Theo thông tin mới đây từ tờ Financial Times thì công ty Microsoft sắp tới sẽ đặt các trung tâm lưu trữ dữ liệu người dùng mới nằm bên ngoài nước Mỹ, và quốc gia được họ chọn mặt gửi vàng chính là Đức. Với hành động này của Microsoft sẽ giúp cho những khách hàng châu Âu có thể che giấu mọi thông tin cá nhân đã được số hóa khỏi sự giám sát của chính phủ Mỹ. Dự kiến các trung lưu trữ này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2016 và sẽ được điều hành bởi một công ty con của Deutsche Telekom. "Những trung tâm lưu trữ dữ liệu mới này sẽ mang đến cho khách hàng mọi sức mạnh của công nghệ điện toán đám mây của Microsoft, và bảo đảm rằng một công ty của Đức sẽ giữ quyền kiểm soát chúng," CEO Satya Nadella của Microsoft phát biểu tại họp báo công bố sự việc tại Berlin hôm 11/11.
Tuy vậy, tờ Financial Times cũng lưu ý rằng các khách hàng sẽ phải trả thêm phụ phí để có thể lưu trữ dữ liệu của họ theo cách này.
Công bố nói trên của Microsoft cho thấy cuộc chiến đòi quyền truy cập các dữ liệu thuộc cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài giữa các công ty công nghệ Mỹ và chính phủ nước này đang tiến thêm một bước căng thẳng nữa. Các công ty như Microsoft và Google thì muốn giữ gìn uy tín của họ trước những người dùng sau những tiết lộ của Snowden, nhưng đồng thời lại phải đương đầu với những cặp mắt hau háu của các cơ quan cảnh sát và tình báo Mỹ ngày đêm tìm cách có được đặc quyền truy cập vô dữ liệu cá nhân của người dùng. Thực tế là đang diễn ra một cuộc chiến pháp lý giữa Microsoft và một tòa án ở New York mà trong đó nhà chức trách đòi được xem các email của công dân Mỹ được lưu trữ ở Ailen, song phía công ty Microsoft đã từ chối giao nộp những gì mà nhà chức trách yêu cầu. Microsoft có thể sẽ thất bại trong cuộc chiến này, nhưng việc mở các trung tâm lưu trữ dữ liệu mới ở Đức sẽ giúp họ chống lại những yêu cầu đòi truy cập dữ liệu từ chính phủ Mỹ, bởi một điều đơn giản là luật bảo vệ thông tin của Đức được xem là nằm trong số nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Bằng việc đặt quyền kiểm soát các trung tâm lưu trữ vào tay một công ty Đức thì Microsoft đã khôn khéo chuyền trái bóng trách nhiệm sang cho các nhà chức trách Đức mỗi khi chính phủ nước họ đòi hỏi xem thông tin. Và Microsoft gọi công ty như vậy là "data trustee " (tạm dịch: Ủy thác dữ liệu). Ngoài Đức ra thì công ty Microsoft cũng đồng thời có kế hoạch mở thêm các trung tâm lưu trữ ở vương quốc Anh.
Tuy hết lòng bảo vệ khách hàng như vậy xong theo như những tiết lộ của nhà thầu tình báo Edward Snowden thì chính các cơ quan tình báo của châu Âu lại sẽ tìm cách đào bới thông tin của các công dân thuộc các nước châu Âu để trao cho đồng nghiệp NSA bên Mỹ. Thêm vào đó, Paul Miller, một nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn Forrester, cũng lưu ý rằng hành động đặt máy chủ ở Đức của Microsoft thực tế vẫn chưa được thử lửa trước tòa án. "Cho nên, để chắc chắn hơn về sự an toàn của các dữ liệu người dùng thì chúng ta sẽ phải đợi những thách thức pháp lý đầu tiên đã rồi mới biết công ty Đức có thể bảo vệ Microsoft đến đâu," ông Miller nhận định.
Nguồn The Verge