Samsung mua lại LoopPay nhằm cạnh tranh với Apple Pay

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
attachment.php

Thời gian gần đây chúng ta được nghe rất nhiều về công nghệ thanh toán di động bằng giao thức NFC của công ty Apple với tên gọi Apple Pay. Không để mất nhiều thời gian hơn nữa, ngày 18/02 vừa qua Samsung, một gã khổng lồ khác trong làng công nghệ, đã tuyên bố mua lại công ty khởi nghiệp sở hữu công nghệ thanh toán di động LoopPay. Hành động này của Samsung được giới quan sát xem như nhằm cạnh tranh với Apple Pay (và cả với Google Wallet), đặc biệt khi ngày ra mắt smartphone Galaxy S6 thuộc phân khúc cao cấp của hãng đang cận kề - Galaxy S6 được hứa hẹn sẽ ra mắt tại Hội nghị di động thế giới 2015 (Mobile World Congress) diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha) vào ngày 01/03.

Mọi thông tin về điều khoản mua lại không được tiết lộ.

"Mục tiêu của chúng tôi là mang lại trải nghiệm ví điện tử di động thông minh nhất, an toàn nhất mà vẫn thân thiện với người dùng, và chúng tôi rất vui mừng được chào đón công ty LoopPay vì đã giúp mang chúng tôi đến gần với mục tiêu này hơn," JK Shin, đồng CEO và là lãnh đạo bộ phận di động doanh nghiệp của Samsung, phát biểu tại buổi họp báo công bố việc mua lại LoopPay.

Việc mua lại này không phải một sớm một chiều mà thật ra Samsung đã ngắm nghía và có nhiều tiếp xúc thiết lập quan hệ đối tác với LoopPay từ năm 2013. Đến mùa hè năm ngoái thì Samsung đã có món đầu tư chiến lược vào LoopPay. Và ít tháng trước thì Samsung đã đi đến quyết định cuối cùng là mua hẳn công ty LoopPay luôn vì rằng "đây rõ ràng là cơ hội duy nhất giúp cho chúng tôi thực hiện được nhiều hơn nữa các mục tiêu của mình, bằng cách tích hợp sâu công nghệ thanh toán di động của LoopPay vào phần cứng của chúng tôi," David Eun, phó chủ tịch phụ trách trung tâm phát minh toàn cầu của Samsung, cho biết.

Thôi thúc mua lại LoopPay càng gấp rút hơn khi đối thủ của Samsung là công ty Apple đã trang bị công nghệ thanh toán di động Apple Pay cho hai mẫu smartphone "đinh" của họ là iPhone 6 và iPhone 6 Plus. Apple Pay hiện đã hoạt động với khoảng 750 ngân hàng và các liên minh thẻ tín dụng, bên cạnh đó là hơn 200.000 quầy thanh toán. Và chỉ sau ba tháng đi vào hoạt động, Apple Pay đã chiếm hơn 2 USD cho mỗi 3 USD chi trả áp dụng hình thức thanh toán "contactless", CEO của Apple Tim Cook cho biết trong một tiết lộ tháng vừa qua. Ông Cook vì vậy đã mạnh miệng tuyên bố năm 2015 "là năm của Apple Pay."

Công nghệ thanh toán di động hiện tại của LoopPay bao gồm một đầu đọc thẻ kết nối với bộ vỏ chuyên dụng (mua riêng) ốp thêm lên smartphone, người dùng bước đầu sẽ quét thẻ thanh toán của họ (có thể là thẻ tín dụng credit card hoặc thẻ ghi nợ visa debit) qua đầu đọc thẻ y như cách thức quẹt thẻ tại các quầy thanh toán vậy, các thông tin trên thẻ sẽ được nhập vào điện thoại thông qua ứng dụng quản lý riêng của LoopPay. Cứ thế lần lượt cho đến hết những thẻ nào mà người dùng đang sở hữu; ứng dụng quản lý có một danh sách các tổ chức thẻ để người dùng chọn lựa và lưu thông tin cho phù hợp với loại thẻ của họ. Một khi đã lưu hết thông tin của thẻ lên điện thoại thì người dùng sẽ không cần phải mang theo thẻ bên người nữa, khi cần chi trả cho món đồ nào đó thì họ chỉ việc huơ điện thoại ra gần máy quẹt thẻ là thông tin thẻ trên điện thoại sẽ được truyền qua máy để tiến hành thanh toán. Bộ vỏ chuyên dụng của LoopPay có giá bán 16 USD, còn đầu đọc thẻ là 10 USD. Công nghệ này được LoopPay gọi là giao thức Magnetic Secure Transmission (MST).

Tuy bước đầu có hơi mất thời gian cho thao tác nhập thông tin thẻ nhưng công nghệ này lại có ưu điểm là các điểm mua sắm có thể tận dụng được các đầu đọc thẻ có sẵn mà không cần phải thay đổi hay trang bị thêm gì khác. Chúng ta có thể so sánh để thấy rằng công nghệ Apple Pay dùng giao thức NFC nên buộc đòi hỏi các điểm giao dịch hay các nhà bán lẻ phải nâng cấp và trang bị thêm chip NFC cho các quầy thanh toán (POS terminal), để nhờ vậy mà thông tin cần thanh toán sẽ được chia sẻ và xử lý khi điện thoại của người dùng đến gần nơi thanh toán.

Video giới thiệu cách thức hoạt động của LoopPay:

[video=youtube;bw1l149Rb1k]https://www.youtube.com/watch?v=bw1l149Rb1k[/video]​

Samsung cho biết thêm công nghệ LoopPay dùng được cho khoảng 90% các quầy thanh toán hiện có, và điều này giúp ích rất nhiều cho việc lan tỏa và chiếm lĩnh thị trường của Samsung. Bên cạnh đó, chỉ với ít tinh chỉnh thì công nghệ này sẽ đồng thời hoạt động được với các giao dịch thông qua NFC, giống như Apple Pay vậy. Kết quả là người dùng có thể mặc sức dùng thêm các thẻ quà tặng (gift card), thẻ khách hàng thường xuyên (loyalty card) và nhiều loại thẻ khác nữa, điều mà hiện nay Apple Pay chưa thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, do LoopPay cũng đồng thời hợp tác và làm ứng dụng cho hệ điều hành iOS của Apple nên sau thương vụ mua lại này thì chưa rõ liệu LoopPay vẫn được phép tiếp tục cung cấp ứng dụng cho iPhone và các hãng sản xuất smartphone khác, hay sẽ trở thành hàng độc quyền dành riêng cho các thiết bị của Samsung. Cả hai ông David Eun và JK Shin cùng từ chối trả lời vấn đề này.

Với sự tham gia của Samsung, khu vực thanh toán di động với tham vọng thay thế chiếc ví tiền truyền thống dường như bắt đầu nóng và chật chội hơn. Nếu không kể đến Apple với Apple Pay của riêng công ty này, thì hồi tháng mười năm ngoái, các nhà mạng AT&T, T-Mobile và Verizon cũng đã đưa ra giải pháp thanh toán di động của họ với tên gọi Softcard. Các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ, bao gồm Walmart, Target và CVS, mới đây cũng đã thành lập một tổ chức riêng được gọi là Merchant Customer Exchange để quản lý và điều hành ứng dụng thanh toán di động CurrentC và đồng thời đóng các quầy thanh toán dùng NFC để chặn Apple Pay cùng các đối thủ tương tự.

Và chúng ta cũng không được phép quên một hình thức thanh toán di động khác là Google Wallet của gã khổng lồ Google. Tuy nhiên, với hành động mua lại LoopPay thì rõ ràng Samsung một lần nữa đang "tát vào mặt" đối tác quan trọng và nhiều quyền uy Google bất chấp việc công ty này đang dùng hệ điều hành Android (!) trên đại đa số smartphone của họ. Nhưng nếu không làm vậy thì Samsung sẽ khó mà tạo được điểm khác biệt lớn trong một rừng smartphone chạy hệ điều hành Android hiện có trên thị trường, họ rõ ràng là cần phải có dịch vụ riêng độc đáo để bứt phá lên trong tình hình doanh số smartphone bán ra năm qua không mấy sáng sủa.

"Chìa khóa quan trọng ở đây là sự khác biệt," Injong Rhee, người đứng đầu bộ phận thanh toán di động và doanh nghiệp của Samsung, cho biết trong một phỏng vấn.

Samsung trước đây đã nhúng chân vào lĩnh vực thanh toán di động với ứng dụng Samsung Wallet. Ứng dụng Samsung Wallet này tương tự như ứng dụng Passbook của Apple ở chỗ chỉ là ứng dụng giúp người dùng lưu trữ các thông tin phiếu giảm giá, các loại vé, và thẻ lên máy bay. Song rõ ràng là Samsung có nhiều tham vọng hơn là việc chỉ lưu trữ đơn giản các thông tin về các loại thẻ và vé, ông Rhee cho biết. Công ty muốn cung cấp mọi thứ liên quan đến giao dịch tiền bạc, thanh toán từ trực tuyến lẫn ngoại tuyến (offline), cũng như lưu trữ thông tin về thẻ quà tặng, thẻ thành viên, thẻ khách hàng trung thành. Công nghệ của LoopPay rất phù hợp với chiến lược của Samsung khi hoạt động được với hạ tầng kiến trúc hiện tại của các quầy thanh toán (POS terminal) mà không cần phải thay đổi hay bổ sung gì thêm về phần mềm và phần cứng, ông Rhee nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Samsung cũng sẽ có thể tích hợp thêm tính năng bảo mật từ nền tảng KNOX được đánh giá rất cao.

"So sánh với NFC thì rõ ràng LoopPay có độ bao phủ rộng hơn," ông Rhee kết luận.

Trở lại với công nghệ LoopPay, Samsung cho biết sẽ tìm cách tích hợp hẳn lên phần cứng của các thiết bị của họ, rất có thể flagship Galaxy S6 đang được chờ đợi sẽ đi tiên phong, thay vì dùng bộ vỏ rời ốp thêm vô điện thoại như hiện nay.

 
Bên trên