Moneyball (2011) – Kinh nghiệm trực giác hay thống kê khoa học?

thich_xem_phim

Active Member
Mùa Oscar 2012 đang tới và đây là phim đầu tiên tui xem trong số những phim nằm trong danh sách được đề cử Oscar. Tại sao tui lại chọn phim này để xem đầu tiên mà không phải là phim khác? Quyết định của tui dựa trên kinh nghiệm trực giác hay thống kê khoa học? Câu trả lời là cả hai. Đầu tiên tui dựa vào thống kê khoa học, tức là vào những website như Imdb, Rottentomatoes... để xem điểm đánh giá của những bộ phim trong danh sách được đề cử Oscar. Sau đó tui dùng trực giác, tức là kinh nghiệm xem phim Oscar của tui từ trước tới giờ để quyết định.

59221503199747061943.jpg

Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm trực giác không thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bản thân tui không biết gì về bóng chày và cũng không có hứng thú tìm hiểu. Khi biết đây là 1 bộ phim về bóng chày thì kinh nghiệm trực giác sẽ thì thầm trong đầu tui rằng phim này chán lắm. Nó sẽ xúi tui hãy xem “The iron lady” vì dù sao tui vẫn thích tìm hiểu về chính trị hơn bóng chày.

Trong phim, những người chuyên tìm kiếm tài năng bóng chày từ các trường học hoàn toàn dựa vào trực giác được hình thành từ những kinh nghiệm trong quá khứ của bản thân họ để nhận định xem ai có tiềm năng trở thành cầu thủ bóng chày ngôi sao trong tương lai chứ không hề dựa vào bất kì 1 thống kê khoa học nào cả. Nếu họ đúng thì may mắn cho anh chàng được chọn đó, còn nếu họ sai thì anh chàng đó sẽ có 1 tương lai mờ mịt. Billy Beane chính là 1 nạn nhân điển hình. Ông thấm thía sự hạn chế của việc dựa vào kinh nghiệm trực giác nên khi gặp 1 anh chàng tốt nghiệp từ Yale ngành Kinh tế thì lập tức chộp liền và để anh ta được toàn quyền chọn cầu thủ dựa trên những con số thống kê.

Còn nếu chỉ dựa vào thống kê khoa học không thì sao? Nếu chỉ căn cứ vào điểm số trên Imdb hay Rottentomatoes mà bỏ qua kinh nghiệm trực giác bản thân thì có lẽ tui đã chọn xem “A separation" (8.6 Imdb, 99% fresh Rottentomatoes) hay “The artist” (8.4 Imdb, 97% fresh Rottentomatoes) đầu tiên thay vì “Moneyball” (7.7 Imdb, 94% fresh Rottentomatoes).

Trong phim, nếu chỉ dựa vào thống kê khoa học thì có lẽ đội bóng của Billy Beane đã không thể phá kỉ lục thế giới vì quyết định thay người trong giờ phút quan trọng của huấn luyện viên là dựa vào kinh nghiệm trực giác của ông ta chứ không hề có thống kê khoa học nào lúc đó cả. Có những thứ không thể lượng hóa được như ý chí, tinh thần của cầu thủ và đó là lí do đội bóng của Billy Beane cuối cùng cũng phải dừng bước.

Trong cuốn sách "Pour your heart into it" do Howard Schultz, người sáng lập Starbucks viết, có 1 chuyện làm tui nhớ mãi, đó là câu chuyện về cuộc khủng hoảng thực sự lớn đầu tiên của Starbucks vào khoảng những năm 1980. Về cơ bản thị trường cà phê năm đó bị mất mùa lớn, kéo theo giá bán buôn tăng vọt, đủ để đảo lộn hoàn toàn mô hình kinh tế của công ty. Starbucks buộc phải lựa chọn 1 trong 2 hướng đi, mà hướng nào cũng dở cả:

1. Bắt đầu sử dụng cà phê giá rẻ.
2. Tăng giá.

Nghiên cứu cho thấy nếu giảm chất lượng bằng cách sử dụng cà phê giá rẻ, chỉ có 10% khách hàng đủ tinh tế để nhận ra sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu họ tăng giá thì bất kì ai cũng có thể nhận ra ngay lập tức. Tất nhiên các kế toán chọn phương án bán cà phê giá rẻ. Lí do là các con số không nói dối; thà bỏ 10% khách hàng còn hơn là mất 100%. Cà phê giá rẻ là việc “rõ ràng” phải làm. Cuối cùng, Howard quyết định không làm vậy. Thay vào đó, ông tăng giá lên tương ứng và ở mỗi cửa hàng để lại 1 mẩu giấy, giải thích tại sao công ty của ông bắt buộc phải thực hiện việc tăng giá đáng tiếc này. Và ông cũng kể cho họ biết về phương án mà ông quyết định không chọn. Và bạn biết sao không? Khách hàng hiểu được lí do của ông và sát cánh bên doanh nghiệp. Cuối cùng giá cà phê bán buôn cũng giảm như cũ, cho phép Starbucks hạ giá sản phẩm theo. Công ty đã vượt qua được bão tố và nhờ đó thương hiệu trở nên lớn mạnh hơn. Rõ ràng con số vẫn có thể nói dối như thường.

Cho nên việc quản lí chỉ đơn thuần dựa vào những con số rồi đưa ra những quyết định mua bán cầu thủ như của Billy Beane không phải lúc nào cũng đúng.

Mỉa mai thay, khi quản lí đội bóng thì Billy Beane thích dựa vào thống kê khoa học, nhưng khi có đội bóng khác mời ông về làm quản lí với mức lương thuộc hàng cao nhất trong giới thì ông lại từ chối để được ở gần với con gái mình (1 quyết định phản kinh tế học). Có lẽ cuối cùng ông cũng nhận ra rằng tình cảm gia đình là 1 thứ không thể lượng hóa được trong cuộc đời này.
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

mrskin

New Member
Ðề: Moneyball (2011) – Kinh nghiệm trực giác hay thống kê khoa học?

Trong các phim được đề cử best picture đã xem thì mình thích nhất là phim này. "It’s Hard Not to Be Romantic About Baseball".
 
Ðề: Moneyball (2011) – Kinh nghiệm trực giác hay thống kê khoa học?

Một giám đốc điều hành, trong những thời điểm quan trọng, phải ra những quyết định quan trọng và chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Billy Bean là một CEO giỏi. Ông dám đi theo thuyết "Moneyblall"-thuyết mà cả làng bóng chày Mỹ không ai theo. Ông kiên trì với đường lối này và cuối cùng thành công rực rỡ. Xem lại vào thời điểm đó, đội bóng mất khá nhiều ngôi sao, tiền tuyển mộ không được thêm một xu, thế nhưng dám đi một nước cờ như Billy Bean thì giới bóng chày chuyên nghiệp chẵng có một ai dám làm thế. Bóng chày khác kinh tế, thế nên cuối cùng đội của ông không thể vô địch và ông cũng biết thế nhưng nó gúp cho đội vượt qua thời khắc khó khăn đó.

Phim hay! Diễn xuất của Brad Pitt thật là tuyệt. Phim nói về bóng chày nhưng những trận đấu diễn ra trên màn ảnh không nhiều. Nhưng cái hay của nó là cuốn hút ta từ đầu tới cuối, làm ta luôn theo dõi, luôn đặt câu hỏi trong tình thế đó hắn ta phải làm gì? và chờ đợi câu trả lời.

Phim không dành cho teen.
 
Bên trên