25hanthuyen
Active Member

Ở Việt Nam từ “hoành tráng” được sử dụng thường xuyên cách đây không lâu có lẽ là cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Ta có thể nghe ở bất cứ đâu trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Tỉ như khi thấy cậu thanh niên nào đó “cưa” con bé nhà bên cạnh đi “con” xe SH bóng lộn mặc bộ quần áo “sành điệu” với chiếc áo sơ mi bó chít bó chịt mở phanh cổ thấp thoáng sợi dây chuyền vàng lấp lánh với chiếc quần hàng hiệu giá nhiều trăm “đô” trên tay cầm bó hoa hồng to tổ đùng được quấn đủ thứ giấy gói hoa sặc sỡ cầu kỳ... lập tức mấy bà chị hàng xóm liền thốt ra ngay “ trông thằng người yêu con x “hoành tráng” quá. Rồi thì đi dự sinh nhật của đứa người yêu thằng bạn thấy tổ chức tại nhà hàng sang trọng với nhiều nến, hoa và quà tặng to nhỏ lớn bé để ngập bàn. Cả những thực khách áo quần bóng loáng thơm lừng đủ mọi thứ nước hoa “ngoại nhập” và thấy ngay một điều nếu bạn đi một con xe Dream hay Wave thì tốt nhất ở nhà. Sau đó lập tức những ai đi tham dự cái sinh nhật đó về cũng suýt xoa bữa tiệc đó sao mà hoành tráng thế. Rồi thì người người nhà nhà đua nhau tổ chức những bữa tiệc “tân gia”, “mừng thọ”, “thăng chức”, “đầy tháng”, ma chay hiếu hỷ đủ cả. Có hôm đi học về thấy cả phố đầy xe ô tô đủ kiểu đỗ kín một bên đường hỏi ra mới biết mẹ của ông gì gì chức vụ to lắm chết nhà ở cuối phố mà xe đưa đám đỗ tận đây. Thật là đám ma hoành tráng quá. Có lẽ đọc đến đây nhiều bác tự nhủ chẳng liên quan gì đến HD hay phim ảnh gì cả xin phép vào phần chính luôn.
Ai đã từng xem Giải cứu binh nhì Ryan (Saving Private Ryan) là một bộ phim chiến tranh, hành động được làm vào năm 1998, của Steven Spielberg. Hẳn không thể quên những trường đoạn đẫm máu trên bãi biển Ohama của Nomandi. Những người lính trúng mìn cá nhân gãy lìa chân hay dính mảnh đạn ruột lòi ra cả rổ... rồi trường đoạn những tiểu đoàn lính của cả ta và địch với những thương tích đầy mình quần áo tả tơi thất thểu đi qua xác những chiếc phi cơ chở lính dù nằm trên cánh đồng... Đó là những cảnh tượng không thể hoành tráng hơn.

Nhưng cái hoành tráng hơn cả ý nghĩa hơn cả và cũng là thông điệp mà Đạo diễn và kịch bản muốn chuyển tải đến người xem lại vô cùng đơn giản. Tôi muốn nói đến bí mật của những người đồng đội khi đánh cá với nhau rằng trước Đại úy John H. Miller làm nghề gì và khi câu nói “Khi tôi giết thêm một người tôi cảm thấy xa nhà hơn” và hẳn ai cũng hiểu rằng nếu bạn giết quá nhiều người bạn sẽ không bao giờ quay lại được nữa. Mọi điều trở nên hoành tráng hay không cái chính là ý nghĩa cuối cùng của nó mang lại chứ không phải mọi thứ trưng ra cho mọi người thấy. Giống như là có ông hàng xóm vào quán phở (ngày xưa ăn phở sáng hoành tráng lắm) gọi bát phở Tái chín gầu đập 2 quả trứng rồi không ăn vì ông ấy chỉ muốn lấy cái tăm. Cái hành động của ông ấy ở một góc nhìn nào đó quả là hoành tráng còn gì.
Tôi vừa xem lại phim The Good, the Bad and the Ugly của đạo diễn Sergio Leone. đây là bộ phim không biết tôi đã xem bao nhiêu lần. Trường đoạn quân Miền Nam và Miền bắc đánh nhau giáp lá cà để chiếm được cái cầu còn nguyên vẹn là một trường đoạn vô cùng bi tráng với tài năng chỉ đạo, quay phim và dàn dựng khiến khán giả không khỏi há hốc mồm xem và tán thưởng. thế nhưng tất cả cái điều mà đạo diễn muốn nhắn nhủ cho người xem lại là hình ảnh Tuco (Eli Wallach đóng) chổng “đít” lại khi chiếc cầu bị giật nổ và câu nói của Blondie (Clint Eastwood đóng) “ Tôi chưa bao giờ thấy nhiều sinh mạng chết lãng phí như thế”. Lại một lần nữa sự hoành tráng được chứng minh ở những câu nói hay hành động vô cùng gian đơn như thế

Gần đây xu thế làm phim chiến tranh, dã sử, viến tưởng được hỗ trợ bởi những kỹ xảo đồ họa vô cùng chi tiết và kỹ lưỡng, để xem những cảnh tượng hàng trăm ngàn lính, hàng ngàn chiến thuyền với thành quách pháo đài, cỗ máy bắn đá ... không khó. Tôi lại nhớ tới một phim cũng của Steven Spielberg, Hãy bắt tôi nếu có thể (Catch Me If You Can - 2002) Bộ phim là câu chuyện có thật về cuộc đời Frank Abagnale Junior, người mà trước sinh nhật lần thứ 19 đã lừa đảo hàng triệu đô la bằng việc làm giả séc một cách tinh vi, đội lốt một phi công, bác sỹ và rồi công tố viên. Nếu như trong phim của Steven Spielberg ta thấy hàng ngàn người Do Thái ở sân ga. hay cảnh tượng những cơ thể trần truồng đi vào lò thiêu.. rồi đến cảnh dàn dựng phòng chờ tại sân bay trong The teminal. Thì trong phim Hãy bắt tôi nếu có thể lại hoành tráng ở một khía cạnh khác.



Xem phim này tôi thực sự bị thuyết phục bởi những kiến thức về nghành in từ khâu chế bản, tách màu (in phim) cho đến những kỹ thuật in offset 1 màu, 2 màu, 4 màu... rồi chủng loại giấy, kỹ thuật phơi sáng, là cũ cho đến mực in có hàng trăm loại từ nhiều quốc gia khác nhau. Loại in trên kẽm, in trên bản đồng, chì ... Điều tôi thấy thực sự hoành tráng đó là sự kỹ lưỡng tỉ mỉ của kịch bản cũng như Đạo diễn. Hàng mớ kiến thức lủng củng khô cứng như thế mà ông ấy vẫn lồng ghép vào được một nội dung rất rõ ràng mạch lạc và đầy hấp dẫn. Nếu bạn đã từng “chót dại” xem một bộ phim truyền hình Việt Nam nếu nhân vật là 1 ông họa sĩ thì thấy ông này cào cào trên toan vẽ trông “chuối vãi” rồi thì nếu nhân vật là một nhạc công thì những ngón tay trên phím đàn “thôi rồi” chuối cả nải. bạn sẽ nhớ lại The pianist của Roman Polanski bạn không thể quên được hình ảnh Adrien Brody đưa tay trên phím đàn không phát ra âm thanh... Điều mình thấy đó là sự hoành tráng đôi khi không phải là điều gì to tát đó chính là sự nghiêm túc, tỉ mỉ, và chuyên nghiệp của một người nào đó với công việc mình làm. Trên hết đó là cái “tâm” trong nghề nghiệp.
Lần đầu viết bài chắc thiếu xót và phiến diện mong các bạn góp ý để mình có động lực viết tiếp những bài sau. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành: