Garmin dẫn đầu thị trường smartwatch Việt Nam năm 2024 với 32% thị phần, ghi nhận lượng người dùng tăng 50%, nhấn mạnh xu hướng chăm sóc sức khỏe chuyên sâu.
Dựa trên số liệu từ IDC (International Data Corporation) và báo cáo nội bộ người dùng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Garmin đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường đồng hồ thông minh Việt Nam trong năm 2024. Đây là năm chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng nhất từ trước đến nay của hãng, cả về quy mô người dùng lẫn giá trị thị phần.
Garmin dẫn đầu thị phần smartwatch tại Việt Nam năm 2024
Theo dữ liệu tổng hợp của IDC, Garmin đã vươn lên vị trí số một về giá trị thị phần đồng hồ thông minh tại Việt Nam, chiếm 32% toàn thị trường trong năm 2024. Mức tăng trưởng này thể hiện sự bứt phá đáng kể của hãng so với các đối thủ.Lượng người dùng Garmin tại Việt Nam đã vượt qua mốc 480,000, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng người dùng cao nhất trong toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà Garmin đang hoạt động, kể từ thời điểm thương hiệu chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 2021.

Không chỉ phản ánh hiệu quả về mặt kinh doanh, thành tựu này còn cho thấy sự thay đổi rõ nét trong thói quen sử dụng thiết bị đeo thông minh của người Việt – từ việc chỉ phục vụ mục đích công nghệ đơn thuần sang trở thành công cụ hỗ trợ luyện tập thể thao, theo dõi sức khỏe và nâng cao chất lượng sống một cách bài bản.
Ba phân khúc smartwatch và lợi thế của Garmin ở nhóm cao cấp
Với dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt từ 15 đến 18% giai đoạn 2023-2030, Việt Nam hiện là một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực APAC. Người dùng tại đây đang có xu hướng phân hóa rõ nét theo hành vi tiêu dùng, đặc biệt là trong lựa chọn smartwatch.Thị trường đồng hồ thông minh tại Việt Nam được chia làm ba nhóm:
- Phổ thông: Thiết bị giá dưới 5 triệu đồng, hỗ trợ các tính năng cơ bản như đo bước chân, nhịp tim, giấc ngủ.
- Trung cấp: Mức giá từ 5 đến 10 triệu đồng, hỗ trợ gọi điện, nhắn tin, thanh toán và theo dõi sức khỏe cơ bản.
- Cao cấp: Thiết bị trên 10 triệu đồng, tập trung vào người chơi thể thao chuyên sâu hoặc yêu cầu tính cá nhân hóa cao.

Khảo sát của Cimigo với nhóm người có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng, độ tuổi từ 24 đến 55, cho thấy người tiêu dùng ưu tiên ba tiêu chí chính khi chọn mua smartwatch:
- Khả năng theo dõi sức khỏe: Nhịp tim, SpO2, giấc ngủ, stress.
- Hỗ trợ luyện tập chuyên sâu: GPS, pace, lượng calories, các chỉ số thể lực.
- Tính năng thông minh: Nghe gọi, thông báo, điều khiển nhạc.
Hệ sinh thái sản phẩm và công nghệ là chìa khóa tăng trưởng
Bên cạnh phần cứng, Garmin còn phát triển hệ sinh thái phần mềm gồm ứng dụng Garmin Connect, huấn luyện viên ảo Garmin Coach, câu lạc bộ chạy bộ Garmin Running Club tại các thành phố lớn, cùng tính năng thanh toán không chạm Garmin Pay liên kết với 11 ngân hàng trong nước.
Hệ sinh thái đồng bộ này không chỉ giúp người dùng theo dõi và cải thiện sức khỏe toàn diện, mà còn nâng tầm trải nghiệm – từ cá nhân hóa luyện tập đến gắn kết cộng đồng. Đây chính là yếu tố cốt lõi giúp Garmin củng cố vị thế dẫn đầu thị phần về giá trị tại Việt Nam.
Ông Ivan Lai – Giám đốc Khu vực của Garmin Việt Nam chia sẻ: “Garmin không đơn thuần là một hãng sản xuất thiết bị, mà là một đối tác sức khỏe toàn diện, giúp mỗi cá nhân chủ động sống khỏe hơn mỗi ngày. Chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam để góp phần xây dựng một cộng đồng sống năng động, tích cực và bền vững”.