Uchiha_Madara
Nghỉ hưu

Những ngày cuối năm này, nếu ra đường vào ngày thứ 7 hay CN, thấy ai mà ăn mặc bảnh bao, áo quần đẹp đẽ, váy sống rực rỡ thì bạn hãy tin chắc rằng họ đang đi đám cưới đấy. Đám cưới nhiều đến nỗi thằng bạn tôi phải thốt lên: “cưới gì mà lắm thế, tháng này tao nhận được cái thiệp thứ 10 rồi đấy, cuối tháng hụt tiền là cái chắc”.
“Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, đó là chuyện đương nhiên từ bao đời nay. Yêu là cưới, còn yêu mà không cưới thì thôi, chẳng sao cả nhưng mà thường là họ sẽ cưới. Trai gái cưới nhau, trai trai cũng cưới nhau rồi gái gái cũng cưới nhau tuốt, không biết sắp tới sẽ có thêm gì nữa không nhưng trước mắt bây giờ là khá nhiều đám cưới rồi đấy.
Có nhiều lý do để tổ chức đám cưới trong thời điểm đất trời chuyển mùa, năm mới tiễn năm cũ thế này. Như là cưới chạy “về hưu”, mấy ông bà quan to chức lớn sắp về hưu sợ vài bữa hok ai đi nên tổ chức cưới sớm trước khi “hạ cánh an toàn” nhằm kiếm chút cháo. Hay là cưới “chạy bầu”, thời nay có bầu mới cưới không phải là chuyện lạ, còn có một bộ sưu tập váy cưới dành cho bà bầu nữa mà, vậy cho nên “bác sỹ bảo cưới” thì mình cưới thôi. Nhưng đa số vẫn là do cuối năm trời lạnh quá, cưới nhau về ngủ chung cho ấm, qua mùa đông giá rét này cái đã, đơn giản vậy thôi.
Cũng có rất nhiều lý do để bạn có thể nhận được nhiều thiệp cưới trong thời gian này. Gia đình họ hàng cái này là đương nhiên, bạn bè thân thiết chắc chắn phải có, đồng nghiệp công ty không đi không được hay thậm chí cả mối quan hệ trên diễn đàn hdvietnam mà mình đã gắn bó bao lâu cũng có luôn, hội HDSG là một ví dụ điển hình khi đám cưới thành viên có sự góp mặt chung vui của các anh em trong hội (nói nhỏ thôi là mời mấy ông HDSG đi tốn bia lắm đấy nhưng bù lại là khả năng cướp sân khấu và khuấy động không khí rất chuyên nghiệp, yeh).

Hội HDSG trong một đám cưới của thành viên
Khi được mời đám cưới, hẳn nhiên vì tình nghĩa thì bạn sẽ đi, mà đi là phải có quà mừng, đi tay không kỳ chết. Tôi nhớ ngày xưa, cách đây khoảng 20 năm, người ta đi đám cưới còn mua chục chén, bộ ly, cái bình thủy … để mà mừng cưới, coi như mua sắm đồ dùng mới cho cô dâu chú rể nhưng mà tặng quà thế này đôi khi lại bất cập khi nhà có mấy người mà đến mấy chục cái chén chẳng hạn thế nên sau này người ta không đi quà nữa mà đi tiền, nói chung là trừ một số người bất thường ra thì ai cũng thích tiền cả, đơn giản, gọn lẹ, dùng làm gì cũng được. Mà tiền là một vấn đề nhạy cảm, cho nên dính đến tiền lại sợ mất lòng, bởi thế nên mới có chuyện đi đám cưới như đi trả nợ. Bữa trước nó đi con mình hai trăm thì giờ mình cũng phải đi con nó hai trăm, tình nghĩa tràn đầy thế nào không biết, nhưng hình như nó được quy thành tiền, khổ thế đấy.
Thói đời, không có thì ngóng, có thì than, không mời thì trách sao đám cưới mà lại không mời, mà mời thì lại rên rĩ là đám cưới nhiều quá đuối, chẳng biết làm sao cho vừa lòng nhau. Chung quy cũng là tại đám cưới ở mình vẫn còn rườm rà và nặng chuyện ăn nhậu quá. Vào đám cưới sau màn làm lễ của đôi tân lang và tân giai nhân là các chú các bác các cậu các bạn cứ thi nhau cụng ly chan chát, nhậu say quên đất trời, tụi nó cưới chưa thấy sung mà mình còn sung hơn tụi nó. Thành ra đi đám cưới thành đi nhậu, điều đó đã trở thành thói quen, khó mà thay đổi được trong một sớm một chiều. Thậm chí nếu nhân vật chính có muốn tổ chức đơn giản, tiết kiệm cũng chẳng được vì còn gia đình họ mạc, thể diện dòng họ, vậy là ai cưới cũng muốn tổ chức linh đình, xe xịn đưa rước, vàng đeo đầy tay, nhạc to nhất xóm mới chịu.

đố các bạn tìm được chi tiết lạ trong hình này ^_^
Tôi trong cái tháng cuối năm này cũng đã đi đến 5 cái đám cưới, nhà hàng thành phố có, thôn quê dân dã có, làm khách mời có, làm người bưng quả cũng có rồi cả vào nhà thờ làm lễ nữa, thiếu mỗi cái đám cưới trên chùa nữa là đủ bộ sưu tập. Những lúc như thế tôi chỉ ước sao đám cưới tổ chức đơn giản một chút, tình cảm một chút, không phải mình sính ngoại nhưng mà xem phim thấy tụi Mỹ nó tổ chức lễ cưới sao mà nhanh gọn dễ thương đến thế. Mọi người thân thật thân, bạn bè chí cốt đến dự, không quà mừng, “sự có mặt của bạn là niềm vinh dự của gia đình chúng tôi” rồi, làm cái lễ, cô dâu chú rể thề thốt, hôn nhau, rót rượu, mỗi người uống mấy ly xong sau đó đôi uyên ương kia phóng lên xe chạy mất, đến vùng biển xanh cát trắng nắng vàng chẳng hạn, mọi người còn lại giải tán, ai về nhà nấy, tiếp tục công việc của riêng mình.
Tôi thích thế nhưng chắc chắn có nhiều người sẽ không thích thế, thậm chí nếu tôi mà đưa ra ý kiến làm như vậy thì ông già tôi sẽ chửi cho xói trán, làm vậy còn gì truyền thống của dân tộc, nạp thái – vấn danh – nạp cát – nạp trưng – thinh kỳ - thân nghinh (ngày nay giảm bớt còn dạm ngỏ - ăn hỏi – lễ cưới), những giá trị từ xưa của ông bà tổ tiên đâu thể bỏ được. Vậy nên ước mơ cũng chỉ là ước mơ còn thực tại thì người ta sao mình phải theo vậy, không thể “đại nghịch bất đạo” mà tự ý thay đổi được, chỉ có thể thay đổi từ từ, giảm bớt những chi tiết rườm rà, câu nệ hình thức, bớt mệt mỏi cho cô dâu chú rể và bà con hai họ trong ngày vui, còn những bản sắc chính trong nghi lễ đám cưới của người Việt Nam thì vẫn phải giữ như một nét đặc trưng riêng của dân tộc mấy ngàn năm văn hiến này.
Ps: viết xong mấy dòng này người viết cũng phải chạy đi bưng quả cho đứa bạn thân trong xóm, nó gọi réo nảy giờ, theo tình hình đám cưới ở quê thì nhiều khả năng là sẽ nhậu từ 3h chiều đến 11h đêm, “một ly hai ly lại ba ly”.