuyện quái quỷ gì đang xảy ra với ngành công nghiệp tỷ đô của họ. Kể từ năm 2009, TV 3D và rạp chiếu phim đã trở thành cơn sốt tại nhiều quốc gia trên thế giới, thế nhưng doanh số TV 3D trong suốt 3 năm liền vẫn cực kỳ ảm đạm. Không có gì là bí ẩn ở đây cả, nội dung 3D hiện nay quá nghèo nàn và kém chất lượng. Lý do ư? Không phải là các hãng phim lười nhác! Sự thật là chi phí sản xuất 3D quá tốn kém so với 2D, chưa kể là các rủi ro về kinh tế mà họ phải đối mặt cũng lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, kính 3D cũng là một rào cản không nhỏ khiến nhiều người quay lưng với TV 3D. Mặc dù kính thụ động khá nhẹ, nhưng chúng cũng khá khó chịu khi xem trong một thời gian dài. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy không thoải mái khi phải chi tiền ra để mua thứ phụ kiện rắc rối này. Theo IHS, mức giá trung bình của một chiếc TV 3D 42 inch tại Mỹ là khoảng 900 USD, những chiếc TV này khác biệt ở chỗ chúng được trang bị thêm một con chip hi-tech và bộ phần mềm chuyển đổi tín hiệu 3D thành 2 hình ảnh riêng biệt cho mắt phải và mắt trái. Những chiếc kính để xem 3D hiện nay khá rẻ, nhưng một số sản phẩm cao cấp lại có giá lên tới 50 USD. Tại Mỹ, để thưởng thức 3D trọn vẹn, ngoài các dịch vụ truyền hình cáp HD, người dùng thường phải chi thêm khoảng 120 USD để mua đầu đĩa Blu-Ray hỗ trợ 3D và đĩa Blu-Ray với mức giá khoảng 27 USD mỗi bộ (đĩa Blu-Ray thường được đóng thành bộ). Việc người tiêu dùng không mặn mà với công nghệ 3D không chỉ khiến cho nhiều hãng truyền hình phải hủy bỏ kế hoạch tung ra các chương trình hay các kênh mới, mà nó còn ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp quảng cáo vốn đang là nguồn sống của nhiều hãng truyền hình lớn tại Mỹ. Hiện tại - như đã nói - dữ liệu người dùng 3D quá nhỏ, không thể tính toán được đã khiến cho việc khai thác quảng cáo bị cản trở. Trong khi đó, sản xuất một chương trình 3D có nghĩa là các nhà đài sẽ cần có gấp đôi số lượng camera, gấp đôi nhân lực và các thiết bị khác cũng phải tăng cường. Điều này khiến cho những rủi ro trở nên lớn hơn rất nhiều khi mà lượng người xem vô cùng ít ỏi và... không thể tính toán. Quả là đáng buồn khi mà công nghệ HD chỉ cần một vài năm để trở nên phổ biến trên toàn thế giới, còn 3D thì vẫn đang loay hoay ở trước vạch xuất phát sau 3 năm tồn tại. Theo Foxnews |