Câu chuyện JS Foundry phá sản không chỉ là đòn giáng nặng nề đối với một đơn vị trong ngành mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản.

JS Foundry, công ty đúc chip hợp đồng (foundry) chuyên sản xuất các thiết bị bán dẫn tại Nhật Bản, vừa chính thức đã nộp đơn phá sản tại Tòa án Quận Tokyo vào ngày 14/7/2025. Dưới sức ép nặng nề từ thị trường năng động, công ty này đã không thể duy trì hoạt động.
Theo Reuters, JS Foundry đang gánh khoản nợ lên tới 16,1 tỷ yên (khoảng 110 triệu USD), đồng thời bị hủy bỏ hợp tác với đối tác chính On Semiconductor từ đầu năm 2024, khiến doanh thu sụt giảm từ mức 10 tỷ yên xuống chỉ còn khoảng 2,6 tỷ yên trong năm 2024. Cơ sở sản xuất tại Niigata, một nhà máy cũ từ năm 1984 từng thuộc sở hữu của Sanyo và Onsemi, không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất chip SiC hiện đại.
Câu chuyện JS Foundry phá sản không chỉ là đòn giáng nặng nề đối với một đơn vị trong ngành mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang tăng trưởng mạnh về công nghệ SiC (silicon carbide) phục vụ xe điện và năng lượng tái tạo, JS Foundry và ngay cả đối thủ Mỹ Wolfspeed đều lâm vào khó khăn tương tự: bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ Trung Quốc đang mở rộng quy mô sản xuất nhanh chóng và chi phí thấp.
Nhật Bản từng thống trị thị trường bán dẫn thế giới trong thế kỷ 20 với tỷ lệ doanh thu chiếm đến 50% vào thập niên 1980 nhờ hợp tác công – tư mạnh mẽ và đầu tư R&D bài bản. Tuy nhiên, các yếu tố như đồng yên tăng giá, chi phí lao động, đầu tư mạo hiểm cạn kiệt,...đã khiến nước này thất thế trước các đối thủ Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ. Đến năm 2019, Nhật chỉ còn khoảng 10% thị phần toàn cầu.
Hiện nay chính phủ Nhật đang triển khai một kế hoạch khổng lồ trị giá 65 tỷ USD (tương đương khoảng 10.000 tỷ yên) để hỗ trợ ngành chip và AI, với mục tiêu xây dựng nền công nghiệp chip tiên tiến trong nước đến năm 2030. Một phần lớn của kế hoạch này dành cho dự án Rapidus – liên doanh giữa nhiều tập đoàn lớn như Sony, Toyota, NEC, Kioxia với sự hợp tác từ IBM và Imec về sản xuất chip tiến tiến nhất 2nm tại Hokkaido từ năm 2027.

Chủ tịch Rapidus Tetsuro Higashi
Rapidus hiện đã cử khoảng 150 kỹ sư đến một cơ sở nghiên cứu của IBM ở Albany, New York để đào tạo sản xuất chip 2nm. Theo Chủ tịch Rapidus Tetsuro Higashi, những công nhân này được chia thành 3 nhóm và luân phiên làm việc tại Nhật Bản và New York.
Chia sẻ với Nikkei, IBM cho biết công ty đã có lịch sử lâu dài quan hệ đối tác phát triển chung với các nhà sản xuất chất bán dẫn Nhật Bản trong công nghệ bộ nhớ và logic tiên tiến. Quan hệ đối tác này cho phép cả Nhật Bản và Mỹ củng cố chuỗi cung ứng chip toàn cầu của mình.
“Cuối cùng cũng đến lúc bắt đầu vận hành một dây chuyền thí điểm, sản xuất chip 2nm và để khách hàng thử nghiệm để xem chúng có thể sử dụng được hay không”, ông Higashi cho biết tại một sự kiện ở Tokyo vào tháng 12.
Các cổ đông hiện tại của Rapidus bao gồm Toyota, NTT, Sony, Denso và Kioxia đều là khách hàng tiềm năng của chip Rapidus. Tuy nhiên, ngoài những khách hàng này, Rapidus vẫn đang phải vật lộn đảm bảo các khoản vay và đầu tư từ khu vực tư nhân. Theo Kanazashi của METI, chi phí dự kiến sẽ tăng vào cuối năm 2025, khi Rapidus chuẩn bị sản xuất hàng loạt vào năm 2027 .
“Nếu bạn chậm hơn những người khác, bạn cần phải có khả năng cạnh tranh về giá cả hoặc năng lực công nghệ vượt trội, nếu không sẽ rất khó để sống cùng các đối thủ hàng đầu”, một chuyên gia cho biết. “Còn quá sớm để đánh giá liệu công ty có thành công hay không. Rapidus đang làm điều này với khoảng vài trăm nhân viên, trong khi TSMC có hàng chục nghìn nhân viên”.
Ngoài chi phí, Rapidus còn phải đối mặt với những rào cản khác, trong đó có một hệ thống thiết kế cho phép Rapidus làm việc với khách hàng để tạo chip theo nhu cầu. Vào tháng 11, Rapidus công bố đang hợp tác với Cadence và Synopsys, hai nhà cung cấp hệ thống thiết kế chip hàng đầu.
“Thành công của doanh nghiệp xưởng đúc phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của khách hàng”, Tseng của SEMI cho biết. “Một khách hàng tốt sẽ giúp tăng năng suất sản xuất của bạn rất nhanh chóng”.

Quay trở lại với JS Foundry.
Vấn đề của JS Foundry phản ánh cả hệ sinh thái chip Nhật Bản đang gặp khủng hoảng: thiếu nhân sự kỹ thuật, cơ sở vật chất lạc hậu, chi phí sản xuất cao và mất thị phần nghiêm trọng. Reuters đánh giá rằng Nhật Bản cần khung pháp lý mới để hỗ trợ sản xuất hàng loạt chip tiên tiến và chiết khấu tín dụng thu hút đầu tư – song thời gian và độ hiệu quả vẫn là dấu hỏi lớn.
Dẫu vậy, không phải toàn bộ ngành chip Nhật Bản xuống dốc. Nước này vẫn duy trì thế mạnh ở các lĩnh vực như thiết bị sản xuất chip, wafers, và bộ nhớ flash NAND. Chính phủ đặt kỳ vọng rằng tài năng R&D, hợp tác quốc tế và đơn vị như Rapidus có thể tạo tiền đề cho sự hồi sinh mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, tương lai của ngành bán dẫn Nhật Bản phụ thuộc vào khả năng hiện thực hóa tham vọng của Rapidus, tái định hình chiến lược từ IDMs sang mô hình foundry chuyên biệt, cải cách chính sách, luật pháp, hệ sinh thái tài chính và giáo dục kỹ sư chip. Đây không chỉ là cuộc chiến cho công nghệ – mà còn là cuộc chiến giữ lại vị thế quốc gia trong kỷ nguyên số toàn cầu ngày càng phân cực.