Chỉ sau 1 bản beta, "Kính lỏng" của Apple giống như bị làm cho đục đi vậy!
Giao diện Liquid Glass vừa được Apple điều chỉnh với phiên bản iOS 26 Beta 3 phát hành vào thứ Hai vừa qua. Động thái này được đưa ra sau khi nhiều người dùng phàn nàn rằng thiết kế mới khiến một số phần giao diện trở nên khó đọc hơn.

Tại sự kiện WWDC 2025 diễn ra vào tháng 6, Apple đã giới thiệu ngôn ngữ thiết kế mới có tên “Liquid Glass” (Kính lỏng), lấy cảm hứng từ cách kính thật khúc xạ ánh sáng và độ trong mờ của nó. Tuy nhiên, phiên bản beat đầu tiên của iOS 26 và các bản cập nhật tương ứng trên những thiết bị khác của Apple vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện, đặc biệt là về khả năng sử dụng, tiếp cận và độ rõ ràng khi hiển thị nội dung.
Tháng trước, Apple đã sửa một số vấn đề rõ rệt nhất của Liquid Glass, chẳng hạn như việc Trung tâm điều khiển (Control Center) trở nên quá trong suốt đến mức các biểu tượng và widget từ màn hình chính lọt thẳng qua, gây rối mắt và khó phân biệt.

Với bản cập nhật hôm thứ Hai, Apple tiếp tục "giảm độ bóng kính" của giao diện ở nhiều khu vực chính. Nếu như beta 2 tập trung khắc phục Trung tâm điều khiển, thì beta 3 chuyển hướng sang các chỗ khác của hệ điều hành như khu vực thông báo và phần điều hướng trong các ứng dụng gốc của Apple như Apple Music. Thanh điều hướng trong ứng dụng nghe nhạc của Apple giờ đây không còn cho thấy phần nền mờ mờ bên dưới, mà chuyển sang một nền trắng đục để tạo cảm giác rõ ràng hơn.

Thanh thông báo của iOS 26 Beta 2 (trái) và Beta 3 (phải)
Thanh thông báo cũng bớt trong suốt, phần nền phía sau chữ được làm tối đi để tăng độ tương phản và dễ đọc hơn. Mặc dù những thay đổi này giúp người dùng dễ theo dõi nội dung, nhưng một số người lại cho rằng Apple đang "đi quá xa" khi quay trở lại với phong cách kính mờ truyền thống, làm mất đi sự tinh tế ban đầu của thiết kế Liquid Glass trên iOS 26.
Cũng cần lưu ý rằng đây mới chỉ là bản beta dành cho nhà phát triển, tức là phiên bản thử nghiệm ban đầu chưa phải iOS 26 chính thức. Mục đích của các bản beta là để Apple thu thập phản hồi, phát hiện lỗi và tinh chỉnh giao diện trước khi phát hành rộng rãi vào mùa thu năm nay.