Uchiha_Madara
Nghỉ hưu
Như một kẻ lạc lõng giữa thời đại, bước những bước lang thang mỏi mệt trên con đường nghệ thuật vô tận, một diễn viên hết thời muốn “tìm lại bầu trời”, tìm lại những thứ mình đã có, đồng thời lại mất đi những gì mình đang có. Birdman, một câu chuyện không hoàn hảo nhưng đầy day dứt với sự cuốn hút kỳ lạ khiến người xem khó dứt ra được.
Những khoảng trời riêng
Có những khoảng trời nhỏ thôi nhưng ai cũng muốn, khi ta lạc những bước chân rối bời trong thực tại, ta lại có những khoảng trời riêng để sống trong nó, ve vuốt những cơn đau, quên đi thực tại và vẽ ra một thế giới mà mình mong muốn. Gã diễn viên hết thời Riggan muốn gì? Hắn có niềm đam mê nghệ thuật ư, muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật, hay muốn đạt tới đỉnh cao với những vở kịch Broadway, không có? Riggan là một kẻ ích kỷ, bị chính thế giới xa xưa dồn ép và tạo ra một ám ảnh thường trực, một người chim luôn nhắc nhở những ham muốn cháy bỏng, ham muốn trở lại, ham muốn bước vào thế giới hào nhoáng ngoài kia, ham muốn được mọi người nhớ đến mình, để khi chết đi, báo chí sẽ in mặt mình trên trang đầu chứ không phải George Clooney.
“Nam nhi thỏa chí tang bồng”, “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, ai sinh ra mà chẳng muốn có gì lưu lại với hậu thế, kẻ nào bảo rằng không tham danh vọng là tự dối lòng, cũng vì cái sân si mà sinh ra bao đau khổ. Khổ hơn nữa là những người đã từng ở trên đỉnh vinh quang, cái quá khứ rực rỡ luôn dày vò tâm trí. Những kẻ đi tìm hào quang như những con người cô độc trên sa mạc, luôn hướng về phía mặt trời và bị thiêu đốt bởi ánh sáng nóng rẫy nhưng ma mị đó.
Riggan trong thực tại là một người không hẳn thất bại nhưng lại xa rời thực tế và mâu thuẩn với chính bản thân mình, vừa nhìn thấy sự thật vừa không muốn chấp nhận nó. Một con người đa nhân cách, sống với những huyễn hoặc và những tranh cãi với giọng nói trong đầu. Nhưng Riggan lại biết mình nên làm gì, nên làm như thế nào và hết mình để đưa mình hòa nhập lại với thế giới.
Những uẩn ức, những khát khao cộng với khí chất dị biệt và sức mạnh ảo mộng đã khiến cho Riggan có thể cháy hết mình trên sân khấu. Vở kịch "What we talk about when we talk about love" cũng mang một ẩn dụ nhất định, một cái tiêu đề quá hay mà có thể ứng với bất cứ thứ gì, chúng ta bàn về cái gì khi nói về tình yêu, chúng ta bàn về cái gì khi nói về Riggan, chúng ta bàn về cái gì khi nói về nghệ thuật, nói về nhân loại, về chính chúng ta.
Không phải chỉ mình Riggan có khoảng trời riêng, mỗi thực thể gắn liền với Riggan đều có khoảng trời riêng như thế. Sam với thế giới ảo mộng của một cô bé thiếu tình thương và quan tâm chăm sóc, một cô bé đang phải cai nghiện, nhìn đời bằng con mắt màu xám, vừa nổi loạn vừa mong manh. Hay như Mike Shiner, một gã diễn viên kỳ lạ với lối sống phóng khoáng, kiêu ngạo và bất cần, nhưng lại diễn xuất hết mình. Đó là Lesley yếu đuối, dễ bị tổn thương, nhưng luôn cháy bỏng một niềm đam mê được đứng trên sân khấu Broadway danh tiếng. Những khoảng trời riêng đó như xoay quay khoảng trời của Riggan, những khoảng trời không phải xanh ngắt dịu dàng mà mang màu xám xịt u tối. Cũng có khi những khoảng trời chạm nhau, như những tập hợp con giao nhau và tiến về những tập hợp rỗng.
Thực ảo mong manh
Một điều khác thường khi xem phim đó là chúng ta cảm nhận được hiện thực và ảo ảnh luôn đan xen, không phải chỉ là chuyện “gã người chim” sống với những ảo mộng mà còn là thực tế cuộc đời với những gì diễn ra trong phim. Điều đó tạo nên một sự hấp dẫn kỳ lạ với những liên tưởng không giới hạn, giữa thực tế, trên phim và gã người chim cuốn hút.
Michael Keaton, cách đây hai thập niên, từng được cả thế giới biết đến qua vai diễn “Người dơi” kinh điển trong loạt phim Batman của đạo diễn Tim Burton. Theo thời gian, danh tiếng đó dần rơi vào quên lãng khi Michael Keaton chẳng còn vai diễn nào đáng chú ý sau đó. Còn Batman của Tim Burton giờ đã được thay thế bởi bộ ba "Người Dơi" của Christopher Nolan. Hãy để họ diễn về cuộc đời họ, họ sẽ diễn xuất sắc hơn những gì chúng ta có thể nghĩ. Michael Keaton đã vào vai Riggan như chính con người mình ngoài đời thực.
Có lẽ nếu không phải là Keaton, sẽ chẳng có ai diễn tốt hơn vai Riggan, một con người với nội tâm phức tạp, biến đổi liên tục những cung bậc cảm xúc khác nhau. Những thay đổi tâm lý kỳ lạ nhưng hợp lý, nhất là đoạn đối thoại với cô con gái, hay đoạn đánh nhau với Shiner và cả đoạn cãi nhau với cô nhà báo. Mọi thứ được diễn tả một cách tốt nhất. Tuy nhiên, dường như vẫn còn thiếu một chút gì đó, chưa chạm được tới trái tim người xem, chưa thể rung lên nức nở, tất cả chỉ dừng ở sự dồn nén, dường như đạo diễn cố ý để mọi thứ dồn nén lại như vậy cho đến kết thúc phim.
Sân khấu là đời
Chúng ta vẫn hay thường nói với nhau rằng “cuộc đời này đâu phải là sân khấu, đâu cần phải diễn”, nhưng hằng ngày trong đời thực, ta luôn thấy xung quanh ai ai cũng ráng diễn những vai mà mình ưa thích, mấy ai sống thực với bản thân đâu.
Với Mike Shiner, sân khấu là cứu cánh, anh diễn cả đời nhưng chỉ trên sân khấu là sống thực với bản thân mình, âu cũng là một điều an ủi, vừa cảm thương vừa cay đắng. Một con người tài năng nhưng luôn khiến người khác ghét bỏ, một kẻ kiêu ngạo nhưng sâu sắc. Và cuộc gặp gỡ trên sân thượng với Sam là một trong những cảnh tượng đẹp đẽ nhất trong phim, khi những khoảng trời riêng giao nhau trong sự nồng nàn, dịu dàng và ấm áp.
Sân khấu còn là cuộc đời của Lesley, đến với sân khấu khi còn là cô gái trẻ với trái tim nồng ấm trên ngực, giờ đây khi mọi thứ đã chai sần mới được thỏa ước mơ được diễn cho mọi người xem. Là Laura với vai diễn trên sân khấu cũng chính là đời mình, khi cô nói về cái thai mình đang mang, về tình yêu chung thủy bất diệt, cả vai diễn và đời thực như nhập làm một.
Tìm lại bầu trời
Giấc mơ ám ảnh con người là được tung bay trong bầu trời lộng gió, ở nơi đó, có thể nhìn khắp thế gian, có thể cười khẩy vào thế giới trần tục, có thể thoát khỏi những đè nén thường ngày. Ước muốn của Riggan là giấc mơ được “bay cao”, và gã người chim là sản phẩm không thể hoàn hảo hơn. Như con đại bàng kiêu hãng tung bay, mặc kệ đám se sẻ run rẩy bên dưới.
Một bầu trời cao vút mà mình có thể hòa vào trong, từ trên nhìn xuống đám đông ô hợp. Một bầu trời mà chỉ có mình làm chủ. Riggan khao khát tìm lại bầu trời mà mình đã từng có thời sở hữu. Riggan muốn tìm lại bầu trời đó cho riêng mình và bằng vào vở kịch Broadway, còn nghệ thuật, đam mê, cống hiến chỉ là những thứ phù du, như khi ông thốt lên với cô nhà báo, “đó là sự nghiệp của tôi”, sự nghiệp chứ chẳng phải đam mê gì cả.
Tại sao Riggan lại bắn vào mũi của mình? Cái mũi chính là sự kết nối của ông và người chim, là biểu hiện của quá khứ đã qua, chính cái mũi người chim đã khiến cho Riggan khổ sở, dằn vặt, đau đớn. Để tìm lại bầu trời, phải đoạn tuyệt với quá khứ, nếu chỉ nhìn về những thứ đã qua đi, không bao giờ ta có thể thấy được những điều tươi đẹp phía trước.
Một cú máy, một câu chuyện
Điểm độc đáo nhất ở bộ phim mà ai cũng phải thán phục là cú “long take” thần thánh dài 119 phút của Emmanuel Lubezki (đoạt giải Oscar 2015 cho hạng mục “quay phim xuất sắc nhất”). Với ý tưởng dựng bộ phim thành một cú máy duy nhất liên tục, khiến cho người xem theo dõi liền mạch, cắt cảnh cực kỳ thông minh với những cú chuyển cảnh sáng tạo. Alejandro González Iñárritu quả là đạo diễn bậc thầy khi hiện thực hóa ý tưởng này vì cần phải dựng bối cảnh và dẫn dắt câu chuyện rất công phu, chi li và kỹ lưỡng.
Những cú máy kéo dài trong những hành lang thăm thẳm tăm tối, như cụ thể hóa cảm giác bối rối, bế tắc của Riggan. Những hàng lang vòng vèo, có cảm giác như dài vô tận, như chính con đường nghệ thuật mà ai cũng muốn theo đuổi. Những hành lang luôn là những cảnh chính trong phim, và đó luôn là điều ám ảnh nhất. Với cảnh hành lang vắng lặng dừng lại trong khoảng 30 giây đủ để mang đến cho người xem những nhìn nhận rõ ràng về đứng yên và chuyển động, về bắt đầu và kết thúc, về khát khao và tuyệt vọng.
Nghệ thuật và thời đại
Phim thể hiện một góc nhìn về nghệ thuật điện ảnh hiện tại, khi thế giới Hollywood đang sống nhờ những siêu anh hùng, “người thiếc” là một ví dụ rất sinh động về những bộ phim nhiều cháy nổ mà thiếu nghệ thuật. Tuy nhiên, sự đón nhận của công chúng với dạng phim là một điều không thể chối cãi và chính sự dễ dãi chiều lòng người xem đang làm giảm rất nhiều sự sáng tạo.
Thời đại đang thay đổi nhanh chóng và những kẻ đứng ngoài lề nó sẽ bị cơn lốc cuốn phăng. Không facebook, không twitter, không youtube, là không có gì cả. Phim đã gián tiếp cho chúng ta thấy sức mạnh của mạng xã hội, khả năng lan tỏa của nó mà có lẽ, sân khấu Broadway hay Hollwood cũng có điểm không bằng.
Kết
Tiếng trống dồn dập kéo dài đưa chúng ta vào câu chuyện gấp gáp, kịch tính và đầy bất ngờ. Một cái kết để ngỏ nhưng không khó để hiểu và nắm bắt. Có thể là loài chim cất lên tiếng hót hay nhất và lao vào bụi mận gai, hay là cánh chim phượng hoàng bất tử, tái sinh từ đống tro tàn. Birdman không đơn thuần là một bộ phim, nó là một câu chuyện đời mà thực và ảo đan xen nhau một cách kỳ diệu, đưa ta đến những góc khuất và những khoảng trời riêng kỳ lạ.
Những khoảng trời riêng
Có những khoảng trời nhỏ thôi nhưng ai cũng muốn, khi ta lạc những bước chân rối bời trong thực tại, ta lại có những khoảng trời riêng để sống trong nó, ve vuốt những cơn đau, quên đi thực tại và vẽ ra một thế giới mà mình mong muốn. Gã diễn viên hết thời Riggan muốn gì? Hắn có niềm đam mê nghệ thuật ư, muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật, hay muốn đạt tới đỉnh cao với những vở kịch Broadway, không có? Riggan là một kẻ ích kỷ, bị chính thế giới xa xưa dồn ép và tạo ra một ám ảnh thường trực, một người chim luôn nhắc nhở những ham muốn cháy bỏng, ham muốn trở lại, ham muốn bước vào thế giới hào nhoáng ngoài kia, ham muốn được mọi người nhớ đến mình, để khi chết đi, báo chí sẽ in mặt mình trên trang đầu chứ không phải George Clooney.

“Nam nhi thỏa chí tang bồng”, “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, ai sinh ra mà chẳng muốn có gì lưu lại với hậu thế, kẻ nào bảo rằng không tham danh vọng là tự dối lòng, cũng vì cái sân si mà sinh ra bao đau khổ. Khổ hơn nữa là những người đã từng ở trên đỉnh vinh quang, cái quá khứ rực rỡ luôn dày vò tâm trí. Những kẻ đi tìm hào quang như những con người cô độc trên sa mạc, luôn hướng về phía mặt trời và bị thiêu đốt bởi ánh sáng nóng rẫy nhưng ma mị đó.
Riggan trong thực tại là một người không hẳn thất bại nhưng lại xa rời thực tế và mâu thuẩn với chính bản thân mình, vừa nhìn thấy sự thật vừa không muốn chấp nhận nó. Một con người đa nhân cách, sống với những huyễn hoặc và những tranh cãi với giọng nói trong đầu. Nhưng Riggan lại biết mình nên làm gì, nên làm như thế nào và hết mình để đưa mình hòa nhập lại với thế giới.
Những uẩn ức, những khát khao cộng với khí chất dị biệt và sức mạnh ảo mộng đã khiến cho Riggan có thể cháy hết mình trên sân khấu. Vở kịch "What we talk about when we talk about love" cũng mang một ẩn dụ nhất định, một cái tiêu đề quá hay mà có thể ứng với bất cứ thứ gì, chúng ta bàn về cái gì khi nói về tình yêu, chúng ta bàn về cái gì khi nói về Riggan, chúng ta bàn về cái gì khi nói về nghệ thuật, nói về nhân loại, về chính chúng ta.
Không phải chỉ mình Riggan có khoảng trời riêng, mỗi thực thể gắn liền với Riggan đều có khoảng trời riêng như thế. Sam với thế giới ảo mộng của một cô bé thiếu tình thương và quan tâm chăm sóc, một cô bé đang phải cai nghiện, nhìn đời bằng con mắt màu xám, vừa nổi loạn vừa mong manh. Hay như Mike Shiner, một gã diễn viên kỳ lạ với lối sống phóng khoáng, kiêu ngạo và bất cần, nhưng lại diễn xuất hết mình. Đó là Lesley yếu đuối, dễ bị tổn thương, nhưng luôn cháy bỏng một niềm đam mê được đứng trên sân khấu Broadway danh tiếng. Những khoảng trời riêng đó như xoay quay khoảng trời của Riggan, những khoảng trời không phải xanh ngắt dịu dàng mà mang màu xám xịt u tối. Cũng có khi những khoảng trời chạm nhau, như những tập hợp con giao nhau và tiến về những tập hợp rỗng.
Thực ảo mong manh
Một điều khác thường khi xem phim đó là chúng ta cảm nhận được hiện thực và ảo ảnh luôn đan xen, không phải chỉ là chuyện “gã người chim” sống với những ảo mộng mà còn là thực tế cuộc đời với những gì diễn ra trong phim. Điều đó tạo nên một sự hấp dẫn kỳ lạ với những liên tưởng không giới hạn, giữa thực tế, trên phim và gã người chim cuốn hút.
Michael Keaton, cách đây hai thập niên, từng được cả thế giới biết đến qua vai diễn “Người dơi” kinh điển trong loạt phim Batman của đạo diễn Tim Burton. Theo thời gian, danh tiếng đó dần rơi vào quên lãng khi Michael Keaton chẳng còn vai diễn nào đáng chú ý sau đó. Còn Batman của Tim Burton giờ đã được thay thế bởi bộ ba "Người Dơi" của Christopher Nolan. Hãy để họ diễn về cuộc đời họ, họ sẽ diễn xuất sắc hơn những gì chúng ta có thể nghĩ. Michael Keaton đã vào vai Riggan như chính con người mình ngoài đời thực.
Có lẽ nếu không phải là Keaton, sẽ chẳng có ai diễn tốt hơn vai Riggan, một con người với nội tâm phức tạp, biến đổi liên tục những cung bậc cảm xúc khác nhau. Những thay đổi tâm lý kỳ lạ nhưng hợp lý, nhất là đoạn đối thoại với cô con gái, hay đoạn đánh nhau với Shiner và cả đoạn cãi nhau với cô nhà báo. Mọi thứ được diễn tả một cách tốt nhất. Tuy nhiên, dường như vẫn còn thiếu một chút gì đó, chưa chạm được tới trái tim người xem, chưa thể rung lên nức nở, tất cả chỉ dừng ở sự dồn nén, dường như đạo diễn cố ý để mọi thứ dồn nén lại như vậy cho đến kết thúc phim.
Sân khấu là đời
Chúng ta vẫn hay thường nói với nhau rằng “cuộc đời này đâu phải là sân khấu, đâu cần phải diễn”, nhưng hằng ngày trong đời thực, ta luôn thấy xung quanh ai ai cũng ráng diễn những vai mà mình ưa thích, mấy ai sống thực với bản thân đâu.
Với Mike Shiner, sân khấu là cứu cánh, anh diễn cả đời nhưng chỉ trên sân khấu là sống thực với bản thân mình, âu cũng là một điều an ủi, vừa cảm thương vừa cay đắng. Một con người tài năng nhưng luôn khiến người khác ghét bỏ, một kẻ kiêu ngạo nhưng sâu sắc. Và cuộc gặp gỡ trên sân thượng với Sam là một trong những cảnh tượng đẹp đẽ nhất trong phim, khi những khoảng trời riêng giao nhau trong sự nồng nàn, dịu dàng và ấm áp.
Sân khấu còn là cuộc đời của Lesley, đến với sân khấu khi còn là cô gái trẻ với trái tim nồng ấm trên ngực, giờ đây khi mọi thứ đã chai sần mới được thỏa ước mơ được diễn cho mọi người xem. Là Laura với vai diễn trên sân khấu cũng chính là đời mình, khi cô nói về cái thai mình đang mang, về tình yêu chung thủy bất diệt, cả vai diễn và đời thực như nhập làm một.
Tìm lại bầu trời
Giấc mơ ám ảnh con người là được tung bay trong bầu trời lộng gió, ở nơi đó, có thể nhìn khắp thế gian, có thể cười khẩy vào thế giới trần tục, có thể thoát khỏi những đè nén thường ngày. Ước muốn của Riggan là giấc mơ được “bay cao”, và gã người chim là sản phẩm không thể hoàn hảo hơn. Như con đại bàng kiêu hãng tung bay, mặc kệ đám se sẻ run rẩy bên dưới.
Một bầu trời cao vút mà mình có thể hòa vào trong, từ trên nhìn xuống đám đông ô hợp. Một bầu trời mà chỉ có mình làm chủ. Riggan khao khát tìm lại bầu trời mà mình đã từng có thời sở hữu. Riggan muốn tìm lại bầu trời đó cho riêng mình và bằng vào vở kịch Broadway, còn nghệ thuật, đam mê, cống hiến chỉ là những thứ phù du, như khi ông thốt lên với cô nhà báo, “đó là sự nghiệp của tôi”, sự nghiệp chứ chẳng phải đam mê gì cả.
Tại sao Riggan lại bắn vào mũi của mình? Cái mũi chính là sự kết nối của ông và người chim, là biểu hiện của quá khứ đã qua, chính cái mũi người chim đã khiến cho Riggan khổ sở, dằn vặt, đau đớn. Để tìm lại bầu trời, phải đoạn tuyệt với quá khứ, nếu chỉ nhìn về những thứ đã qua đi, không bao giờ ta có thể thấy được những điều tươi đẹp phía trước.
Một cú máy, một câu chuyện
Điểm độc đáo nhất ở bộ phim mà ai cũng phải thán phục là cú “long take” thần thánh dài 119 phút của Emmanuel Lubezki (đoạt giải Oscar 2015 cho hạng mục “quay phim xuất sắc nhất”). Với ý tưởng dựng bộ phim thành một cú máy duy nhất liên tục, khiến cho người xem theo dõi liền mạch, cắt cảnh cực kỳ thông minh với những cú chuyển cảnh sáng tạo. Alejandro González Iñárritu quả là đạo diễn bậc thầy khi hiện thực hóa ý tưởng này vì cần phải dựng bối cảnh và dẫn dắt câu chuyện rất công phu, chi li và kỹ lưỡng.
Những cú máy kéo dài trong những hành lang thăm thẳm tăm tối, như cụ thể hóa cảm giác bối rối, bế tắc của Riggan. Những hàng lang vòng vèo, có cảm giác như dài vô tận, như chính con đường nghệ thuật mà ai cũng muốn theo đuổi. Những hành lang luôn là những cảnh chính trong phim, và đó luôn là điều ám ảnh nhất. Với cảnh hành lang vắng lặng dừng lại trong khoảng 30 giây đủ để mang đến cho người xem những nhìn nhận rõ ràng về đứng yên và chuyển động, về bắt đầu và kết thúc, về khát khao và tuyệt vọng.
Nghệ thuật và thời đại
Phim thể hiện một góc nhìn về nghệ thuật điện ảnh hiện tại, khi thế giới Hollywood đang sống nhờ những siêu anh hùng, “người thiếc” là một ví dụ rất sinh động về những bộ phim nhiều cháy nổ mà thiếu nghệ thuật. Tuy nhiên, sự đón nhận của công chúng với dạng phim là một điều không thể chối cãi và chính sự dễ dãi chiều lòng người xem đang làm giảm rất nhiều sự sáng tạo.
Thời đại đang thay đổi nhanh chóng và những kẻ đứng ngoài lề nó sẽ bị cơn lốc cuốn phăng. Không facebook, không twitter, không youtube, là không có gì cả. Phim đã gián tiếp cho chúng ta thấy sức mạnh của mạng xã hội, khả năng lan tỏa của nó mà có lẽ, sân khấu Broadway hay Hollwood cũng có điểm không bằng.
Kết
Tiếng trống dồn dập kéo dài đưa chúng ta vào câu chuyện gấp gáp, kịch tính và đầy bất ngờ. Một cái kết để ngỏ nhưng không khó để hiểu và nắm bắt. Có thể là loài chim cất lên tiếng hót hay nhất và lao vào bụi mận gai, hay là cánh chim phượng hoàng bất tử, tái sinh từ đống tro tàn. Birdman không đơn thuần là một bộ phim, nó là một câu chuyện đời mà thực và ảo đan xen nhau một cách kỳ diệu, đưa ta đến những góc khuất và những khoảng trời riêng kỳ lạ.