Mune (Chiến binh mặt trăng) - Hình ảnh đẹp, bù đắp hạn hẹp của nội dung

torune

Film critic
Ra rạp sau 'Inside Out' một tuần và cùng thể loại hoạt hình. Nhưng, 'Mune' khác hoàn toàn với 'Inside Out' ở cách dựng hình, đề tài khai thác trong khi đối tượng khán giả mà phim hướng tới hẹp hơn một chút.

PRTXw6Z.jpg

'Mune' khai thác đề tài muôn thuở: những chuyến phiêu lưu thần thoại đề cao chủ nghĩa anh hùng. Xét ở tạo hình môi trường lẫn nhân vật, 'Mune' trông lạ mà quen. Lạ (nói cách khác là độc đáo) ở chỗ: nhà làm phim cất công xây dựng một hành tinh riêng biệt (không mô phỏng Trái Đất), từ đó tự viết nên truyền thuyết, làm bàn đạp để phát triển câu chuyện. Phát biểu vừa rồi chính là điểm cộng trong ý tưởng nhưng đồng thời là điểm trừ bởi vì nhà viết kịch quá ôm đồm việc giới thiệu nhân vật, thuyết giải môi trường (một cách gián tiếp) mà không tách bạch mức độ trọng yếu giữa những nhân tố này.

Nhân vật của phim đa dạng, đặc sắc và có dấu ấn riêng. 'Mune' dành hẳn 1/3 thời lượng để giới thiệu hết tất cả nhân vật, 1/3 tiếp theo miêu tả biến cố và 1/3 còn lại gói gọn cao trào cùng cách giải quyết. Như đã nói ở trên, nhược điểm nằm ở số lượng nhân vật đồ sộ và được xây dựng rất kỹ lưỡng. Mặc dù vậy, tác giả lại chẳng dụng công (thậm chí bỏ rơi khá nhiều người) trong 2/3 thời lượng còn lại.

0tPmArY.jpg

Về hình ảnh, 'Mune' sẽ khiến những ai đã từng xem kha khá phim, chơi kha khá game (đặc biệt, những game thuộc thể loại phiêu lưu giải đố hoặc RPG) sẽ tự mình chất vấn: "Cảnh này mình gặp ở đâu rồi nhỉ?" Ví dụ như:

  • Cái mũi lấm tấm đốm trắng (của tộc người dê <fauno> sống về đêm) không biết có gợi nhớ đến dân tộc Na'vi nào đó trên hành tinh Pandora?
  • Hai đền thờ kiêm hai linh vật đại diện hai tôn giáo Ngày (Mặt trời) và Đêm (Mặt trăng) có gợi nhớ đến những Colossus khổng lồ trong game PS2 cùng tựa?
  • Những cánh ruộng bậc thang hiển thị nhờ công nghệ đổ bóng cell shader có làm ai đó nhớ tới game Godus nổi danh trên các chợ ứng dụng di động?
  • Đặc biệt, những cảnh hy sinh cực kỳ bi tráng, đậm ánh sáng và sắc màu.

'Mune' dùng đồ họa 'không thể chê' của mình để lấp liếm đi những khoảng dư thừa trong mạch truyện. Bởi vì hình ảnh của phim là tinh túy của game và đàn anh đi trước, cộng thêm một chút gu riêng của nhà thiết kế, cho nên, mỗi screenshot của 'Mune' đẹp như một bức tranh vậy. Nếu bạn thấy chán vì nhịp phim quá chậm, hãy thả lỏng để quan sát kỹ lưỡng hiệu ứng ánh sáng lân tinh (hoặc mô phỏng lửa) cực kỳ nịnh mắt mà cảnh quay nào cũng có cả.

Một điểm sáng nữa trong khâu đồ họa là những cảnh quay 2D chuyển từ 3D, và ngược lại, khi nhân vật chính đi vô/đi ra một thế giới khác (hãy xem phim để khám phá). Chỗ này 'Mune' và 'Inside Out' cùng chung ý tưởng. Nhưng 'Inside Out' có phần nhỉnh hơn vì sử dụng chính các chiều không gian (2 hoặc 3) để tìm hướng giải quyết cho nhân vật trong khi 'Mune' sử dụng thủ pháp này để thay đổi không gian mà thôi.

kz3IW1s.jpg

Về âm thanh, kết hợp với hình ảnh, 'Mune' làm tốt ở những cảnh quay đại ngàn, mang đến cho người xem cảm giác mơ hồ, mông lung và trống trải. Trong khi, sau mỗi phân đoạn mà nhân vật chính tìm được câu trả lời hay có một phép màu gì đó xảy ra, âm thanh của 'Mune' làm người viết bài nhớ tới tín hiệu mỗi khi nhân vật Link của series game Zelda giải được câu đố!?

Dựa vào cảm quan cá nhân, 'Mune' không khác gì một game phiêu lưu giải đố cả. Có chăng, người xem không được trao quyền điều khiển nhân vật. Hoặc, giống như họ đang xem một buổi truyền phát game trực tuyến (live-streaming) của PewDiePie.

Phiên bản lồng tiếng 'Mune' dành cho khán giả Việt Nam thật sự không tốt. Có thể quy cho 1 trong 2 nguyên nhân sau:

  1. Nhà phân phối dịch từ phụ đề tiếng Anh (sang tiếng Việt) nhưng làm không kỹ. Chuyển ngữ hết sang tiếng Việt nhưng đọc tên không rõ chữ, rất khó chịu, đồng thời sẽ gây cản trở cho trẻ em khi mà giọng của dàn diễn viên pha trộn âm điệu miền Bắc lẫn miền Nam.
  2. Nhà phân phối dịch từ tiếng Pháp (ngôn ngữ gốc của phim). Nếu vậy, đây là thảm họa vì tiếng Pháp phát âm giống tiếng Việt đến 90%. Họ có thể dùng chính tên tiếng Pháp để gọi nhân vật luôn. Điển hình như, Mune (đọc) là "Mun"; Yule là "Dun"; Yale là "Deo"; Sohone là "Sô-hôn"; Phospho là "Phốt-pho"...

nJ6KbGA.jpg

Nhìn chung, rất khó để 'Mune' chiều lòng đối tượng nào khác ngoại trừ trẻ em (lần đầu tiếp xúc với những chuyến phiêu lưu trên màn ảnh rộng) và game thủ khoái tìm về cảm giác phiêu lưu thuở ban sơ. Nhưng, phim xứng đáng có được một vị trí trong bộ sưu tập của những ai trân trọng các tác phẩm nguyên tác cũng như cá tính trong thiết kế nhân vật.

Dù tốn khá nhiều thời gian cho việc xây dựng hệ sinh thái độc đáo trên một hành tinh tưởng tượng, đồ họa đẹp đã giúp 'Mune' ghi điểm trong lòng khán giả, giúp họ thư thái, chú tâm hơn vào mạch truyện để chuẩn bị bước vô cao trào cuối cùng với boss xịn, tiết tấu nhanh, cách giải quyết hướng thiện và một twist (nhỏ) lấy nước mắt nhưng nhanh chóng trả lại kết thúc có hậu cho mọi người.

[video=youtube;X-YuxDOO8pU]https://www.youtube.com/watch?v=X-YuxDOO8pU[/video]​

torune@hdvietnam
 
Chỉnh sửa lần cuối:

takez

Member
Ðề: Mune (Chiến binh mặt trăng) - Hình ảnh đẹp, bù đắp hạn hẹp của nội dung

Chỉ riêng với phần đồ họa, thiết kế nhân vật xuất sắc và độc đáo thì phim này đã là một phim phải xem rồi (nó có gì đó giống với Song Of The Sea và The Book Of Life).
 

MONK_da

Film critic
Ðề: Mune (Chiến binh mặt trăng) - Hình ảnh đẹp, bù đắp hạn hẹp của nội dung

Định xem phim này vì coi trailer thấy đồ họa đẹp nhưng rạp chiếu ở VN quá ít, tìm mỏi mắt nên thôi. Cũng tội nhà nhập phim bỏ tiền ra lồng tiếng mà không rạp nào muốn chiếu.
 
Bên trên