terabyte
Banned
![]() |
Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, các sản phẩm đời mới trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo hệ quả là chúng cũng trở nên thiếu đột phá và "lỗi thời" sớm hơn mong đợi.
12 tháng không còn là thời điểm vàng để nâng cấp
Không khó để nhận ra dòng đời của các thiết bị di động đang trở nên ngắn hơn. Với thị hiếu hiện nay của người tiêu dùng, việc tạo sức hút cho một sản phẩm trong suốt 12 tháng là điều cực kỳ khó khăn. Ngay cả với CEO hiện tại của Apple là Tim Cook cũng phải thừa nhận rằng khách hàng mong chờ iPhone 5 đã khiến doanh số iPhone 4S không như mong đợi trong báo cáo tài chính Quý 3 vừa qua. Con số đẹp giờ đây có lẽ đang dừng lại ở 6 tháng.
Xu hướng rút ngắn dòng đời sản phẩm trong thời gian gần đây
Hãy nhìn vào Apple, với việc bất ngờ giới thiệu iPad 4 đến người tiêu dùng bên cạnh iPhone 5 và iPad Mini, hãng gần như bảo đảm rằng doanh số của mình sẽ đạt (nếu không nói là vượt) dự kiến vào kỳ nghĩ lễ cuối năm nay.
![]() |
iPad 4 ra mắt sớm hơn dự kiến gần nửa năm
Đặt câu hỏi ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu Apple vẫn cố chấp giữ nguyên vòng đời 12 tháng của iPad? Câu trả lời là doanh số sẽ tiếp tục không đạt được như mong đợi do người dùng ngay từ lúc này đã mong ngóng phiên bản mới (đúng lịch trình là vào tháng 3). Bằng cách bất ngờ tung ra iPad 4 chỉ 7,5 tháng sau người tiền nhiệm, Apple đã làm mới lại sức hút của thiết bị, đặc biệt là vào thời điểm nóng như mùa mua sắm cuối năm tại Mỹ.
Bên cạnh đó, dù iPhone 5 chỉ vừa mới ra mắt, những tin đồn về phiên bản 5S tiếp theo đã bắt đầu lan truyền trong cộng đồng công nghệ và thời điểm ra mắt được cho là ngay vào Quý 1 năm sau. Giả sử xuất hiện vào tháng 3 thì đồng nghĩa với việc iPhone 5S sẽ chỉ cách người tiền nhiệm của mình vỏn vẹn 6 tháng mà thôi. Nghe có vẻ vô lý nhưng nếu lấy tấm gương iPad 4 cũng như những vấn đề về chất lượng và tỉ lệ thành phẩm của iPhone 5 thấp hơn dự kiến thì chúng ta cũng không thể loại bỏ khả năng này.
![]() |
HTC cũng chỉ cần 6 tháng để biến One X thành One X+
Apple cũng không phải là hãng duy nhất sử dụng chiến thuật này. Chỉ trong vòng 3 tháng sau khi ra mắt Nexus 7, Google đã tiến hành nâng cấp bộ nhớ trong của máy từ 16 lên 32 GB cũng như bổ sung tính năng hỗ trợ 3G. Hay trường hợp của HTC ra mắt One X vào tháng 4 và tiếp nối bằng One X+ vào tháng 10, siêu phẩm đầu bảng này chưa kịp yên vị thì một tháng sau hãng điện thoại Đài Loan lại chuẩn bị cho sự ra mắt của Droid DNA với màn hình FullHD tại Mỹ (phiên bản quốc tế sẽ là HTC Deluxe).
Đem lại lợi ích đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng
Thu ngắn dòng đời của sản phẩm có thể xem là một canh bạc được chia ra nhiều ván. Chia áp lực lên nhiều sản phẩm sẽ giúp giảm giá thành và cho phép ra mắt nhiều phiên bản thông qua những nâng cấp (dù nhỏ hay lớn) để tăng thêm sức hút. Các hãng cũng dễ dàng phản ứng với những siêu phẩm mang tính "phá giá" như Nexus 4 của Google.
![]() |
Thu ngắn dòng đời sản phẩm đã giúp Ultrabook hoàn thiện trong thời gian ngắn và trở thành thế lực trên thị trường laptop
Chiến thuật này cũng tỏ ra khá phù hợp trong việc hoàn thiện sản phẩm, đặc biệt là ở destop và laptop. Điểm chung của những thiết bị này là chỉ cần có khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ cơ bản là có thể thu hút được khách hàng và phần lớn trong số đó thực tế đã có sẵn một sản phẩm tương tự (dĩ nhiên là không hiện đại bằng). Do đó nhà sản xuất có thể từ từ bổ sung các tính năng nhưng vẫn giữ mức giá chấp nhận được trong khi sức hút của sản phẩm vẫn rất tốt.
![]() |
Chỉ cần thêm 3G thì Nexus 7 lại bán đắt như tôm tươi mà không làm chủ nhân phiên bản cũ quá buồn lòng
Nhìn chung việc thu ngắn dòng đời sản phẩm cũng có ưu điểm là thu hút người mua mới trong khi những chủ nhân của thế hệ trước vẫn sẽ cảm thấy thiết bị của mình giữ được (một phần) những tính năng mà đã khiến họ phải bỏ tiền ra ngay từ đầu. Lấy trường hợp của Apple, người dùng iPhone 4S có thể tự an ủi mình rằng dù gì thì iPhone 5 chỉ nhanh hơn mình một tí, dài hơn một tẹo chứ có khác quái gì đâu, đó là chưa kể đến lớp vỏ còn dễ bị trầy xước nữa.
Và cũng kèm theo không ít vấn đề
Cũng không hoàn toàn như vậy. Khi dòng đời thu ngắn lại, những điều sản phẩm mới mang lại không phải là đột phá mà chỉ là những cải tiến. Với chu kỳ 6 tháng, việc đem lại những đột phá công nghệ là điều cực kỳ khó khăn. Hệ quả là các phiên bản "S", "MAXX", "HD" hay "+" thường chỉ đem lại cải tiến mà "ai cũng đoán được là gì" như CPU nhanh, màn hình to (dài?), độ nét cao hay đơn giản chỉ là mỏng hơn người tiền nhiệm.
![]() |
Liệu đây có phải là tương lai của iPhone?
Để thoát ra khỏi lối mòn này là một điều cực kỳ khó khăn vì đơn giản là các hãng không có thời gian để kiểm tra toàn diện sản phẩm của mình, ngay cả chu kỳ 12 tháng trước đây cũng không thể nói là đủ. Điển hình là mỗi khi Apple chuyển sang một thiết kế mới cho iPhone, hàng loạt vấn đề xảy ra như mất sóng, dễ trầy xước,.. Sử dụng chung một thiết kế cho 2 đời iPhone là một cách để Apple hạn chế điều này nhưng rõ ràng là khó có thể nói họ đã thành công (từ 4 lên 4S vẫn dính lỗi). Nhìn qua lãnh vực CPU, chiến thuật Tick-Tock mà Intel sử dụng cứ 2 năm mới thay đổi kiến trúc một lần xen kẽ với việc giảm kích thước transistor nhưng hãng vẫn gặp khó khăn trong việc chạy theo lịch trình (Ivy Bridge trễ tới 6 tháng so với dự kiến dù chỉ là phiên bản "die shrink" của Sandy Bridge).
Đối với người tiêu dùng, ngay cả những sản phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng nhất cũng có thể bất ngờ trở nên lỗi thời. Và trong thời buổi khó khăn như hiện nay, ra mắt sản phẩm mới thì thế hệ cũ chắc chắn cũng sẽ rớt giá. Thử tưởng tượng bạn vừa sắm iPad 3 mới toanh chưa đầy một tháng thì iPad 4 lại bất ngờ xuất hiện với giá tương đương nhưng mạnh mẽ hơn rất nhiều. Chiếc iPad 3 của bạn thì rớt giá một cách thảm hại và gần như biến mất khỏi radar của giới công nghệ. Rõ ràng đó là một viễn cảnh mà không ai muốn rơi vào.
Lời kết
Dòng đời thiết bị di động đang bị thu ngắn lại là điều không thể phủ nhận và kéo theo đó là những ưu nhược điểm đối với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Vào thời điểm hiện tại, khi sắm một sản phẩm công nghệ chúng ta không chỉ xét về tính năng mà cũng nên đưa khả năng xuất hiện thế hệ tiếp theo của nó vào quá trình đánh giá. Dĩ nhiên, điều này chỉ có thể hạn chế chứ không bảo đảm rằng đó là sự lựa chọn tối ưu nhất về lâu dài. Mặt khác, chúng ta cũng nên hy vọng là các nhà sản xuất không vì lợi nhuận mà liên tục tung ra các sản phẩm mới mang đầy lỗi hay thiếu đột phá như thời gian gần đây.
terabyte@hdvietnam