Một chiếc hamburger có giá 345.000 USD thì trông sẽ thế nào nhỉ? Nó không được bọc trong một lớp vàng có thể ăn được và độ lớn cũng không phải là khủng khiếp. Đó chỉ là một chiếc hamburger kẹp thịt bình thường, một chiếc hamburger kẹp loại thịt đặc biệt, không phải từ bò, heo hay bất kỳ động vật nào khác.
Giáo sư Mark Post - nhà sinh học chuyên nghiên cứu về mạch máu tại trường đại học Maastricht, Hà Lan - đã phát biểu với trang tin Reuters rằng, nếu phòng thí nghiệm của ông thành công thì chiếc bánh mì kẹp "thịt nhân tạo" đầu tiên trên thế giới sẽ xuất hiện vào năm 2012 với mức giá là 345 ngàn Mỹ Kim, tương đương 7,25 tỷ đồng.
Mark Post đã tạo ra thịt ống nghiệm bằng cách chiết xuất các tế bào gốc lấy từ những bộ phận còn sót lại tại các lò giết mổ, sau đó nuôi chúng trong hỗn hợp chất dinh dưỡng chứa đường, axit amin, chất béo, chất khoáng và các hợp chất khác mà các tế bào sống cần đến.
Hiện tại, phòng thí nghiệm của ngài giáo sư đến từ Hà Lan mới chỉ tạo ra được các thớ thịt dài khoảng 2,5 cm, rộng 1cm, màu trắng nhạt, không có máu và có thể nhìn xuyên qua. Nếu xếp khoảng 3.000 thớ thịt lại với nhau, chúng ta sẽ tạo ra một chiếc "hamburger ống nghiệm" đầu tiên trên thế giới. Mark Post cũng thú nhận rằng ông chưa bao giờ nếm thử loại thịt do phòng thí nghiệm của ông tạo ra, còn những người đủ can đảm để nếm thử đều cho biết, chúng không được ngon như trong tưởng tượng và có phần nhạt nhẽo.
Theo dự đoán của các nhà khoa học, trong tương lai, nếu kỹ thuật này hoàn thiện và mở rộng đến phạm vi công nghiệp thì mức giá của chúng cũng không thể rẻ hơn những thứ 4 chân khác. Điều này khiến việc giải quyết nạn đói và bảo vệ môi trường toàn cầu thông qua "thịt ống nghiệm" trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Có lẽ loài người nên tính đến việc di cư lên mặt trăng, sao hỏa hoặc đơn giản hơn là... ăn chay thì sẽ thực tế hơn chăng?
Còn bạn, bạn nghĩ sao khi thịt ống nghiệm cũng thơm ngon như thịt thường và có giá tương đương, liệu chúng ta có đủ can đảm để ăn chúng không?