minhtuantkh
New Member
Ngày ấy có lẽ việc thấy mẹ rán mỡ lợn (heo) là điều mình mong mỏi nhất mỗi khi đi học về, cái cảm giác thơm ngậy béo quyện với mùi bếp dầu ngai ngái xộc vào mũi đến giờ vẫn nhớ. Thường thì khi tóp mỡ đã teo lại mẹ sẽ cho phép mình nhón tay bốc trực tiếp từ cái chảo nóng đang sôi xèo xèo kia một miếng bỏ thẳng vào mồm, ôi chao ...nóng phỏng lưỡi nhưng mà sướng râm ran cho đến khi mình ngậm miếng tóp mỡ lạt nhách rồi mới nuốt (đây là tuyệt chiêu nhé bác nào muốn biểu diễn thò tay vào dầu mỡ đang sôi sùng sục thì mình sẽ chỉ cho
). Mỡ rán xong chỉ còn cái tóp (xác) cứng queo mẹ sẽ phi với hành kho, cà chua hoặc rán với trứng một ít ( hồi đó muối rất rẻ nên mẹ thường hào phóng cho quá tay không hề tiếc), số còn lại sẽ lại bỏ chung vào lọ mỡ để ăn dần. Món khoái khẩu của mình là lấy trộm tóp mỡ vùi sâu trong bát cơm nóng rưới thêm tý nước mắm là đủ mồi cho cả bữa mà không cần nhìn đến đĩa rau luộc.
Việc có được miếng thịt nạc (hoặc 3 chỉ/ rọi) là điều xa xỉ nếu không muốn nói là chỉ thấy trong những mâm cỗ ở đám giỗ, đám cưới hoặc ngày Tết. Không phải là mẹ không mua mà đơn giản là phải lọc ra để làm ruốc ( chà bông) cho thằng út, lọ ruốc ấy mình vẫn nhớ nó luôn được cất kỹ trong ngăn trên có khóa của cái chạn bếp. Mẹ quản lý rất chặt nhưng mình luôn lấy trộm bằng cách cậy cái vách phía sau ( hậu) chạn để ăn với cơm nguội mỗi khi đi học về sớm mà nhà chưa có ai về trước.
Vài ba tháng một lần ông bà Ngoại có lên thăm, quả thật ngày ấy là một lễ hội với mình và cả nhà vì mình biết chắc ngoài trái cây vườn ông bà tự trồng thế nào cũng có thêm chục trứng hoặc tuyệt nhất là nghe tiếng kêu quác quác của con gà bị trói chân nằm góc bếp chờ bố mình xuống tay. Ở nhà mình rất có trật tự nề nếp việc này có thể thấy rõ ngay trên việc chia phần trên con gà. Hai cái cẳng là của mình và cu anh, hai cái đùi là của thằng út ( sao mình ghét nó thế), cái đầu là của bố, và mẹ là cặp cánh ( nhưng cuối cùng mẹ cũng lại chia cho 2 AE, riêng có cái phao câu luôn là sự tranh chấp quyết liệt của mình và cu anh ( phần thắng thường nghiêng về mình sau khi có đổi lại 2 hoặc 3 cái ngón chân gà kèm theo mấy sợi gân lòng thòng đã được mút kỹ). Bộ lòng, mề, tiết luôn là đĩa xào mướp hoặc một nồi canh với đủ chủng loại rau hái ở vườn rau tự quản khu tập thể hoặc tiện thì ông bà Ngoại mang lên kèm con gà. Lông gà được mẹ phơi khô gom lại bán cho mấy bà đồng nát ( ve chai) nhưng không được giá bằng lông vịt. Các bác có thể thắc mắc vậy cái thân gà nó ở đâu? Dễ thôi nó vẫn trong nồi nhưng là ướp với riềng, sả, muối, ớt rồi kho thật mặn để ăn dè. Mình thì chả ngại vì luôn biết nó được cất ở đâu và cái chiêu cậy phía sau chạn ăn vụng lại được áp dụng.
Có chuyện này nghĩ lại cũng buồn cười: ở khu tập thể việc nhà nào làm bữa ăn tươi gần như là chuyện để cả ngày xóm sẽ bàn tán xôn xao thế nên hầu như gia đình nào có được bữa cải thiện đều làm khá lén lút, ngay cả khi chặt xương thịt cũng phải nhẹ tay tránh để kinh động nhà hàng xóm. Bố mẹ thường hay mắng mình chuyện có miếng thịt sau khi ăn 2, 3 bát cơm vẫn còn sau đó ngậm trong mồm chạy đi khoe với bọn trẻ vậy là lộ hết. Nhân chuyện này cũng nói để các bác biết việc mải nói khi ngậm thịt mình làm rơi xuống đất hoài nhưng nhặt lên phủi phủi bỏ lại vào mồm là bình thường, chả có gì phải nhăn mặt vào thời ấy cả.
Ngoài mấy đặc sản trên bữa tươi nhà thỉnh thoảng cũng có lòng lợn, thường là có dịp nào đó có khách quý kết hợp với việc cửa hàng bán thịt có lòng ngon ( mẹ quen cô bán thịt - niềm tự hào vênh váo của mình đấy vì sẽ không phải xếp hàng lâu và sẽ được phép chọn miếng thịt theo ý của mẹ). Dồi luôn là món bố làm rất ngon mặc dù mình chẳng thể biết bố độn hầm bà lằng những gì vào bên trong, còn lòng non (phèo chứ không phải dồi trường nhé) luôn là món sở trường của mẹ, bây giờ vẫn vậy mẹ tuốt rất khéo cứ khoảng 5, 7 xăng ti lấy dao chích ra 1 tý khi làm tuốt nhẹ tay, chất bột trắng trong lòng ( thực ra là chất tiền phân) không bị mất, sau khi luộc miếng lòng trắng xanh cắt ra ăn nóng thì ôi thôi rồi.
Bây giờ đã có điều kiện hơn nhưng không hiểu sao kể cả những món của ngon vật lạ cũng chẳng thể làm mình lưu luyến và nhớ lâu bằng những bữa ăn tươi ngày ấy.
p/s: mình viết bài này nhân ngày 8/3 như một món quà tặng mẹ để nhớ về một thời rất khổ nhưng gia đình mình luôn đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc.
Xin lỗi mẹ nếu như đến bây giờ mẹ mới biết lý do tại sao mẹ quản lý rất chặt lọ ruốc và nồi thịt kho mà vẫn bị ngót.
Các bác muốn coi kỳ 1 thì ở đây: http://www.hdvietnam.com/diendan/7-...em-phieu-phan-1-nhan-chuyen-noi-den-phan.html
Và đây là: http://www.hdvietnam.com/diendan/7-...0518-ky-uc-thoi-tem-phieu-ky-3-o-nha-tap.html
Việc có được miếng thịt nạc (hoặc 3 chỉ/ rọi) là điều xa xỉ nếu không muốn nói là chỉ thấy trong những mâm cỗ ở đám giỗ, đám cưới hoặc ngày Tết. Không phải là mẹ không mua mà đơn giản là phải lọc ra để làm ruốc ( chà bông) cho thằng út, lọ ruốc ấy mình vẫn nhớ nó luôn được cất kỹ trong ngăn trên có khóa của cái chạn bếp. Mẹ quản lý rất chặt nhưng mình luôn lấy trộm bằng cách cậy cái vách phía sau ( hậu) chạn để ăn với cơm nguội mỗi khi đi học về sớm mà nhà chưa có ai về trước.
Vài ba tháng một lần ông bà Ngoại có lên thăm, quả thật ngày ấy là một lễ hội với mình và cả nhà vì mình biết chắc ngoài trái cây vườn ông bà tự trồng thế nào cũng có thêm chục trứng hoặc tuyệt nhất là nghe tiếng kêu quác quác của con gà bị trói chân nằm góc bếp chờ bố mình xuống tay. Ở nhà mình rất có trật tự nề nếp việc này có thể thấy rõ ngay trên việc chia phần trên con gà. Hai cái cẳng là của mình và cu anh, hai cái đùi là của thằng út ( sao mình ghét nó thế), cái đầu là của bố, và mẹ là cặp cánh ( nhưng cuối cùng mẹ cũng lại chia cho 2 AE, riêng có cái phao câu luôn là sự tranh chấp quyết liệt của mình và cu anh ( phần thắng thường nghiêng về mình sau khi có đổi lại 2 hoặc 3 cái ngón chân gà kèm theo mấy sợi gân lòng thòng đã được mút kỹ). Bộ lòng, mề, tiết luôn là đĩa xào mướp hoặc một nồi canh với đủ chủng loại rau hái ở vườn rau tự quản khu tập thể hoặc tiện thì ông bà Ngoại mang lên kèm con gà. Lông gà được mẹ phơi khô gom lại bán cho mấy bà đồng nát ( ve chai) nhưng không được giá bằng lông vịt. Các bác có thể thắc mắc vậy cái thân gà nó ở đâu? Dễ thôi nó vẫn trong nồi nhưng là ướp với riềng, sả, muối, ớt rồi kho thật mặn để ăn dè. Mình thì chả ngại vì luôn biết nó được cất ở đâu và cái chiêu cậy phía sau chạn ăn vụng lại được áp dụng.
Có chuyện này nghĩ lại cũng buồn cười: ở khu tập thể việc nhà nào làm bữa ăn tươi gần như là chuyện để cả ngày xóm sẽ bàn tán xôn xao thế nên hầu như gia đình nào có được bữa cải thiện đều làm khá lén lút, ngay cả khi chặt xương thịt cũng phải nhẹ tay tránh để kinh động nhà hàng xóm. Bố mẹ thường hay mắng mình chuyện có miếng thịt sau khi ăn 2, 3 bát cơm vẫn còn sau đó ngậm trong mồm chạy đi khoe với bọn trẻ vậy là lộ hết. Nhân chuyện này cũng nói để các bác biết việc mải nói khi ngậm thịt mình làm rơi xuống đất hoài nhưng nhặt lên phủi phủi bỏ lại vào mồm là bình thường, chả có gì phải nhăn mặt vào thời ấy cả.
Ngoài mấy đặc sản trên bữa tươi nhà thỉnh thoảng cũng có lòng lợn, thường là có dịp nào đó có khách quý kết hợp với việc cửa hàng bán thịt có lòng ngon ( mẹ quen cô bán thịt - niềm tự hào vênh váo của mình đấy vì sẽ không phải xếp hàng lâu và sẽ được phép chọn miếng thịt theo ý của mẹ). Dồi luôn là món bố làm rất ngon mặc dù mình chẳng thể biết bố độn hầm bà lằng những gì vào bên trong, còn lòng non (phèo chứ không phải dồi trường nhé) luôn là món sở trường của mẹ, bây giờ vẫn vậy mẹ tuốt rất khéo cứ khoảng 5, 7 xăng ti lấy dao chích ra 1 tý khi làm tuốt nhẹ tay, chất bột trắng trong lòng ( thực ra là chất tiền phân) không bị mất, sau khi luộc miếng lòng trắng xanh cắt ra ăn nóng thì ôi thôi rồi.
Bây giờ đã có điều kiện hơn nhưng không hiểu sao kể cả những món của ngon vật lạ cũng chẳng thể làm mình lưu luyến và nhớ lâu bằng những bữa ăn tươi ngày ấy.
p/s: mình viết bài này nhân ngày 8/3 như một món quà tặng mẹ để nhớ về một thời rất khổ nhưng gia đình mình luôn đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc.
Xin lỗi mẹ nếu như đến bây giờ mẹ mới biết lý do tại sao mẹ quản lý rất chặt lọ ruốc và nồi thịt kho mà vẫn bị ngót.
Các bác muốn coi kỳ 1 thì ở đây: http://www.hdvietnam.com/diendan/7-...em-phieu-phan-1-nhan-chuyen-noi-den-phan.html
Và đây là: http://www.hdvietnam.com/diendan/7-...0518-ky-uc-thoi-tem-phieu-ky-3-o-nha-tap.html
Chỉnh sửa lần cuối: