Mặc dù YouTube, thuộc sở hữu của Google, là chú voi khổng lồ đối với lĩnh vực video trực tuyến, tuy nhiên thị phần truyền tải trực tiếp (livestream) và phát (broadcast) tuyến truyện trò chơi (gameplay) lại phải chịu sự thống lĩnh của một công ty khác có tên Twitch, với số lượng người xem mỗi tháng lên đến 100 triệu người còn số người đăng ký nhận broadcast là 1,5 triệu người theo công bố thống kê năm ngoái của Twitch. Chính vì lý do ấy nên cũng trong năm ngoái, YouTube đã có tham vọng mua lại công ty Twitch với giá đề nghị lên tới 1 tỷ USD, song cuối cùng thì Amazon mới là người chiến thắng khi chỉ phải chi ra ít hơn YouTube 30 triệu USD mà vẫn có được công ty chuyên về dịch vụ truyền tải game trực tiếp Twitch với giá 970 triệu USD hồi tháng 8 năm ngoái. "Truyền phát và xem tuyến truyện trò chơi đang là hiện tượng 'nóng' mang tính toàn cầu," CEO Jeff Bezos của Amazon nhận định khi mua lại Twitch. Và kể từ sau khi về với Amazon, Twitch ngày một phát triển khi liên tục mở thêm các nền tảng mới như game console, và cả bành trướng vào các lĩnh vực mới mẻ bao gồm loại hình truyền phát ca nhạc trực tiếp (live music). Hơn thế nữa, các sự kiện do Twitch tổ chức như chơi Pokemon giờ đã hóa thành một hiện tượng văn hóa trong giới game thủ.
Không còn mua được công ty Twitch nhưng sở hữu chủ Google của YouTube xem ra không một chút nao núng khi đường hoàng bước vào lĩnh vực truyền tải game với một dự án lớn mang tên YouTube Gaming. Một điều cần lưu ý là trang dịch vụ YouTube Gaming chuyên về game trên YouTube được công bố cũng nhằm đón đầu sự kiện Triển lãm công nghệ và trang thiết bị liên quan đến game E3 sắp diễn ra tại Los Angeles (Mỹ) từ ngày 16 - 18/06 tới. Dịch vụ YouTube Gaming sẽ có trên 25.000 trang con chỉ toàn các đề mục về trò chơi và trò chơi, mà qua đó người xem có thể dễ dàng theo dõi các chương trình phát trực tiếp livestream cũng như các nội dung liên quan đến trò chơi yêu thích của họ.
Lấy ví du chẳng hạn người xem chọn theo dõi chương trình "EVE Online", thì họ sẽ có thể chọn đăng ký tất cả những tin tức về các bản phát hành sắp được tung ra, các bản cập nhật về nội dung của nó dành cho người sử dụng kính thực tế ảo Oculus Rift, rồi các chương trình trực tiếp livestream các vòng đấu v.v. Người dùng đồng thời có thể duyệt xem các nội dung tin tức chính thống từ các nhà sản xuất trò chơi, hoặc các bài đánh giá từ các game thủ tên tuổi trên mạng. Hoặc nếu thích thì người dùng cũng có thể tìm kiếm và chọn theo dõi các tài khoản YouTube mà mình hâm mộ để luôn được cập nhật thông tin đánh giá, mẹo hay, hoặc mở hộp các trò chơi. Một điểm thú vị nữa ở trang dịch vụ YouTube Gaming là các trang thông tin profile được làm mới lại giao diện người dùng để phù hợp với màu chủ đạo của thế giới nghệ thuật trong game.
Về phía những người chơi trực tiếp (livestreamer), YouTube cho biết với YouTube Gaming thì từ nay họ có thể chỉ cần dùng một đường dẫn duy nhất để chia sẻ mục feed của họ thay vì phải tạo đường dẫn mới cho mỗi thời điểm họ lên mạng. Người chơi cũng có thể thay đổi thông tin cơ bản của video trước khi phát trực tiếp bằng cách bổ sung tiêu đề, phần mô tả và gán thẻ tên game tùy ý sao cho có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng bởi những người xem khác.
Các nội dung sẽ được truyền phát với tốc độ 60 khung hình/ giây theo định dạng HTML5. Bên cạnh đó, những người khởi tạo nội dung cũng có thể kiểm tra dữ liệu phân tích thống kê đối với những chương trình họ đã phát ngay tại dashboard. Và dĩ nhiên là những người khởi tạo stream còn có khả năng kiếm tiền từ việc cho đăng quảng cáo (monetize)và gây quỹ trực tiếp từ những người hâm mộ (fan funding).
Với trang dịch vụ chuyên trách YouTube Gaming, Google hy vọng sẽ mang lại không gian rộng mở mới cho các tín đồ game mà ở đó họ chỉ đơn giản gõ "call" vào ô tìm kiếm sẽ cho ra kết quả cụ thể "Call of Duty" quy về danh mục trò chơi chứ không còn là những kết quả "nhảm nhí" chẳng hạn như "Call Me Maybe"...
YouTube Gaming sắp sửa được tung ra chính trước tiên tại Mỹ và Vương quốc Anh trong ít ngày tới, để biết ngày phát hành chính xác mời bạn đọc đăng ký theo dõi Twitter của trang tại @YouTubeGaming.
Trước tiên là kênh YouTube với những nội dung chọn lọc phù hợp chỉ dành riêng cho thiếu nhi là YouTube Kids và nay là YouTube Gaming: thế giới riêng của các game thủ… Có thể nói YouTube (với sự hậu thuẫn từ Google) đã và đang rất biết cách o bế người dùng ở mọi lứa tuổi và sở thích. Và nếu sắp tới YouTube cũng gom tất cả những nội dung chia sẻ mẹo hay DIY (viết tắt của cụm từ Do It Yourself) làm thành một kênh riêng biệt thì sẽ như thế nào nhỉ?
Nguồn theverge.com, thenextweb.com