Ðề: Cuộc thi "Viết review phim Max Mad" nhận quà tặng
Copy and edit
Mad max Furyroad: Nếu có một giải Oscar cho phim hành động…
“Nếu có năm nào mà Viện Hàn lâm quyết định trao Oscar hành động đóng thế, thì đó là năm nay, và họ sẽ trao cho bộ phim này”
“If ever there was a year for the Academy to give out a stunt Oscar, this is the year, and it should go to this movie” - Edgar Wright -
Khi hành động là ngôn ngữ điện ảnh
Mad Max: Fury Road được ra mắt chính thức vào ngày 14/5/2015 trong khuôn khổ LHP Cannes lần thứ 68. Ekip thực hiện đã rất tự tin khi ra mắt bộ phim trước những nhà bình luận khó tính và một LHP thiên về nghệ thuật. Ngay khi phim kết thúc các nhà phê bình và khán giả đứng dậy vỗ tay trong vài phút. Người xem phấn khích với các trường đoạn rượt đuổi và những pha hành động đánh đấm bạo lực. Và Fury Road chìm trong lời khen của những nhà phê bình từ Âu tới Mỹ, từ twitter cho tới những tờ báo, rồi cả điểm số cao trên những trang đánh giá phim hàng đầu.
Có bộ phim nào có kết cấu 90 phút hành động và 30 phút “yên bình” như Fury Road? Bộ phim này có thể gây ấn tượng với bất cứ ai với tạo hình, phục trang, âm nhạc ấn tượng; nhưng tất cả những yếu tố đó đều phục vụ cho hành động – ngôi sao của bộ phim. Căng thẳng, điên loạn, dữ dội, đứng tim, không thể tưởng tượng là những từ ngữ mô tả cho các màn hành động trong phim.
Ai có thể tưởng tượng một anh mù mặc đồ đỏ chơi guitar điện trên một chiếc xe tải độ lại có thể gây phấn khích tới vậy, hay những gã vắt vẻo trên cây sào cao cả chục mét đu đưa trước màn ảnh như muốn tóm lấy khán giả. Thoáng xa trông như một gánh xiếc trên xa mạc, nhưng kỳ lạ thay, những hình ảnh ấy khiến người xem phấn khích tột độ, điên cùng nhân vật trong tiếng trống giục giã, tiếng ghita điện, tiếng động cơ gầm rú.
Fury road không có thời gian giới thiệu nhân vật, màn rượt đuổi gần như bắt đầu ngay lập tức. Cao trào càng lúc càng được đẩy lên, may mắn đạo diễn vẫn bố trí vài khoảng trùng xuống, nếu không khán giả đến nổ đầu mất. Nhưng đó chỉ là khoảng lặng trước cơn bão, nối tiếp, dồn dập cuốn những nhân vật trong phim tiếp tục cuộc hành trình. Bộ phim nếu tóm tắt rất đơn giản: 48 tiếng rượt đuổi ngập tràn xăng, lửa và máu. Nhưng trong 48 tiếng đó, một thế giới dần hiện ra, với sự tỉ mỉ trong từng sắp xếp của đạo diễn, khiến Fury Road như một tour du lịch khám phá thế giới tưởng tượng, để khán giả tìm thấy vẻ đẹp trong sự tàn bạo.
Phục trang là một điểm nhấn trong việc mô tả thế giới hậu tận thế. Đơn giản nhưng vẫn hầm hố, lấm lem bùn đất nhưng vẫn toát lên tính cách của từng nhân vật. Tạo hình những chiếc xe độ gây ấn tượng mạnh, cũng như tính cách của chủ xe, cái thì mạnh mẽ kiêu hùng, cái thì hầm hố, cái thanh lịch, cái thì đầy vẻ chết chóc. Tất cả các lực lượng được giới thiệu trong bộ phim đều được chăm chút tỉ mỉ, nên khán giả chỉ cần theo dõi nhân vật hành động, cũng đoán được câu chuyện cuộc đời, số phận của họ dù không được kể ra (Show don’t tell).
Âm nhạc đậm chất rock metal, kết hợp cùng tông vàng đỏ của cát sa mạc và dàn quái xế, đẩy hành động lên mức điên loạn. Riêng về khoản hành động trong Fury Road, chúng ta có thể gọi đây là tuyệt tác – masterpieces.
[video=youtube;MgYnKu8RYAU]https://www.youtube.com/watch?v=MgYnKu8RYAU[/video]
Thuyết phục đến từ sự chân thực
Như lời đạo diễn đã nói, bộ phim được thực hiện chân thực nhất có thể. Bạn sẽ thấy các cảnh hành động cực dễ theo dõi, vì đó là những cảnh quay thực với xe, xăng, chất nổ và dây bảo hiểm. Đạo diễn và quay phim đã chọn thay cho khán giả vị trí an toàn để quan sát được các cảnh hành động tốc độ cao, những góc nhìn đẹp nhất, ấn tượng nhất. Các góc máy cực kỳ ấn tượng, thật sự kỳ công cho một bộ phim ra đời giữa một rừng tác phẩm dựng bằng công nghệ đồ họa máy tính (CGI). Bạn sẽ có phần ngợp trước sức thuyết phục của các cảnh quay, và đặt câu hỏi tại sao họ thực hiện được những chúng. Một màn trình diễn tốc độ, khói lửa đáng để các phim gắn mác “bom tấn” khác học tập, với kỹ xảo được sử dụng rất hợp lý, vừa đủ để mang tới hiệu quả thị giác tối đa. 3500 bản vẽ phác thảo, 6 tháng quay ròng rã tại sa mạc cùng 3 tuần thực hiện lại các cảnh quay chưa ưng ý, cho kết quả 480 giờ phim, biên tập cho vừa 114 phút để mỗi cảnh đều là một bức tranh đẹp với rất nhiều khoảng khắc mà các nhiếp ảnh gia cũng muốn chụp lấy.
Phải danh nhiều lời cảm ơn cho ekip đã tạo nên bộ phim: đạo diễn George Miller là linh hồn của dòng phim, nhà quay phim John Seale là bậc thầy của những thước phim (2 người bạn đều đã 70 tuổi, với 2 tượng vàng Oscar trong tay), và không thể không kể tới công sức của những diễn viên đóng thế chuyên nghiệp. Đoàn phim luôn bị ám ảnh bởi sự an toàn với các diễn viên. Vì vậy, họ đã tuyển cả những vận động viên chuyên nghiệp, từng tham dự Olympic ở Sydney và Bắc Kinh trong vai các nhân vật phụ. Họ là người thể hiện rất thành công những cảnh hành động như đuổi bắt trên sa mạc, mà bạn phải trố mắt không hiểu ekip đã thực hiện ra sao. Tổng cộng 2600 diễn viên quần chúng đã tham gia trong quá trình quay phim, tạo nên những đại cảnh hoành tráng.
Sự chân thực còn đến từ Trailer. Ít khi nào người ta thấy trailer vừa thể hiện đúng tinh thần của bộ phim (không lừa tình), vừa tạo phấn khích cho người xem như vậy, nhưng không spoil ra tất cả các đoạn quan trọng. Khi xem xong phim có bạn đã nói vui: làm trailer phim này quá dễ, cứ cắt bất cứ đoạn nào trong phim ra là chúng ta có một trailer hấp dẫn.
[video=youtube;hEJnMQG9ev8]https://www.youtube.com/watch?v=hEJnMQG9ev8[/video]
Fury Road dạy Hollywood về cách làm một phần sau đúng nghĩa
Làm thế nào để khởi động lại 1 thương hiệu 30 năm tuổi (Phần gần đây nhất: Beyond ThunderDome làm từ năm 1985) khi dường như thương hiệu đã hết sức nóng. Hollywood đã triển khai việc reboot, remake với nhiều cách: hoặc khoác lên mình tấm áo kỹ xảo hiện đại cho những câu truyện cũ, hoặc làm mới nó cho hợp thời sự: Robocop, Star trek, Troy legacy, tới đây là Terminator, Jurassic Park …. Fury Road làm được điều mà chỉ một vài tác phẩm phần sau thành công: giữ nguyên tinh thần của các phần phim gốc, trong khi vẫn khiến người ta ngạc nhiên về sự không lặp lại chính mình. Trong một bài phỏng vấn khi được đặt câu hỏi: Đây là một phần tiếp theo (sequel) hay tái khởi động (reboot)? Đạo diễn George Miller đã trả lời: Tôi thích gọi nó là một sự trở lại (I like to call it a revisit)
Nếu bạn đã xem cả 3 phần của series Mad Max, bạn sẽ biết cả 3 bộ phim mang không khí khác hẳn nhau như thể 3 bộ phim hoàn toàn độc lập, nhưng vẫn có 1 sự xuyên suốt kỳ lạ, mà phần sau luôn bổ khuyết những gì chưa kể tại phần trước. Fury Road cũng vậy, câu chuyện của nó trông như chèn giữa phần 1 và phần 2, và đưa ra những dữ kiện mà người ta chưa biết về thế giới hậu tận thế của series Mad Max. Cực nhiều các liên hệ từ các phần cũ, bạn sẽ phải réo lên chục lần những chi tiết cực nhỏ nhặt hint về 3 phần phim cũ, nhưng cốt truyện vẫn đủ liền lạc để cho những ai chưa biết đến thế giới George Miller không bị bỡ ngỡ. Tổng thể phim là những màn truy đuổi đầy máu lửa, tốc độ, tiếng động cơ của những quái xế thập niên 70-80 gầm rú, hơi nóng những vụ nổ phả vào mặt nhân vật, súng đạn giáo mác ….. Đó là những cốt liệu luôn xuất hiện trong series Mad Max, nhưng chưa bao giờ nhàm chán. Những kẻ phản diện trong phim cũng đầy ấn tượng, điên loạn.Nhưng kẻ phản diện lớn nhất chính trong Mad Max luôn là thế giới sau thảm họa nghiệt ngã đang đày đọa loài người. Và thế giới đó tồn tại những con người luôn kiếm tìm hy vọng và sự vượt lên số phận, trừ nhân vật chính Max – chiến binh cô độc.
Phim tôn trọng cách làm phim cũ: dù là một phần của series thì nó vẫn là
một bộ phim có thể cảm nhận độc lập, có chăng nhịp phim hơi nhanh khiến bạn phải chăm chú hơn so với các bộ phim khác. Bạn sẽ không bị hụt hẫng khi xem kết phim, hay phải đặt ra những suy nghĩ chắc đạo diễn để dành phần sau giải quyết. Bộ phim sẽ có những phần sau, nhưng hành trình trong Fury Road đã kết thúc trọn vẹn.
Bộ phim ý nghĩa
Nếu chỉ có những màn hành động, thì Fury Road nói riêng và Mad Max nói chung làm sao có thể được tung hô như vậy. “Con người” là yếu tố trung tâm của bộ phim, không thiếu những câu chuyện ẩn dưới vỏ bọc hành động hoành tráng. Những ẩn dụ về đức tin, quyền lực, giá trị con người, sự tin tưởng, lòng trung thành, niềm hy vọng, sự cứu rỗi… không phải ai cũng nắm bắt được trong nhịp phim gấp gáp.
Bộ phim này cũng là một bộ phim ủng hộ nữ quyền, khi các cảnh quay về các nhân vật nữ còn có phần trội về thời lượng hơn nam chính. Các cô gái mỗi người một vẻ, hoạt bát, lanh lẹ, gan góc, mạnh mẽ như những hoa xương rồng mọc trên vùng đất cằn cỗi.
Cái tính chất điên loạn của các nhân vật đến từ bản năng sinh tồn, ở thế giới hậu thảm hóa thiếu thốn mọi thứ, những bản chất của con người lộ rõ. Sự can trường, phản kháng của những người bị áp bức; Sự mông mội, cuồng tín của những kẻ bị tẩy não; Tính hung tàn, ích kỷ của kẻ có quyền…. tất cả hợp lại trong sự điên cuồng của những con người nhỏ bé đang chết dần chết mòn, nơi mà kẻ mạnh đạp lên kẻ khác để sống sót. Rồi vẫn có những hy vọng, mầm ươm sự sống trong thế giới đó. Mad Max luôn hướng thiện.
Một bộ phim không phải dành cho tất cả mọi người
Dù là một bom tấn gần như hoàn hảo nhưng Fury Road không phải tác phẩm "ai xem cũng thấy hay". Phim rất tinh tế và hợp gu với người hâm mộ phim hành động “cổ điển”, nhưng ai thích kiểu hành động của F&F hay Avengers sẽ khó cảm thấy hay. Đa phần khán giả sau khi xem sẽ thấy phim ấn tượng, khá chứ chưa tới mức hay. Tác phẩm một lần nữa thể hiện độ vênh giữa giới phê bình và khán giả phổ thông.
Giới phê bình cực thích phim này, nó tinh tế, cách xử lý cổ điển, soundtrack hoài cổ, là món ăn độc và lạ làm ngạc nhiên nhiều người trong bối cảnh phim hành động cả thập kỷ qua không có phim nào giống như vậy.
Tín đồ phim hành động, hardcore, cinephile như con nghiện lâu ngày gặp liều thuốc hạng nặng, mừng tới chảy nước mắt. Còn về phía khán giả phổ thông, những người đã quen với những phim hành động “ảo lòi”, plot đơn giản thẳng đuột, có thể chưa cảm nhận những tinh tế trong phim như giới phê bình, mà nhận xét phim "cháy nổ, hoành tráng" thuần túy.
Nếu bạn xem phim trên quan điểm khám phá và luôn đặt ra câu hỏi: “tại sao họ hành động như vậy?” thì sẽ cảm nhận tốt hơn những điều đạo diễn và ekip muốn gửi gắm, và tinh thần “điên loạn” của dòng phim.
Câu nói “
là fan mới thấy hay” khá đúng cho một phim thuộc thể loại hardcore như Fury Road (những người thích phim tình cảm, hoặc phim đòi hỏi diễn biến tâm lý phức tạp, hay muốn kịch bản xoắn não thâm thúy logic ….sẽ không thích phim này)
Giới phê bình:
Khán giả:
Tóm tắt kiểu review
Cốt truyện: không có plot twist, không khiến khán giả có cảm giác bị lừa. Bộ phim là hành trình chạy trốn của các nhân vật chính nhưng cũng là hành trình khán giả khám phá thế giới hậu tận thế của series Mad Max. Theo những chặng đường của nhân vật, một thế giới mới rộng lớn hơn trải trước mắt người xem, máu lửa nhưng đầy hứa hẹn.
Tính chất điên loạn là điều người ta sẽ đọng lại sau khi xem phim, và khẳng định lại thương hiệu Mad Max
Hình ảnh: mầu sắc cực đẹp với tông chủ đạo là vàng và đỏ của cát sa mạc. Tông nhợt nhạt tất nhiên là màu sắc của các phim hậu tận thế, nhưng để đưa nó thành những bức tranh như Fury Road lại là chuyện khác. Bộ phim đáng để cho các nhà quay phim học tập về cách thực hiên và độ tỉ mỉ của các cảnh quay. Phim không nhiều hiệu ứng 3D, chỉ có 5-6 cảnh đập vào mắt bạn. Bạn nên chọn phòng chiếu lớn, âm thanh tốt để hòa mình vào Con đường tử thần.
Âm thanh: hoàn hảo, đi xem về mà tiếng trống vẫn vang vọng trong đầu cùng các đoạn nhạc giục giã, và khi cần, những trường đoạn sâu lắng đủ chạm tới cảm xúc người xem.
Thời lượng 113 phút, bạn nên uống ít nước, vì phim gần như không có khoảng trống để đi WC. Trình độ biên tập của phim cực tốt, những cảnh bạo lực chủ yếu lướt qua nhanh cho người xem tự tưởng tượng. Cảnh nude được che rất khéo, rất nghệ thuật, không xôi thịt như nhiều phim khác.
Phim có 2-3 cảnh rùng rợn, và tính chất của phim là điên loạn, không phù hợp cho trẻ em dưới 16 tuổi. Tâm lý các bạn gái thì mình không rõ.
Diễn xuất: Dàn diễn viên đều là những diễn viên thực lực, nhưng vì hành động chiếm phần lớn thời lượng phim nên đất diễn của họ không nhiều. Tuy nhiên chỉ cần vài phút, hoặc ánh mắt, lời nói, hoặc âm điệu, cử chỉ là họ thể hiện được cái hồn của nhân vật mình đang diễn. Mọi nhân vật, dù có người chỉ xuất hiện chưa tới 1 phút, cũng đều để lại ấn tượng. Ba diễn viên để lại ấn tượng nhất tất nhiên là Charlize Theron, Tom Hardy và Nicholas Hoult. Charlize Theron biểu tượng nữ quyền, rắn rỏi nhưng khi cần cũng thể hiện sức thuyết phục kỳ lạ của nữ giới (đến từ lòng vị tha và đức hy sinh). Tom Hardy đã hóa thân vào nhân vật Max rất đạt, có sức nặng ngang hàng với Max của Mel Gibson (thậm chí có phần trội hơn) – dĩ nhiên với những người xem phim chỉ vì nghe qua cái tên Mad Max để xem Max điên cỡ nào thì họ sẽ thất vọng, vì cả series chưa bao giờ muốn truyền tải điều đó. Max cũng chưa bao giờ là một gã điên dễ thể hiện.
Rate:
9/10
Fury road tất nhiên chưa hoàn hảo, nhưng là tác phẩm thành công về rất nhiều mặt và khiến khán giả phấn khích. Bộ phim làm thỏa mãn các tín đồ của phim hành động, một món quà, một lời khẳng định của thương hiệu đình đám đã trở lại, một phong cách làm phim chuyên nghiệp, tìm tòi, đầy trách nhiệm với khán giả của bộ môn nghệ thuật thứ 7.