Epic Games đã tiêu 100 triệu USD cho cuộc chiến pháp lý với Apple, nhưng chẳng thấm vào đâu so với mất mát này

NhatTrungNguyen

Super Moderators
Thành viên BQT

Cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa Epic Games và Apple gây chấn động ngành công nghệ và khiến Epic trả một cái giá đắt, theo đúng nghĩa đen.​

download-17465918368031183865278-1746605679055-1746605679613530314232.jpg


Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider , CEO của Epic Games, ông Tim Sweeney thổ lộ rằng công ty đã chi hơn 100 triệu USD cho các chi phí pháp lý. Nhưng theo ông, việc không góp mặt trên App Store trong thời gian vừa qua mới là thiệt hại thực sự. Nếu tính tới doanh thu mất đi, thì con số có thể lên tới cả tỷ USD.

"Nếu xét đến doanh thu bị mất, đó lại là một câu chuyện khác. Chúng tôi không thể dự đoán chính xác con số mình có thể kiếm được từ iOS, nhưng chỉ trong hai năm có mặt trên nền tảng này, Fortnite đã thu về khoảng 300 triệu USD. Vì vậy, có thể ước tính rằng Epic đã mất hàng trăm triệu USD doanh thu vì cuộc chiến này".
Dù thất bại về mặt pháp lý khi tòa án bác bỏ cáo buộc Apple độc quyền, Epic Games vẫn giành được thắng lợi quan trọng: buộc Apple phải nới lỏng chính sách App Store, cho phép các nhà phát triển dẫn người dùng đến những nền tảng thanh toán bên ngoài cửa hàng của Apple, điều họ đã tránh thực hiện suốt nhiều năm.

Phán quyết mới nhất của tòa không chỉ cấm Apple thu hoa hồng từ những giao dịch ngoài hệ thống mà còn tước bỏ quyền kiểm soát hình thức trình bày các liên kết mua hàng, mang về thêm một số quyền lợi cho nhà phát triển ứng dụng.

Epic nhanh chóng tận dụng cơ hội, tuyên bố Fortnite sẽ sớm trở lại App Store tại Mỹ, nhưng không phải qua tài khoản Mỹ đã bị cấm, mà thông qua tài khoản nhà phát triển đặt tại Thụy Điển. Đây là một bước đi chiến lược, thể hiện sự quyết đoán không khoan nhượng của Sweeney: “ Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Apple dám liều lĩnh gây ra bão tố địa chính trị bằng cách chặn một ứng dụng lớn khỏi iOS ”.

Epic Games đã tiêu 100 triệu USD cho cuộc chiến pháp lý với Apple, nhưng chẳng thấm vào đâu so với mất mát này- Ảnh 2.
Cuộc chiến pháp lý giữa Epic Games và Apple khiến cả giới công nghệ chú ý - Ảnh: Internet.



Không dừng lại ở đó, Epic còn chuẩn bị tung ra Epic Games Store Webshops - giải pháp thương mại số mới cho phép các nhà phát triển tự mở cửa hàng trực tuyến với mức chia sẻ chỉ 12% doanh thu, hoặc hoàn toàn miễn phí nếu doanh thu dưới 1 triệu USD/năm.

Trong bối cảnh các nền tảng lớn ngày càng bị soi xét về quyền lực kiểm soát, Epic đang tự định vị như một “chiến binh” vì tự do lựa chọn và cạnh tranh công bằng trong hệ sinh thái số. Và dù cái giá phải trả là không hề nhỏ, con đường mà Epic chọn có thể sẽ mở lối cho một cuộc chơi mới, công bằng hơn, minh bạch hơn cho tất cả nhà phát triển.

Cùng lúc đó, Alan Wake II vẫn bị “khóa trái” trên Epic Store, chưa (và không biết liệu có bao giờ) được lên Steam.
 
Bên trên