
Thưở ban đầu
Vào khoảng năm 1902, nhà nhiếp ảnh kiêm phát minh Edward Raymond Turner thử nghiệm quay phim bằng phương pháp hòa trộn màu do chính ông đăng kí bản quyền. Thật tiếc, trong khi mọi việc còn dang dở thì ông đột ngột qua đời một năm sau đó. Công trình của ông được chuyển lại cho George Albert Smith và chính ông là người đã thành công trong việc phát minh ra quy trình xử lý phim ảnh màu đầu tiên trên thế giới dưới tên gọi Kinemacolor. Tuy nhiên công lao của Turner không hẳn đã bị lãng quên khi vào năm 2012, bảo tàng truyền thông quốc gia Anh đã phục chế lại thành công đoạn ảnh màu động mà ông từng ghi lại. Công việc phục chế gặp khó khăn khi khổ phim ông dùng có kích thước khoảng 38mm, khác hoàn toàn so với khổ phim chuẩn 35mm thường thấy. Điều này khiến đội ngũ phục chế phải tự thiết kế cửa hình máy chiếu, di chuyển từng khung hình bằng tay rồi sau đó sao chép lại. Quá trình tái tạo phim mất nhiều thời gian nhưng cuối cùng họ cũng thành công khi cho cả thế giới thấy đoạn phim màu đầu tiên cách đây hơn 110 năm.
[video=youtube;1V0Vc5iRoLY]https://www.youtube.com/watch?v=1V0Vc5iRoLY[/video]
Một cảnh trong trích đoạn phim màu của Edward Turner
Một cảnh trong trích đoạn phim màu của Edward Turner
Còn với những ai đã xem bộ phim Hugo do Martin Scorsese đạo diễn, họ sẽ thấy một hình ảnh ngộ nghĩnh: hình ảnh “ông trăng” bị một viên đạn hay chính xác là một con tàu đâm vào mắt. Hình ảnh đó nằm trong bộ phim “A trip to the Moon” do Georges Méliès thực hiện cũng vào năm 1902. Bộ phim có một phiên bản từng khung hình được tô màu thủ công và được xem là một trong những nỗ lực đầu tiên trong việc đưa màu sắc vào phim ảnh.
Tầm quan trọng của màu sắc trong phim
Màu sắc có tiềm năng biến một bộ phim tốt trở nên tuyệt vời. Nhiều đạo diễn phim đã trở nên nổi tiếng khi làm phim của họ như những bức họa bằng cách đặt những chi tiết rộng lớn vào trong bảng màu của những lần quay nhằm giúp khơi dậy cảm xúc riêng biệt ở khán giả.

Nếu bạn từng xem phim của đạo diễn Michael Bay, hẳn bạn sẽ chú ý tới tông màu cam (orange) – xanh mòng két (teal) được sử dụng cho mỗi cảnh quay. Trong khi sắc xanh mòng két thêm độ sâu và tính căng thẳng trong những cảnh hồi hộp thì màu cam giúp các cảnh hành động trở nên mãnh liệt và đầy sức sống hơn. Một số phim gần đây của đạo diễn Wes Anderson cũng khá xuất sắc trong việc sử dụng những màu tươi sáng, ví dụ như trong hình lấy từ bộ phim “The Darjeeling Limited” ở bên dưới.
Để giúp mọi người nhận ra điều này, nhà thiết kế đồ họa Roxy Radulescu đã tạo ra một website tên “Movies in Color”. Website này sắp đặt các ảnh chụp lấy từ hàng trăm bộ phim khác nhau rồi sau đó trải ra một bảng các màu sắc được dùng. Theo những gì Roxy viết trên trang web của mình, Movies in Color là “một công cụ giúp phát triển việc học tập và gợi cảm hứng”, và bạn sẽ ngạc nhiên khi tự bản thân màu sắc miêu tả tâm trạng và cảm xúc của từng bộ phim chính xác như thế nào.
Trong tấm hình chụp lấy từ bộ phim Võ Sĩ Giác Đấu (Gladiator) của đạo diễn Ridley Scott, khán giả có thể thấy cách màu đen sẫm và đỏ sậm thể hiện vẻ tàn bạo và đổ máu trên phim, trong khi sắc nâu đất đem lại sự sống cho bối cảnh văn hóa La Mã cổ đại.
Ngược lại, sắc màu rạng rỡ từ hình chụp trong bộ phim Toy Story của đạo diễn John Lassiter mang lại những hồi ức và gợi lên nét hồn nhiên thời thơ ấu.
Một cách sử dụng màu sắc giàu trí tưởng tượng khác nữa nằm trong cảnh quay dưới đây của phim Skyfall. Nước phim được xếp theo mảng màu nhuộm xanh nhằm nhấn mạnh mối liên hệ của Bond với quê nhà nhưng cũng làm nổi rõ cảm giác hiu quạnh của vùng cao nguyên Scotland. Ở thời điểm này trong phim, Bond và M đều đang gặp nguy hiểm và màn sương xám đầy lo lắng với tông màu tối, trầm tư đã thể hiện rõ điều này.
Trải qua hơn 110 năm cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, màu sắc là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên sắc thái cho phim và gầy dựng cảm xúc ở nơi khán giả. Đôi khi tông màu của phim bị chê vì cách phối màu nhàm chán, rập khuôn nhưng ta không thể phủ nhận những giá trị mà nó mang lại. Với hàng loạt bộ phim sắp ra rạp tới đây, chúng ta hãy cùng xem màu sắc nào sẽ được chọn để làm nổi lên thông điệp nằm trong những bộ phim ấy.