Honor Magic V5 có thật sự mỏng như quảng cáo?

HDVNService

Thương Gia
Honor Magic V5 được giới thiệu là chiếc điện thoại gập mỏng nhất thế giới, mở đầu cuộc cạnh tranh mới trong phân khúc smartphone màn hình gập. Tuy nhiên, sau lớp vỏ hào nhoáng của tuyên bố marketing, người dùng đang dần nhận ra khoảng cách rõ rệt giữa thông tin quảng bá và thực tế sử dụng.

1752921621399.jpeg

Mỏng đến đâu là đủ?​

Theo thông tin từ Honor, Magic V5 chỉ dày 8,8 mm khi gập lại. Thông số này khiến hãng tự tin gắn mác “mỏng nhất thế giới” cho sản phẩm. Tuy nhiên, chi tiết đó chỉ đúng với duy nhất phiên bản màu trắng ngà (Ivory White) và chưa bao gồm phần lồi của cụm camera sau. Với các phiên bản khác sử dụng vật liệu giả da hoặc sợi tổng hợp, độ dày thực tế lên đến 9 mm. Đây là phương pháp “giấu lá trong rừng”, rất thường thấy để pha loãng đánh lạc hướng.

honor-magic-v5-showcased-in-a-protective-shell-1750485684221-1750485684425478742502.jpg


Điều đáng nói là phần cụm camera trên Magic V5 lồi lên đáng kể, thậm chí dày hơn một nửa thân máy, nhưng lại không được tính vào thông số chính thức. Vì thế, khi xét về cảm giác thực tế khi cầm nắm và đặt máy xuống mặt phẳng, Magic V5 hoàn toàn không tạo được ấn tượng là thiết bị “mỏng nhất”. Thậm chí, thiết kế này còn có phần lệch lạc khi cả thân máy cố gắng làm mỏng nhưng cụm camera dày xuất hiện “như một miệng núi lửa” và chơi vơi giữa đồng bằng.

1752921843550.jpeg

Để dễ so sánh, có thể sử dụng chính mẫu Galaxy Z Fold7 vừa ra mắt của nhà Samsung. Thiết bị được công bố dày 8,9 mm (ở dạng mở, còn 4,2 mm ở dạng gập) nhưng đó là độ dày cho tất cả phiên bản có mặt trên thị trường. Cụm camera của thiết bị này cũng “thuận mắt” hơn nhờ thiết kế tối giản, xếp dọc ở một góc máy.

Ngoài ra, nếu xét đến đối thủ trực tiếp khác là Oppo Find N5 với độ dày 8,9 mm thì Honor Magic V5 cũng chưa hẳn đã chiếm ưu thế về độ mỏng, đặc biệt khi tính đến yếu tố trải nghiệm sử dụng thực tế.

Cụm camera – Chi tiết nhỏ, ảnh hưởng lớn​

Như đã nói ở trên, camera trên Magic V5 là điểm đáng chú ý: hệ thống ba ống kính bao gồm camera chính 50 MP, góc siêu rộng 50 MP và ống kính tiềm vọng 64 MP. Đổi lại, cụm camera này có thiết kế lớn và nhô cao, khiến mặt lưng của máy không còn phẳng và cân đối.

64-mp-tele-macro-honor-magic-v5-confirmed-kv.jpg

Cụm camera to nặng khiến cho đầu của cái điện thoại này bị chúc xuống

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây khó chịu khi cầm tay, làm giảm đi cảm giác mỏng nhẹ mà Honor quảng bá. Sự cân đối trong trải nghiệm cầm cũng không có khi phần thân trên (nơi chứa cụm camera) có cảm giác nặng hơn, trong khi thao tác cầm chủ yếu nắm ở phần thân dưới của máy, gây ra sự bất đối xứng trong phân bổ trọng lượng và lực bàn tay. Vấn đề này thực sự rất quan trọng, vì cầm nắm sử dụng hằng ngày là cái cần thiết nhất, nếu cứ bị mất cân bằng dễ tuột thì sẽ gây khó chịu, đây cũng là điều mà người viết đã trải nghiệm với OPPO Find N3 (với dòng Find N5 thì đã khắc phục).

1752922008329.jpeg

Galaxy Z Fold 7 có thiết kế cân bằng hơn rất nhiều, sử dụng hằng ngày không bị khó chịu

Trái lại, Galaxy Z Fold7 tiếp tục duy trì ngôn ngữ thiết kế cân bằng của dòng Fold. Samsung chọn cụm camera gọn gàng, ít lồi, đảm bảo tính hài hòa tổng thể. Mặc dù thông số camera của Z Fold7 có thể không ấn tượng bằng (về mặt giấy tờ), nhưng cảm giác cầm nắm chắc chắn và không bị lệch trọng tâm lại là yếu tố mang tính quyết định đối với người dùng thực tế.

Trọng lượng là con số không phản ánh đầy đủ​

Một lần nữa, Honor chọn phiên bản trắng ngà làm hình mẫu khi công bố trọng lượng 217g, được xem là nhẹ nhất trong số các mẫu điện thoại gập hiện nay. Tuy nhiên, với các phiên bản khác, trọng lượng thực tế lên đến 222g, và phần lớn sự chênh lệch này đến từ chất liệu hoàn thiện cũng như cụm camera lớn.


1752922173900.jpeg

Trong khi đó, Galaxy Z Fold7 nặng khoảng 239g, không nhẹ nhưng có phân bổ trọng lượng đều và cân đối hơn giữa hai nửa thân máy. Nhờ đó, cảm giác cầm Z Fold7 bằng một tay trở nên chắc chắn, không bị “lệch đầu” như ở Magic V5 – nơi phần camera chiếm phần lớn trọng lượng phía sau. Thiết kế vuông vức và hẹp ngang ở dạng gập cũng giúp mang đến cảm giác cầm thoải mái hơn, các ngón tay không bị vươn dài để ôm trọn máy mà vẫn có độ co, gập thoải mái.

Trải nghiệm thực tế cho thấy cảm giác khi cầm nắm và sử dụng thường quan trọng hơn các con số kỹ thuật. Một thiết bị có trọng lượng nhỉnh hơn nhưng phân bố hợp lý sẽ tạo sự thoải mái lâu dài hơn so với một thiết bị mỏng nhẹ nhưng mất cân đối.

Tính minh bạch trong công bố thông tin​

Cách tiếp cận thông tin sản phẩm giữa Honor và Samsung cũng cho thấy sự khác biệt trong chiến lược. Honor tập trung vào những con số nổi bật: mỏng nhất, nhẹ nhất nhưng lại bỏ qua hoặc làm mờ đi các yếu tố quan trọng như phần camera lồi, lớp phủ bảo vệ hay biến thể sản phẩm.

Ngược lại, Samsung có xu hướng công bố thông số kỹ thuật một cách nhất quán giữa các phiên bản, đồng thời nhấn mạnh đến sự cân bằng trong trải nghiệm, từ thiết kế, hiệu năng đến độ bền. Đây là lý do khiến các dòng Galaxy Fold của hãng được đánh giá cao về độ tin cậy, dù không phải lúc nào cũng đứng đầu về thông số.

Trong bối cảnh các hãng điện thoại ngày càng tận dụng các chiêu thức tiếp thị để thu hút sự chú ý, người dùng cần tỉnh táo và chủ động tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định mua thiết bị. Việc quá tập trung vào một vài con số như độ dày hay trọng lượng có thể khiến người tiêu dùng bị dẫn dắt sai hướng.

Honor Magic V5 vẫn là một thiết bị ấn tượng về công nghệ. Tuy nhiên, nếu xét toàn diện cả thiết kế, cảm giác sử dụng và sự trung thực trong công bố thông tin, Galaxy Z Fold7 có thể là lựa chọn cân bằng hơn, đặc biệt với những ai coi trọng trải nghiệm lâu dài thay vì các tuyên bố loảng xoảng không mang lại hiệu quả thực tế khác biệt nào, thậm chí còn gây bất tiện như Honor Magic V5.
 
Bên trên