Microsoft đang rời xa người dùng: Chính họ cũng không buồn che giấu điều đó

NhatTrungNguyen

Super Moderators
Thành viên BQT

Dưới sự điều hành của CEO Satya Nadella và Giám đốc tài chính Amy Hood, những kỳ vọng tài chính phi thực tế đang được áp đặt lên Xbox, Windows và nhiều bộ phận khác – kéo theo sự hỗn loạn trong chiến lược và những hệ quả khó cứu vãn.​

Jez Corden, tay bút của trang WindowsCentral phân tích rằng nhiều người từng kỳ vọng Xbox đã bước sang trang mới, nhất là sau Xbox Showcase gần đây và cam kết tiếp tục phát triển phần cứng. Trước đó, có tin đồn Microsoft sẽ từ bỏ mảng phần cứng, chuyển giao hoàn toàn cho các OEM như ASUS, khiến cả nhân sự nội bộ lẫn người dùng hoang mang. Tuy nhiên, hy vọng đó nhanh chóng bị dội gáo nước lạnh khi Microsoft công bố sa thải thêm 9.000 người – nâng tổng số nhân viên bị cắt giảm trong năm lên hơn 15.300, bao gồm hàng trăm người ở Xbox. Các đợt cắt giảm diễn ra ngẫu nhiên, không phân biệt vai trò hay thâm niên.

Từ việc loại bỏ những nhân sự kỳ cựu, đóng cửa studio, hủy bỏ dự án, đến thông điệp mâu thuẫn như việc phát hành Helldivers 2 (do Sony phát hành) trên Xbox ngay trong ngày công bố sa thải – Microsoft ngày càng khiến cộng đồng khó đoán và mất niềm tin. Câu nói “Xbox đã chết” dường như không còn là trò đùa.

picture3-1752655555521-1752655556128654184897.jpg


Không chỉ Xbox, sự hỗn loạn này cũng lan rộng ở các bộ phận khác. Từ Windows đến Surface, nhiều người gắn bó lâu năm có thể thấy rõ Microsoft ngày nay không còn là chính mình. Các sáng kiến từng được cộng đồng ủng hộ – như cải thiện game Nhật, tăng cường bản địa hóa, nâng trải nghiệm Xbox trên PC – dù có triển khai, nhưng vẫn nửa vời và thiếu ổn định.

Dưới thời Nadella và Hood, Microsoft liên tục xoay trục chiến lược, không ngần ngại cắt giảm nhân sự quy mô lớn để “tối ưu chi phí”. Điều đó khiến ngày càng nhiều người tin rằng, việc trở thành “người hâm mộ” Microsoft đang dần trở thành điều không tưởng.

Microsoft đang như một “ngân hàng”, đầu tư khắp mọi nơi

Các nguồn tin nội bộ cho biết, đợt sa thải quy mô lớn vừa qua chủ yếu bắt nguồn từ Giám đốc tài chính Amy Hood – người bị cho là đã đặt ra những kỳ vọng tài chính phi thực tế lên các bộ phận trong công ty. Điều này tạo nên một văn hóa sợ hãi và nghi ngờ, khiến năng suất giảm sút và cuối cùng lại tác động tiêu cực đến lợi nhuận.

Nhiều nhân viên nhận định đây là hệ quả của sự dịch chuyển chiến lược sang AI, giữa lúc giới lãnh đạo và nhà đầu tư ngày càng lo ngại Microsoft đang tụt lại trong cuộc đua AI. Quan hệ đối tác với OpenAI – trụ cột chính của Microsoft trong lĩnh vực này – cũng đang rạn nứt. OpenAI muốn thoát khỏi các ràng buộc độc quyền, và toàn bộ thỏa thuận giữa hai bên sẽ hết hạn vào năm 2030. Trong khi đó, OpenAI đang mất nhân sự vào tay Meta – đối thủ có tiềm lực mạnh về AI và nền tảng xã hội.



Microsoft đang rời xa người dùng: Chính họ cũng không buồn che giấu điều đó- Ảnh 2.
Copilot+ PC đến lúc này vẫn chưa thể thuyết phục người dùng



Nếu OpenAI thất bại, vị thế của Microsoft trong AI có thể sụp đổ theo. Nhưng các sản phẩm AI nội bộ của công ty lại không đủ để thay thế: Copilot chỉ là phiên bản rút gọn của ChatGPT; Microsoft 365 Copilot bị chê là thiếu chiều sâu; ngay cả tính năng xóa vật thể trong ứng dụng Photos cũng thua xa đối thủ như Samsung. Phần lớn vẫn chỉ là trình diễn công nghệ, chưa có sản phẩm thương mại nổi bật.

Windows Recall – sản phẩm AI hiếm hoi ra mắt – thì bị xem là thảm họa quyền riêng tư. Dù đã chỉnh sửa, công cụ này vẫn gây tranh cãi. Dòng Copilot+ PC mà nó gắn liền cũng thất bại, khiến thương hiệu Surface tổn hại nghiêm trọng.

Một số ý kiến nội bộ cho rằng ban lãnh đạo đang hối tiếc vì đã dồn vốn vào Activision-Blizzard thay vì đầu tư mạnh vào AI từ đầu. Giờ đây, Microsoft dự kiến rót 80 tỷ USD vào các trung tâm huấn luyện AI toàn cầu để “lật ngược tình thế”. Nếu không mua Activision, công ty có thể đã có tới 160 tỷ USD trong tay cho chiến lược này. Những đợt sa thải nhân sự hiện nay được xem là biện pháp “cắt lỗ”, lấy lại nguồn lực cho cuộc chơi AI – một cái giá lớn mà con người đang phải gánh chịu vì những tính toán sai lầm trước đó.



Microsoft đang rời xa người dùng: Chính họ cũng không buồn che giấu điều đó- Ảnh 3.
Theo The Seattle Times, khoản đầu tư AI này chính là nguyên nhân trực tiếp khiến các bộ phận như Xbox bị cắt giảm mạnh tay



Tuy nhiên, xét trên toàn cục, chính nhờ ban lãnh đạo Xbox đã kịp thời thuyết phục được Microsoft đầu tư vào Activision mà toàn bộ hệ sinh thái Xbox mới có thể duy trì sự tồn tại. Bởi nếu không, khả năng cao là cả mảng Xbox cũng đã bị Nadella và Hood “hy sinh” để chạy theo cơn sốt AI.


Microsoft đang xem nhẹ mảng tiêu dùng – và lãng quên yếu tố con người

Từ Surface, Xbox cho đến Windows – dưới thời Satya Nadella, Microsoft dường như đã quên mất rằng: sản phẩm của họ được tạo ra và sử dụng bởi người dùng.

Bê bối quyền riêng tư liên quan đến Windows Recall năm ngoái khiến nhiều người đặt câu hỏi: tại sao không ai ở Microsoft thấy được hậu quả trước mắt? Một phần mềm theo dõi toàn bộ màn hình rõ ràng không thể là ý tưởng xuất phát từ góc nhìn người dùng – mà từ các cuộc họp vô cảm, nơi “AI đang hot” là đủ để hợp lý hóa mọi thứ.

Dòng máy Copilot+ PC là minh chứng rõ nét: thiếu cảm hứng, chưa hoàn thiện và xa rời nhu cầu thực tế. Đây cũng là tình trạng kéo dài kể từ khi Panos Panay – người từng dẫn dắt Surface trở thành biểu tượng đổi mới phần cứng – rời công ty. Dưới thời Panay, Surface từng truyền cảm hứng cho toàn bộ hệ sinh thái Windows. Nhưng đến năm 2025, điều đó đã biến mất. Surface giờ chỉ là công cụ để Microsoft chạy theo những trào lưu tạm thời, thiếu người dẫn dắt thực sự.



Microsoft đang rời xa người dùng: Chính họ cũng không buồn che giấu điều đó- Ảnh 4.
Windows Recall là minh chứng cho việc hoàn toàn quên mất người dùng của mình là ai.



Tình trạng tương tự từng xảy ra với Windows Mixed Reality, Windows Phone, Microsoft Band, và cả thời đầu của Windows on ARM – những sáng kiến được quảng bá rầm rộ nhưng đầu tư nửa vời và kết thúc trong lặng lẽ.

Copilot – dù được đầu tư tới 80 tỷ USD – có vẻ cũng đang đi theo lối mòn đó, khi phần lớn khoản tiền dùng để hỗ trợ bên thứ ba thay vì cải tiến nội bộ. Microsoft Build, từng là lễ hội của các nhà phát triển và sản phẩm tiêu dùng, nay chỉ là nơi để chiều lòng giới đầu tư – phản ánh rõ triết lý điều hành thời Nadella.

Nhiều người cho rằng Microsoft ngày càng giống một ngân hàng đầu tư hơn là công ty công nghệ: ồ ạt đổ tiền vào lĩnh vực đang được quan tâm, đầu tư hời hợt, làm hỏng sản phẩm, rồi rút lui khi hết “trend”.

Microsoft đã mất phương hướng – và có lẽ chưa bao giờ có sứ mệnh rõ ràng

Dù từng bị chỉ trích trong nhiều năm, Xbox vẫn được xem là một “bong bóng an toàn”, phần nào tách biệt khỏi ảnh hưởng của tầng lớp lãnh đạo. Nhưng điều đó thay đổi khi Microsoft mua lại Activision-Blizzard.

Tại Summer Game Fest năm nay, Microsoft không còn tổ chức FanFest – sự kiện gắn kết cộng đồng từng được duy trì qua nhiều năm. Thay vào đó, chính người hâm mộ đã tự bỏ tiền túi tổ chức một buổi gặp mặt tại Los Angeles. Đây vừa là minh chứng cho sức mạnh cộng đồng, vừa là đòn giáng vào lòng tin – khi một công ty trị giá gần 4 nghìn tỷ USD, lợi nhuận 22 tỷ USD/quý, lại không thể tài trợ cho một sự kiện đơn giản. Trong khi CEO Satya Nadella nhận thưởng 79 triệu USD bằng cổ phiếu chỉ trong năm ngoái.



Microsoft đang rời xa người dùng: Chính họ cũng không buồn che giấu điều đó- Ảnh 5.
Microsoft từng là một công ty đầy cảm hứng, tạo ra những sản phẩm thực sự đột phá. Giờ đây, họ hy sinh chính đội ngũ của mình để chạy theo những trào lưu đầu tư nhất thời.



Từ Windows 11 đến Surface – sự thiếu kiên định, thay đổi chiến lược liên tục, và những lời hứa trống rỗng cho thấy đây là một công ty không sẵn sàng chấp nhận rủi ro hay nuôi dưỡng sản phẩm đến cùng.

Corden kết luận, Microsoft dường như cho thấy họ mất định hướng, không còn là một công ty công nghệ đúng nghĩa – mà là một ngân hàng đầu tư khoác áo công nghệ. Nhưng điều đó có lẽ cũng không quan trọng. Vì Microsoft đang kiếm tiền nhiều hơn bất kỳ ai. Và với họ, thế là đủ.
 
Bên trên