pegasus3390
Well-Known Member
Một năm sau khi giới thiệu cổng kết nối Thunderbolt 3 tại Computex 2015, Intel cuối cùng cũng đã bắt đầu thấy được sự thành công của cổng kết nối tốc độ cao này.
Thành công này không nói đâu xa, những mẫu máy hàng đầu của HP và Dell, cũng như nhiều mẫu máy đến từ MSI, Asus, Razer và Acer đã được tích hợp sẵn kết nối Thunderbolt 3. Hầu hết các máy có cấu hình cao được xuất xưởng trong vài tháng tới cũng sẽ nổi bật hơn khi được trang bị cổng kết nối này.
Thunderbolt 1 and 2: những thất bại của ngành công nghiệp
Kết nối Thunderbolt có vẻ chỉ như một tia sáng lóe lên khi nó được giới thiệu cách đây 4 năm. Hứa hẹn khả năng cung cấp băng thông lên đến 10Gbps cho mỗi kênh ra và vào, kết hợp lại ta có băng thông truyền dẫn lên đến 20Gbps. Với tên gọi “một kết nối cho tất cả” nó có khả năng sử dụng như kết nối DisplayPort và PCIe. Thunderbolt cũng dễ dàng đè bẹp kết nối USB 3.0 thời điểm đó với tốc độ 5Gbps.
Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại. Những chiếc máy tính hỗ trợ cổng Thunderbolt rất hạn chế và chúng gặp vấn đề về mặt tương thích. Khi được ra đời, nó đã cho thấy được hiệu năng rất ấn tượng khi sử dụng, nhưng các hãng sản xuất phụ kiện hỗ trợ chỉ tập trung cho Mac, và dần dà nó không thể phổ biến được.
Ngay chính cả Intel cũng không có vẻ gì là muốn thúc đẩy công nghệ này. Ngay cả dòng bo mạch chủ Z77 của Asus cũng không tích hợp trực tiếp cổng kết nối này mà bán rời 1 card ThunderboltEX nhằm giảm chi phí. Vấn đề còn lớn hơn nữa là card ThunderboltEX thậm chí còn chẳng có driver hỗ trợ và nó đơn giản chỉ là thứ để đưa lên mặt báo hơn là kinh doanh.
Còn những người dùng muốn khám phá công nghệ này dần cảm thấy mệt mỏi khi phải chờ đợi việc hỗ trợ cổng kết nối tiên tiến này lên các máy tính mới để được trải nghiệm.
Điều tồi tệ hơn là những cọng cáp Thunderbolt có một mức giá cắt cổ lên đến $50 (một phần bởi con chip điều khiển Thunderbolt vẫn bị giữ bí mật). Và đó cũng là lý do cổng kết nối này chỉ thực sự sử dụng được trên các máy tính của Apple với cả 2 thế hệ trên những chiếc MacBook Pro, Mac Pro và iMac, phần còn lại của thế giới vẫn xa lạ với kết nối này.
Các hãng phụ kiện gặp rất nhiều khó khăn để lấy được chứng nhận Thunderbolt, cùng với đó là phí bản quyền cao, nhu cầu thấp và có vẻ như nó sẽ có một tương lai như FireWire trước đây. Nói thêm một chút, FireWire là một giao tiếp tốc độ cao của Apple vào những năm 90 cạnh tranh với USB nhưng vẫn thất bại mặc dù có tốc độ truyền tải cao hơn do vấn đề về chi phí và độ phổ biến.
Sự xuất hiện của USB 3.1 càng làm tình hình tồi tệ hơn
USB sau hai năm phát triển đã tăng gấp đôi tốc độ lên đến 10Gbps ngang bằng cổng Thunderbolt trong khi có cả khả năng cung cấp năng lượng cao cho các thiết bị. Thậm chí, USB cũng đã có phiên bản USB Type-C nhỏ gọn với khả năng cắm bất cứ chiều nào đồng thời là hỗ trợ luôn cả DisplayPort như trên Thunderbolt. Và điều đó làm cho người ta tự hỏi chúng ta có cần cổng kết nối đắt tiền Thunderbolt hay không?
Cổng USB Type C chính là cứu cánh
Thunderbolt dường như đã vớ được phao cứu sinh khi Intel thực hiện bước tiến mới với việc giới thiệu chuẩn kết nối tốc độ cao Thunderbolt 3. Cổng kết nối có khả năng tăng tốc độ truyền tải đến 40Gbps và có thể tích hợp lên cổng USB Type-C, tất nhiên là nó cũng có thể truyền tải tính hiệu DisplayPort thông qua PCIe, và với việc tích hợp bộ điều khiển USB 3.1 10Gbps nó cũng hoàn toàn có thể hỗ trợ cổng USB 3.1. Cuối cùng thì Thunderbolt cũng đã đạt được tầm nhìn về “một sợi cáp thay thế cho tất cả”, một cổng kết nối có thể truyền tải hình ảnh, PCIe, sạc cường độ cao và hỗ trợ USB, đó là tất cả những gì mà chúng ta cần.
Thậm chí vấn đề về giá luôn luôn bị than phiền ở Thunderbolt 1 và Thunderbolt 2 cũng được thay đổi. Theo công bố từ Intel thì giá cho chip điều khiển của Intel là $8 và mua số lượng lớn là $5. Giá này có được là nhờ đối thủ với bộ điều khiển USB 3.1 chỉ có giá dưới $3.
Rất nhiều nhà các nhà sản xuất thay đổi suy nghĩ về Thunderbolt 3 không chỉ bởi vì mức giá tốt hơn mà kết nối này có thể cho phép người dùng có thể làm mọi thứ chỉ với 1 cổng kết nối. Các nhà sản xuất cũng thấy được sự hào hứng của người dùng đối với công nghệ mới và đây chính là tính năng sẽ giúp các hãng tạo ấn tượng cho sản phẩm của mình. Thêm vào đó cổng USB Type C sẽ giúp tạo ra thế hệ laptop mới mỏng nhẹ hơn.
Với khả năng cho băng thông truyền dẫn tốt hơn, Thunderbolt 3 cho phép những chiếc laptop khả năng chạy card đồ họa rời. Về lý thuyết, những chiếc laptop siêu mỏng mới sẽ có khả năng chiến các game nặng mà không gặp nhiều vấn đề.
Vẫn còn nhiều nghi ngờ
Không phải tất cả các nhà sản xuất PC đều tin tưởng vào kết nối Thunderbolt sẽ trở thành một kết nối đắc lực bởi nó có tiềm năng rõ ràng trên laptop nhưng với desktop thì vẫn không có nhiều lợi ích bởi hầu hết đều đã có sẵn. Thực sự là rất hiếm các desktop trang bị chuẩn kết nối này, chỉ có một vài mẫu là được trang bị kết nối này. Một phần lý do là bởi các nhà sản xuất cảm thấy khá khó khăn để có thể đáp ứng được các yêu cầu phần cứng cho kết nối mới này.
Sẽ có nhiều thay đổi đối với các game thủ
Trái ngược với nhiều nhà sản xuất cho rằng không cần thiết phải tích hợp chuẩn kết nối này lên các máy desktop, nhiều nhà phân tích cho rằng nó sẽ mang nhiều lợi ích cho những dòng máy nhỏ gọn như NUC của Intel với khả năng gia tăng hiệu năng nhờ card đồ họa gắn rời sử dụng cổng Thunderbolt 3.
Chuẩn Thunderbolt 3 sẽ thay đổi mọi thứ? Có lẽ cần phải có thời gian để công nghệ này phổ biến và trong vài năm tới mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn. Cho đến thời điểm hiện tại thì đây là thứ mà chúng ta vẫn chờ đợi.