Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

lengockhanhi

Film critic
Trong kì trước, Nhi hồi tưởng và kể lại những hoàn cảnh đã biến Nhi thành 1 cinephile, cũng trong thời gian đó, Nhi làm quen với phim kinh dị và bị nó cám dỗ.

Nhi đã viết rất nhiều về phim kinh dị tại hdvietnam, nên không muốn lặp lại những mô tả và cảm nhận mình đã viết về thể loại phim này. Nhi chỉ muốn nói rằng, phim kinh dị chính là hiện thân của ma quỉ, của sự ác và bóng tối, không phải Nhi dùng với nghĩa xấu… Nhi chỉ mô tả đúng bản chất của phim kinh dị. Trong tâm hồn mỗi người luôn có phần Thiện và phần ác, chúng tương phản nhau như ánh sáng và bóng tối. Theo quan điểm tôn giáo, phần hồn của con người được sự che chở của thiên thần, giúp cho con người hướng thiện, nhưng cùng lúc nó luôn bị ma quỉ cám dỗ, lôi kéo về phía bóng tối và sự ác. Phim kinh dị chính là sự cám dỗ này.

Không có ai tự mình đi tìm kiếm phim kinh dị, khán giả chỉ tình cờ xem 1 phim, rồi sau đó tùy theo hoàn cảnh, nhân cách, họ sẽ bị thể loại này dụ dỗ, lôi kéo để trở nên yêu thích, nghiện ngập. CHúng ta thường không chủ động xem phim kinh dị, vì 2 lý do, thứ nhất, sợ hãi là 1 cảm giác không có gì dễ chịu, không ai chủ động đi tìm kiếm sự sợ hãi, ghê rợn. Thứ hai, đa số phim kinh dị rất dở, số phim hay chỉ chiếm 1/10 tổng số phim. Vào thời của Nhi, đa số phim kinh dị là những phim tồi tệ, chúng thường ngắn, rẻ tiền, và không có nội dung gì sâu sắc cả.

Con quỉ chỉ có thể cám dỗ được linh hồn 1 người khi mà linh hồn đó đang yếu đuối nhất… Nhi đã bị phim kinh dị cám dỗ đúng vào lúc mà cuộc sống của Nhi gặp nhiều áp lực, đau khổ và lúc Nhi cảm thấy bi quan, tuyệt vọng nhất. Đó là vào năm Nhi 17 tuổi.

Nhi xem phim kinh dị lần đầu rất đúng theo qui định độ tuổi của luật pháp, khi Nhi không còn là 1 đứa trẻ con nữa.

Một lần tại chỗ cho thuê băng, Nhi chứng kiến cảnh zombie giết người trong phim Dead Alive (bộ phm kinh dị dã man nhất vào thời đó), Nhi thấy sợ lắm, nhưng tò mò, nên thuê cuốn băng về nhà xem. Xem xong Nhi bị mất ngủ, ám ảnh suốt đêm, và trong lòng có cảm giác hồi hộp, kích thích kì lạ.

Mấy ngày sau, Nhi lại thấy thế giới trong phim thú vị và dễ chịu hơn nhiều so với 1 ngày đi học của mình.
Năm đó Nhi học lớp 11, trong 1 lớp chuyên nên áp lực về học hành làm Nhi phát bệnh. Đã vậy, ông thầy chủ nhiệm năm đó thực sự là 1 người hết sức lập dị. Cả năm học là những chuỗi ngày căng thẳng, ức chế vì cách hành xử độc đoán, khắc nghiệt của ông ta, bất kì học sinh nào cũng có thể bị xỉ vả, nhục mạ bằng những từ ngữ khó nghe nhất, và lớp thường xuyên bị chép phạt, bị trừ điểm… Nhi còn bị 2 tầng áp bức khi mình là tổ trưởng, mọi sai phạm của bạn bè trong tổ cũng bị ông ấy trút giận lên đầu.

Chính vào lúc Nhi cảm thấy chán nản cuộc sống ngoài đời thực nhất, con quỉ trong phim kinh dị lại vẽ ra cho Nhi thấy 1 thế giới huyễn hoặc, thú vị vô cùng, chính vì vậy Nhi ngày càng yêu thích xem phim kinh dị và đắm chìm trong thế giới đó. Nhi xem tết cả những tựa phim kinh dị thuộc loại rùng rợn nhất, quái đản nhất vào thời đó, như Phantasm, Evil Dead, Hellriser, Child play, Dawn of the dead…
Cuối năm lớp 11, Nhi bị nghiện phim kinh dị nặng. Những cảnh máu me trong phim không còn làm Nhi sợ 1 chút nào. Cuộc du hành vào địa ngục này còn kéo dài cho đến khi Nhi vào đại học.

Nhưng rất may mắn cho Nhi, có lẽ thiên thần hộ mệnh của Nhi mạnh hơn ma quỉ, nên giữa đáy địa ngục đen tối, tâm hồn Nhi vẫn hướng về những điều tốt đẹp khác.

Khoảng năm thứ nhất đại học, Nhi bắt đầu chuyển hướng từ phim kinh dị máu me, rùng rợn sang thể loại kinh dị thriller, kiểu phim kinh dị Stephen Kings và các phim kinh dị có giá trị nghệ thuật khác, như Sleepy Hollow, Nhi bớt dần việc xem phim kinh dị rẻ tiền và những phim slasher, quái vật nhảm nhí khác.

10 năm sau, khi Nhi sống ở Pháp, kinh dị đối với Nhi không còn là 1 loại ma túy nữa, mà chỉ là 1 phim ảnh như bao phim ảnh khác. Có 1 giây phút nhăn mặt khi xem Hostel, 1 chút phấn khích khi xem Saw, nhưng đó không phải là những cảm xúc bị giật dây bởi sự độc ác, mà chỉ là phản xạ hưng phấn bình thường bởi tốc độ, màu sắc hình ảnh, hiệu ứng vật lý.

Nhi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ, là việc làm quen và yêu thích phim kinh dị là 1 bước đi bắt buộc trong hành trình trở thành cinephile, vì một cinephile là người có lòng bao dung, độ lượng rất lớn, đối với họ điện ảnh là nghệ thuật, không có gì cấm kị, họ chấp nhận tất cả mọi thể loại phim, ngay cả những gì quái dị nhất, phản cảm nhất, trái ngược với đạo lý, luân thường nhất. Tuy nhiên họ không hề bị cái ác và điều xấu xa trong phim kinh dị làm méo mó tâm hồn. Dù trong hoàn cảnh nào, bạn cũng không nên để cái ác cám dỗ tâm hồn của bạn. Việc yêu thích phim kinh dị là 1 hành vi, 1 diễn tiến tâm lý không bình thường, khi cuộc sống của bạn đang có 1 điều gì đó bế tắc, bất mãn, tuyệt vọng… nên bạn phải nhận ra điều này ngay ban đầu, để chủ động tìm cách chuyển hóa niềm đam mê này theo những hướng tích cực khác. Từ phim kinh dị, bạn có thể rẽ sang hướng Thriller Drama thay vì đắm chìm trong máu me và những nổi đau đớn, kinh sợ.

Trong bài tới, Nhi sẽ kể về sự chứng đắc tiếp theo của cinephile, đó là khi họ biết can đảm chấp nhận 1 bộ phim với kết thúc bi thảm, buồn, không có hậu. Đây là 1 bước đi quan trọng, mà không phải ai cũng làm được…
 

anh0424

Active Member
Những lúc mình cảm thấy cuộc sống bế tắc, tuyệt vọng nhất thì mình lại không đắm chìm trong phim kinh dị như Nhi. Ngay cả khi tỉnh táo, vui vẻ cũng không thích tự tìm tới sự sợ hãi hãi. Mình xem phim kinh dị có lẽ chỉ để coi nó sợ tới cỡ nào, và ngoài ra còn có nội dung nào khác hay ho mà bộ phim muốn truyền tải không.

Thật lạ là khi mà tâm trạng không được tốt, có chuyện không vui, phải suy nghĩ nhiều, mình lại tìm xem những phim thể loại tâm lí, hoặc những phim cũ có kết thúc bi thảm + không có hậu mà Nhi sẽ nói tới ở kì 5. Lạ nữa là mình có thể chấp nhận được, và luôn cố tìm những lí do để lí giải cho những kết thúc dạng như vậy.
 

Uchiha_Madara

Nghỉ hưu
thực sự bản thân mình không thích phim kinh dị, nhưng mà đúng như Nhi nói, có một quãng thời gian luôn chìm đắm trong phim kinh dị, dường như nó mang lại lạc thú gì đó khó tả, mà mình lại thích phim kinh dị hiện thực kiểu như Saw hay Hostel hơn là tâm linh như The Ring, có lẽ mình nghĩ con người là "kinh dị" nhất :)
 
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

mình cũng có những ngày chỉ muốn xem phim kinh di. đủ thể loại từ những kẻ điên biến thái giết người làm trò vui hay những phim ma ám ảnh có khi là cả những phim kinh dị có chút hài hước nữa. mình đồng quan điểm với bạn BuiAn xin được trích dẫn câu của bạn "con người là kinh dị nhất". tuy nhiên mình cũng thích xem những phim như the ring hay shutter của thái lan đều rất hay. ai đồng ý ko?
 

Jellkeen

Well-Known Member
mình thì mình cũng thích xem phim ... đôi khi cũng thích xem phim kinh dị ... nhưng cũng giống như bạn BuiAn ... mình thích phim kinh dị kiểu sát thủ liên hoàn v.v.v thay vì phim ma ... vì mình không tin vào ma ... nên khi xem không có cảm giác ... và thấy nó không thực tế ... mình thích phim thể loại như Saw, The Collection, v.v.

JK
 

soildsnake

Active Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

khi có áp lực tâm lí em thích xem phim hài hơn :D. Chắc có vẻ em hơi lạc quan
 

hai_lua_chinh_hieu

Active Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

Bộ phim khiến mình thật sự thích phim kinh dị là phim Final Destination 5, lý do nó được quảng cáo quá trời, 3D nữa.. thế là tò mò tải về xem, rồi hiệu ứng hình ảnh, cách sắp đặc các tai nạn của đạo diễn.. làm mình thật sự thích, rồi tìm để tải những phần đầu của loạt phim này về xem ( theo ý kiến cá nhân của mình đây là loạt phim kinh dị hay nhất mà mình từng xem ).

Gần đây thì mình cũng thích loạt phim truyền hình The Walking Dead , xem cả 3 Season . bạn sẽ hỏi mình thích loạt phim này ở điểm gì ? chắc chắn không phải những cảnh Headshot zombie rồi, mà là cảm giác tự do và hồi hộp, nhất là 2 mùa đầu, không gian rộng lớn hoang vắng, còn gì khoái bằng bạn vào siêu thị tự do lấy thứ bạn thích ( dĩ nhiên phải canh chừng bọn zombie :) ) còn gì sướng bằng khi đang đói và khát khô thì tình cờ gặp một kho thức ăn...

Đối với mình kinh dị thì kinh dị nhưng kết thúc nên có hậu, tức những kẻ gây tội ác phải trả giá cho tội ác của chúng chứ cái kiểu như phim : Ngã Rẽ Tử Thần 5 thì không thích lắm.
 

kiss123

Active Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

Khi con người ta lớn lên (cũng như khi bạn Khả Nhi lớn dần lên) ta sẽ thấy rằng cuộc sống thực có quá nhiều chuyện kinh dị còn kinh dị hơn mấy phim kinh dị, nên nói chung giờ đây tôi coi phim kinh dị cũng ít bị giật mình. Nhiều khi cứ nghĩ cái cảnh kinh dị trên phim thực ra nó chỉ là một cảnh của trường quay, xung quanh diễn viên có đạo diễn, người quay phim, etc... nên cũng chả thấy kinh dị gì nữa.
 

audileman2

New Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

Thực sự là mình ko thể xem phim kinh dị vì mình có tính nhát gan.
 

canhchimtudo

New Member
hô hô ... sáng ra đi làm muộn gặp cái thằng hành-là-chính giật đến thót người hơn là xem film kinh dị. Gặp cái thằng đấy là mất 1tr đồng ngon ơ. Vì vậy, nỗi sợ film kinh dị đã dần được thay thế bởi cuộc sống thực.
 
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

Xem qua một hai bài đầu của Nhi thì quả thật tôi rất thích thú vì qua đó tôi cũng thấy một phần hình ảnh của mình trong đó. Rất cám ơn Nhi vì đã viết rất hay, sống động nhắc nhớ tới thời niên thiếu của mình. Nhớ nhất là khi còn ở cấp 2, không ngày nào đi học về mà tôi không quăng cặp ăn vội cơm trưa rồi chạy ra rạp coi phim. Thời đó làm gì có xe gắn máy, cả chiếc xe đạp cả nhà cũng chỉ có 2 chiếc Ba và anh tôi lấy đi làm rồi. Nhà ở gấn Thủ đức nên tôi thường rủ một vài người bạn trong xóm hùn tiền nhau đi xe buýt (phải đổi 2 lượt xe) ra Sài gòn xem phim. Bạn có tin không, chúng tôi lê la đi bộ hết rạp này đến rạp khác để chọn phim mình thích. Từ rạp Đồng Khởi trên đường Tự do qua rạp Bến Thành A rồi B và Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi, rồi đi bộ qua rạp Đại Nam và Vinh Quang trên đường Trần Hưng Đạo. Đi bộ rẽ qua rạp Quốc Tế, Thăng Long, vv... Có hôm đổi không khí qua khu Bà Chiểu xem phim tại rạp Đai Đồng, Văn cầm, Đa Kao. Tiền vé vào cửa là do tôi nhịn ăn sáng lấy tiền mua. Gặp hôm phim dở không sao, khi gặp phim hay phải sắp hàng dài rồng rắn có khi vừa chen lấn tới cửa mồ hôi nhễ nhại đã hết vé phải chớ xuất sau. Về tới nhà vừa kịp cơm tối. Nói dài dòng đây là để biết tôi cũng là người mê phim từ bé nhưng chưa bao giờ nhận mình là cinephile.
Đến khi Nhi viết đến bài 3 và đặc biệt đến bài này thì mình thấy cần phải nói lên ý kiến riêng của mình.
Dĩ nhiên có những điều mình không đồng ý lắm ví dụ như Nhi nói thập niên 80 xã hội VN quan tâm đến trẻ con? Có thật không? Nhi ở nước ngoài cả 10 năm rồi mà Nhi còn thấy thế à? Cũng vậy Nhi nói khi còn ở VN cách đây hơn 10 năm ra tiệm Nhi thuê băng DVD bộ phim kinh dị Dawn of the Dead. Có thật không? Trong khi phim này lần đầu ở Mỹ vừa tròn 9 năm! Một cinephile mà nhầm lẫn đến thế chăng?
Trong bài 3 Nhi giật tít "Không phải bất cứ ai xem phim cũng trở thành cinephile" Tôi thì nghĩ ngược lại. Để thưởng thức trọn vẹn cái hay của một bộ phim không cớ gì phải là một cinephile mới làm được. Tôi cũng không thấy trách gì vì bài viết cùng lắm chỉ mang ý kiến cá nhân của Nhi nên sự chủ quan duy ý chí cũng là điều không thể tránh khỏi.
Cuối cùng nhưng là điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói đó bài 4 về những bộ phim kinh dị.
Tôi dồng ý với Nhi là tìm một bộ phim kinh dị hay đúng nghĩa rất khó. Trong bộ sưu tập gần 1000 phim blu-ray gốc của tôi hiện giờ nó chiếm chưa tới 1/10. Thú thật tôi không thích phim kinh dị, nhưng tôi cũng không ghét nó. Những bộ phim kinh dị có những cái hay của nó nếu mình biết khám phá ra thế mạnh của từng bộ phim. Nên biết người ta say mê loạt phim Saw vì những mưu chước đầy sáng tạo và cưc kỳ logic (brilliant tactics) của kẻ thủ ác cái khởi nên những cảnh dã man ghê rợn chứ không phải hình ảnh của những cảnh đó. Cũng vậy loạt phim truyền hình Walking Dead lôi cuốn khán giả trong cách ứng xử, cái TÌNH NGƯỜI THẬT SỰ đối với nhau trong một bối cảnh thiếu vắng sự hiện hữu của pháp luật, con người tự do thoải mái xài luật rừng. Tuy nhiên Nhi cho rằng "Việc yêu thích phim kinh dị là 1 hành vi, 1 diễn tiến tâm lý không bình thường" tôi thấy nó khiên cưỡng và có vẻ giáo điều. Ta nên tránh việc khiến người khác suy nghĩ và hành động theo ý mình. Điều đó là không thể! Ai trong forum này nói mình chưa bao giờ coi phim sex hoặc những cảnh sex trong phim? Họ có bị rạo rực và cám dỗ không? Hẳn là có (trừ phi giới tính họ có vấn đề). Thậm chí vừa coi mấy phim ấy xong ra gặp đàn bà con gái là muốn ở tù. Nó cuốn hút cám dỗ còn hơn phim kinh dị nhiều, thế mà có ai trong đây bị gì không nào? Qua đây tôi muốn nói thêm một điều là theo tôi cái hay của phim kinh dị (và cả ở những thể lọai phim khác) nằm ở phần kịch bản. Việt Nam mình không thể và không bao giờ có được những bộ phim hay tầm cỡ quốc tế chừng nào vẫn còn cái cơ chế duyệt phim như hiện nay. Các kịnh bản phim luôn bị nhào nặn, cắt xén thậm chí bị bóp nát khi còn nằm trên các bản thảo. Bộ phim Bụi đời Chợ Lớn là một ví dụ đển hình. Một đạo diễn Việt kiều từng than thở với tôi. "Cục" làm như vậy không phải vì nghệ thuật đã đành, mà họ cũng chẳng phải vì đất nước vì giới trẻ, mà vì họ sợ bị báo chí 'soi' rồi cấp trên làm ầm lên thế là họ mất 'ghế' kéo theo những bổng lộc của họ tiêu tan theo.
Để kết thúc tôi xin trích đăng một đoạn của một bài mà 1 bạn đã post lên trong forum này.

"...Vấn đề bây giờ không phải công bằng hay không công bằng khi duyệt các phim ngoại thì thoáng dễ, còn phim nội thì khắc khe xét nét đủ bề; mà chính là cần phải hiểu thế nào là điện ảnh! Thật ngớ ngẫn khi phải nói như thế với HĐDPQG nhưng thật vậy, điện ảnhvới những chức năng thì không ai rành hơn các vị này nhưng sự tác động của điện ảnh đến con người thì không như các vị nghĩ. Xem phim ma cà rồng liệu có đi hút máu như ma cà rồng; xem phim kinh dị liệu có đi róc thịt chẻ xương người ta như phim; xem phim đánh đấm liệu có đi đánh đấm như phim…?

Quy luật về nhận thức đi theo những con đường không như chúng ta hình dung. Hơn nửa thế kỷ dạy dỗ toàn điều tốt nhưng cớ sao vẫn cứ xuất hiện cả một thế hệ hư hỏng. Dạy dỗ gần 100 năm tinh thần giai cấp vô sản toàn thế giới nhưng cớ sao mởi thả ra đã đánh nhau bưu đầu, mẻ trán? Bao thế hệ được học hành thi cử tử tế về chủ nghĩa Mác, tinh thần đạo đức con người mới nhưng sao thế giới mạng toàn người “hư hỏng” giống như chưa từng một ai thuộc bài, đến độ muốn nói điều gì đúng đắn thì thuê người làm dư luận viên ? Truyệt tranh trẻ con, một thế hệ các bạn lớn lên ở miền Bắc không có truyện tranh để đọc và các bạn cũng thấy thậm chí đó là điều tốt nên cấm hẳn con mình xem truyện tranh. Xin đừng đem loại truyện tranh nhố nhăng ra ví dụ phản biện, cần phải thấy rằng không có gì kích thích sự tưởng tượng và óc khôi hài hơn truyện tranh và phim hoạt hình. Chính đây là lý do khiến phim hoạt hình mãi vẫn không ra rạp được ở ta. Cho đến gần đây, một thế hệ yêu Doreamon, và nhờ thế mới bắt đầu biết cười với nhưng chi tiết ngộ nghĩnh, khôi hài mà thể loại này đem lại cho nhân loại sau gần thế kỷ qua. Tôi tin người biết cười vì phim hoạt hình, hay truyện tranh, là người trong cuộc sống không chỉ biết khôi hài mà còn là người bao dung, nhân ái nữa.

Sau khi lệnh cấm phát hành BĐCL được công bố, trên mạng xuất hiện poster của phim BĐCL với những nhân vật thay vì cầm hung khí lại cầm xô chậu chổi xẻng đi dọn vệ sinh đường phố với tên phim “Thanh niên 5 tốt Chợ Lớn”. Ừ nhỉ, nếu bây giờ toàn xã hội cứ sản xuất toàn loại phim người tốt việt tốt như vậy (dĩ nhiên loại phim này thì qua cửa duyệt nhanh không chi bằng), không một phim nào ngoài luồng lọt vào, thì liệu chúng ta có có được một thế hệ toàn người tốt không ? Và ngược lại, chẳng có sự tàn bạo, phi nhân tính nào Hollywood chưa làm tới, người xem phim Mỹ bị ảnh hưởng sự tàn bạo phi nhân tính hết cả hay sao?

Rõ ràng sự nhận thức của mỗi người không đi theo những con đường mà chúng ta hình dung bằng cách đơn giản hóa “xem” bầu thì tròn, “xem” ống thì dài !. Biết đâu thấy đâm chém của BĐCL mà nhiều thanh niên sẽ ngán cái thế giới tối tăm ấy và trở lại chăm học hơn. Nào có thấy anh hùng nào trong đó đâu mà HĐDPQG cứ sợ trẻ con noi gương theo. Tất cả chỉ là một cảm giác sợ hãi kinh khiếp nên tránh xa. Sao HĐDPQG không nhìn thấy điều này nhỉ ? Hitler học ai mà tàn bạo đến quỷ thần cũng phải sợ vậy? Hay là hắn ta đã từng coi Bụi đời Chợ Lớn mà chúng ta không hay?..."

P.S. Nếu Nhi có ý kiến gì thêm xin cứ PM cho mình. Chúc vui và đang hóng bài 5 của bạn.
 

lengockhanhi

Film critic
Trả lời ngắn cho câu hỏi của bạn:

1. Nhi xem phim Dead Alive ở Việt Nam chứ không phải Dawn of the dead, vào năm 16 tuổi, bản Video VHS, khi đó tựa đề của nó bị đặt là: Đảo sọ Người (Do người thuyết minh phim nhầm lẫn Skulll Island ở cảnh đầu phim là tên phim). Nếu nói chính xác, thì đó là vào năm 1997.
Đây không phải là phim Mỹ, mà là phim Newzealand, của ai làm thì chắc bạn rõ.
Phim dawn of the dead bản gốc là phim Ý, bản năm 2004 tại Mỹ chỉ là remake thôi bạn nhé.

Nhi cảm ơn bạn đã đọc kỹ những gì Nhi viết và nêu ý kiến trong 1 bài rất dài, Nhi tôn trọng mọi ý kiến của bạn.

2. Yêu thích phim kinh dị thực sự là 1 vấn đề tâm lý. Vì bây giờ Nhi không còn yêu thích chúng nữa, Nhi có thể chấp nhận, nhưng không yêu thích.

Có chuyện này Nhi muốn kể cho bạn nghe: Hồi năm học lớp 11, Nhi viết 2 truyện lấy đề tài slasher và zombie, trong đó Nhi tự thuật lại với vai trò 1 tên giết người hàng loạt. Tại sao Nhi phải viết ra, vì nếu không, Nhi đã đi giết người thật ! Sau khi xem phim kinh dị xong Nhi có 1 ám ảnh là mình rất muốn giết 1 số người mà mình không ưa thích... Viết truyện xong, Nhi thử cho 1 đứa bạn cùng lớp đọc, nó sợ hãi nói: Trời ơi, sao mày ác quá vậy Nhi ? Nhi chỉ biết cười.

Vì vậy Nhi chỉ muốn cảnh báo các bạn yêu thích phim kinh dị, rằng nên cẩn thận soi lại tâm hồn mình xem mình có còn là chính mình không ?

3. Đa số khán giả đi xem Saw không phải vì thích những thứ như bạn mô tả đâu, người làm phim hiểu rõ điều này. Nếu thực sự Saw được làm ra để phục vụ cho loại khán giả yêu thích những chi tiết trí tuệ, thì nó đã không dở đi rất nhiều từ phần 1 cho tới phần 7. Ngày càng dở hơn.
 

guscer

Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

Em cũng nản với thời cấp 3 lắm, học trường chuyên bởi vậy chịu áp lực về điểm, thầ cô, bạn trong lớp khá lớn, lúc đó chỉ có thể xem phim là xả dc stress.
 

Cara

Active Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

2 bác Thanksforsharing và mod Nhi cứ tranh luận công khai, đừng PM riêng nhé, hì hì
Em bon chen tí: Dawn of the Dead có 2 version 1978 và 2004, có lẽ bác nói về version 2004 ? Còn cái kia vẫn có thể có DVD vào năm 199x chứ
Dawn of the Dead (1978) - IMDb

Em thấy bài viết của Nhi đúng theo cách nhìn của bạn ấy, bác cũng có cách nhìn riêng, vấn đề là tuy đi nhiều hướng khác nhau nhưng đều nhìn về 1 chân trời công lý, lẽ phải. Thế là em ủng hộ. Có tranh luận thì chỉ phân tích cái thiếu của người kia thôi, chứ em thấy không ai sai hoàn toàn để phản đối bẻ lại 100%.

Riêng em, phim kinh dị là cơm cháo nhưng em ghét cái thể loại horror lắm, vì trong đầu em chỉ hiện lên 2 chữ "thô thiển" khi nói về nó mà thôi. Kinh dị dòng thriller mới là đỉnh sợ hãi của em, vì nó giống cuộc đời nhiều hơn. Mà thôi, với nạn cướp giết chém đốt hiện giờ thì horror cũng đi vào đời sống xã hội mất cmnr, haiz... quan niệm của em đã đến lúc phải thay đổi.

Thành thật thừa nhận mình chưa phải cinephile, vì xem phim còn chọn lọc chứ không phải phim nào cũng tẩn được hết.
 

Elpee

Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

là người mê phim từ bé nhưng chưa bao giờ nhận mình là cinephile.
...
Bác này rỗi hơi. Người ta tự tâng mình là cinephile nghe còn chói tai. Đàng này không thích cho mình là cinephile mà cũng khoe ra. Rõ vớ vẩn.
 
Ðề: Re: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

Trả lời ngắn cho câu hỏi của bạn:

1. Nhi xem phim Dead Alive ở Việt Nam chứ không phải Dawn of the dead, vào năm 16 tuổi, bản Video VHS, khi đó tựa đề của nó bị đặt là: Đảo sọ Người (Do người thuyết minh phim nhầm lẫn Skulll Island ở cảnh đầu phim là tên phim). Nếu nói chính xác, thì đó là vào năm 1997.
Đây không phải là phim Mỹ, mà là phim Newzealand, của ai làm thì chắc bạn rõ.
Phim dawn of the dead bản gốc là phim Ý, bản năm 2004 tại Mỹ chỉ là remake thôi bạn nhé.

Nhi cảm ơn bạn đã đọc kỹ những gì Nhi viết và nêu ý kiến trong 1 bài rất dài, Nhi tôn trọng mọi ý kiến của bạn.

2. Yêu thích phim kinh dị thực sự là 1 vấn đề tâm lý. Vì bây giờ Nhi không còn yêu thích chúng nữa, Nhi có thể chấp nhận, nhưng không yêu thích.

Có chuyện này Nhi muốn kể cho bạn nghe: Hồi năm học lớp 11, Nhi viết 2 truyện lấy đề tài slasher và zombie, trong đó Nhi tự thuật lại với vai trò 1 tên giết người hàng loạt. Tại sao Nhi phải viết ra, vì nếu không, Nhi đã đi giết người thật ! Sau khi xem phim kinh dị xong Nhi có 1 ám ảnh là mình rất muốn giết 1 số người mà mình không ưa thích... Viết truyện xong, Nhi thử cho 1 đứa bạn cùng lớp đọc, nó sợ hãi nói: Trời ơi, sao mày ác quá vậy Nhi ? Nhi chỉ biết cười.

Vì vậy Nhi chỉ muốn cảnh báo các bạn yêu thích phim kinh dị, rằng nên cẩn thận soi lại tâm hồn mình xem mình có còn là chính mình không ?

3. Đa số khán giả đi xem Saw không phải vì thích những thứ như bạn mô tả đâu, người làm phim hiểu rõ điều này. Nếu thực sự Saw được làm ra để phục vụ cho loại khán giả yêu thích những chi tiết trí tuệ, thì nó đã không dở đi rất nhiều từ phần 1 cho tới phần 7. Ngày càng dở hơn.

Tôi muốn có một vài lời trước khi kết thúc ở đây.
1/ Dù muốn dù không việc trích dẫn tên phim trong bài viết của mình gây nhầm lẫn cho người đọc thì Nhi cần phải giải thích thêm. Rõ ràng không phải lỗi của tôi.
2/ Điểm này thì tôi đã nói hơi nhiều ở trên rồi.
3/ Ở đây nên làm rõ một điều. Tôi không nói "Saw được làm ra để phục vụ cho loại khán giả yêu thích những chi tiết trí tuệ" như Nhi nói, mà nó lôi cuốn khán giả qua các tình huống mà Jigsaw bẫy các nạn nhân của mình mà hắn ta gọi là cuộc thử nghiệm hoặc trò chơi. Qua đó kẻ thủ ác kiểm tra khả năng của một con người có thể vượt qua được các màn tra tấn cả thể xác và tâm lý mà trở thành một con người mới mạnh mẽ hơn, cứng cởi hơn nếu sống sót, dĩ nhiên. Tôi không biết Saw bạn cho Saw dở đứng trên khía cạnh nghệ thuật hay thương mại vậy? Thôi cứ cho là nó dở đi. Thế tại sao nó lại ra tới tập 7 (Saw 3D) mà không chết yểu từ tập 2 hay 3? Cũng vậy bạn kiếm giùm tôi có loạt phim nào càng sx dài lê thê mà càng hay được không? Xin cám ơn trước. Nhà sx phim này, Mark Burg, xác nhận tập thứ 7 là tập cuối cùng của loạt phim franchise này. Tuy nhiên Lion Gate vẫn chưa có ý định dừng nó ở đây đủ biết sức hấp (có lẽ về mặt thương mại) của nó như thế nào.

Cuối cùng nhưng quan trong nhất. Không thể phủ định ý của bạn Nhi rất tốt, ý thức đóng góp cho diễn đàn cao đáng trân trong và khen ngợi. Tôi đăc biết cảm phục bạn qua bài viết số 5. Đồng ý các cảm xúc và ý tưởng trong bài mới này chả có gì mới hay đặc biệt nhưng không phải ai trong diễn đàn này có thể viết được. Tôi ước mong trong tương lai gần sẽ còn có dịp đọc được nhiều bài viết hay không chỉ chủa riêng Nhi mà còn của nhiều bạn khác nữa.
Xin cảm ơn tất cả các bạn và xin chúc các bạn một buổi tối an lành và hạnh phúc bên những người thân của mình.
 

Marine

Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 4: Phim kinh dị và sự cám dỗ của ma quỉ

... Có chuyện này Nhi muốn kể cho bạn nghe: Hồi năm học lớp 11, Nhi viết 2 truyện lấy đề tài slasher và zombie, trong đó Nhi tự thuật lại với vai trò 1 tên giết người hàng loạt. Tại sao Nhi phải viết ra, vì nếu không, Nhi đã đi giết người thật ! Sau khi xem phim kinh dị xong Nhi có 1 ám ảnh là mình rất muốn giết 1 số người mà mình không ưa thích... Viết truyện xong, Nhi thử cho 1 đứa bạn cùng lớp đọc, nó sợ hãi nói: Trời ơi, sao mày ác quá vậy Nhi ? Nhi chỉ biết cười...

Đọc tới đoạn này mình không dám coi phim kinh dị nữa luôn. Hehe.
 

kethongtri

New Member
Mình nghĩ những bài viết của bạn khá hay, nhưng bạn nên viết dạng đoạn có tiêu đề đoạn như là
Tiêu đề 1:
Nội dung 1,
Tiêu đề 2:
Nội dung 2,
Kết luận,

Như vậy dễ đọc hơn, và cũng dễ nhớ nội dung bạn viết. Mọi cảm hứng bất ngờ tạo nên những tác phẩm để đời, nhưng ở phần cuối người ta luôn tổ chức lại tác phẩm của mình :D.
 
Bên trên