Khảo sát cho thấy nhiều thanh thiếu niên làm thân với chatbot AI, gây nên loạt vấn đề về kỹ năng tương tác, giao tiếp cộng đồng.
Chứng kiến 2 người bạn cãi nhau, James Johnson-Byrne (16 tuổi, sống tại Philadelphia, Mỹ) không biết phải làm gì. Cậu bé quyết định nhờ chatbot AI tư vấn.
Phần mềm khuyên Johnson-Byrne tách 2 người bạn xa nhau. Cậu bé làm theo và vấn đề được giải quyết lập tức, nhưng thừa nhận giờ đây họ “không còn nói chuyện nhiều”.
Trường hợp của Johnson-Byrne cho thấy chatbot AI rất tốt trong giải quyết những thách thức ngắn hạn, nhưng vẫn “chưa thể tìm ra vấn đề sâu xa hơn”.
Theo CNN, yếu tố khiến cậu bé 16 tuổi ấn tượng là cách chatbot dường như luôn đồng tình và nói những gì cậu muốn nghe. Do đó, Johnson-Byrne nhiều lúc lầm tưởng chatbot chính là người bạn ngoài đời thực.
Chatbot không phải bạn tốt
Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media, nhiều thanh thiếu niên cũng có cảm giác tương tự Johnson-Byrne.Cụ thể, khảo sát hơn 1.000 người độ tuổi 13-17 cho thấy 72% sử dụng các loại chatbot AI dạng “bạn đồng hành” (companion). Trong đó, hơn 50% sử dụng thường xuyên, 33% tìm đến để xây dựng mối quan hệ và tương tác xã hội.
Hơn nữa, 31% cho biết các cuộc trò chuyện với AI mang đến sự hài lòng tương đương (thậm chí cao hơn) khi tương tác với người thật. Có 33% người khảo sát thậm chí thảo luận các vấn đề quan trọng với AI thay vì người khác.
Đây là kết quả đáng lo ngại bởi thanh thiếu niên ở “độ tuổi phát triển xã hội nhạy cảm” theo Michael Robb, trưởng nhóm nghiên cứu tại Common Sense Media.
“Chúng tôi không muốn trẻ em có cảm giác cần tâm sự hoặc tìm bạn đồng hành AI thay vì bạn bè, cha mẹ hoặc chuyên gia có trình độ, đặc biệt khi họ cần giúp đỡ những vấn đề quan trọng”, Robb nhấn mạnh.
![]() |
Tính năng "bạn gái ảo" vừa ra mắt của Grok. Ảnh: Bloomberg. |
“Trong thế giới thực, có rất nhiều tín hiệu xã hội mà trẻ em vừa phải diễn giải, vừa làm quen và học cách phản ứng...
Chúng muốn làm hài lòng bạn nên sẽ không gây nhiều bất tiện theo cách con người ngoài đời thường làm”, Robb cho biết. Điều đó dẫn đến việc khi gặp khó khăn trong lúc tương tác ngoài đời, trẻ em có thể thiếu kỹ năng ứng xử.
Tiếp theo, bạn đồng hành AI cũng có vẻ thực tế, giúp trẻ em tạm thời bớt cảm giác cô đơn khi tương tác với chúng. Tuy nhiên, điều đó có thể gây tình trạng giảm kết nối giữa người với người, khiến chúng trở nên cô đơn về lâu dài.
“Giao tiếp với nhân vật trên website của chúng tôi mang tính tương tác và giải trí, nhưng người dùng phải nhớ điều quan trọng rằng các nhân vật này không phải người thật”, Chelsea Harrison, Giám đốc Truyền thông tại Character.AI, ứng dụng bạn đồng hành AI, cho biết.
Con số đáng lo ngại khác là 24% thanh thiếu niên từng chia sẻ thông tin cá nhân với bạn đồng hành AI. Theo nhà nghiên cứu, chúng có thể không nhận ra rằng bản thân đang chia sẻ dữ liệu với các công ty chứ không phải bạn bè.
“Bạn thường cấp cho những công ty này rất nhiều quyền truy cập rộng rãi, vĩnh viễn với thông tin cá nhân, giúp họ sử dụng tùy theo ý thích. Các công ty có thể chỉnh sửa, lưu trữ, hiển thị hoặc đưa chúng vào những thứ khác”, Robb nhấn mạnh.
Giải pháp cho cha mẹ
Theo bài nghiên cứu, cha mẹ có thể bảo vệ con em thông qua một số giải pháp, chẳng hạn như thảo luận về chatbot “nhưng không mang tính phán xét”. Điều này giúp tìm hiểu lý do công cụ này thu hút trẻ em trước khi đi sâu vào vấn đề.Tiếp theo, phụ huynh cần giải thích rằng bạn đồng hành AI được lập trình với tính cách tử tế và công nhận. Đó không phải cách hoạt động của tất cả mối quan hệ ngoài đời.
“Những cuộc trò chuyện này có thể giúp trẻ em học cách suy nghĩ về AI một cách rộng rãi, theo hướng lành mạnh”, Robb cho biết.
Cha mẹ cũng có thể khuyến khích con cái gặp gỡ bạn bè và những người ngoài đời thực. Việc tăng cường kết nối, giao tiếp bằng mắt và một số cảm xúc chỉ có thể diễn ra giữa người với người.
“Crush của chúng ta bước vào lớp. Giáo viên nói những thứ điên rồ. Bạn giao tiếp bằng mắt với người bạn thân nhất. Những sắc thái này mang đến bài học về cách giao tiếp thân mật, tạo ra nhiều niềm vui và hạnh phúc mà robot AI không bao giờ có thể mang đến”, Justine Carino, nhà trị liệu tâm lý tại New York, cho biết.
![]() |
Một workshop về cách sử dụng ChatGPT. Ảnh: New York Times. |
Trong bài kiểm tra của Common Sense Media, AI đã cho trẻ em xem các nội dung không phù hợp, phản hồi thiên kiến và đôi khi đưa ra lời khuyên nguy hiểm
Trong trường hợp con em sử dụng bạn đồng hành AI, điều quan trọng là cần chú ý những dấu hiệu không lành mạnh. Nếu trẻ em thích tương tác với AI thay vì con người, dành hàng giờ với chatbot, trở nên cáu gắt khi không sử dụng hoặc xa lánh gia đình và các sở thích trước đây, đó là những dấu hiệu cần chú ý.
Robb cho rằng chính cha mẹ cũng phải “làm gương” cho con em về cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh với công nghệ.
“Hãy cho con thấy sự cân bằng trong việc sử dụng công nghệ. Hãy trò chuyện cởi mở về cách bạn xử lý cảm xúc của chính mình mà không chỉ dựa vào các giải pháp kỹ thuật số”, Robb nhấn mạnh.