Biên niên sử Hollywood - Bài 1: làn sóng phim kinh dị hiện đại đầu thiên niên kỉ

bacsinam

New Member
Biên niên sử Hollywood

Bài 1: Thiên niên kỉ mới và làn sóng phim kinh dị hiện đại


Nếu nhìn lại lịch sử phát triển của điện ảnh Mỹ, ta có thể thấy rõ rằng mặc dù Mỹ luôn được công nhận là nền điện ảnh phát triển đỉnh cao nhất, nhưng bản thân tiêu chuẩn cho giá trị này lại không phải là cái gì bất di bất dịch, mà ngược lại giá trị đó thay đổi liên tục theo từng thời kì tùy vào thị hiếu của khán giả và tình hình xã hội. Mỗi bộ phim Mỹ tùy theo từng thời kì sẽ có đặc điểm rất khác biệt nhau về mọi phương diện, từ chủ đề, kịch bản, dựng cảnh, âm nhạc và dĩ nhiên là kĩ xảo, thay đổi không ngừng, tiến bộ không ngừng. Một biểu hiện rất rõ cho sự thay đổi này là sự xuất hiện những làn sóng, trào lưu tiêu biểu độc đáo cho từng thời kì. Đó là sự ra đời hàng loạt những bộ phim có chủ đề ý tưởng tương tự nhau, cùng phong cách thực hiện và nhiều khi những hãng phim lớn xuất ra 2 bộ phim cùng một thời điểm có chủ đề tương đồng để giao chiến trực tiếp với nhau về doanh thu. Đó là trường hợp của dòng phim thảm họa vào năm 1997 với những phim như Volcano, Dante's peak, dòng phim về Zombie, về ma cà rồng hay dòng phim thần thoại... sau này. Tương tự nếu nhìn về quá khứ, ta sẽ bắt gặp những dòng phim theo phong trào như thế như dòng phim sử thi La mã cổ đại, dòng phim cowboy, phim về thế chiến thứ II, phim kinh dị máu me kiểu Ý, phim về người hùng solo hậu chiến Việtnam kiểu Rambo giải cứu tù binh, dòng phim Kungfu kiểu Mỹ với Seagal, Chuck norris, Vandame, dòng phim về cảnh sát... tương ứng cho từng thời kì, vào những thập niên 60, 70, 80.

Trong mỗi trào lưu như vậy, thông thường sẽ có 1 phim đầu tiên mang nhiều giá trị nhất, vì nó là một cái gì sáng tạo, mới lạ, một cuộc cách mạng đủ sức kéo sau nó cả một hàng dài những phim ăn theo. Sau đó tùy vào thị hiếu của khán giả và tài năng của đạo diễn mà một trào lưu có thể sống lâu hay không, kéo dài vài năm hoặc hơn.

Xin lưu ý, là cần phân biệt 1 trào lưu hay dòng phim với khái niệm filmography của một cá nhân đạo diễn hay một diễn viên. Phim do cùng 1 đạo diễn làm ra hẳn nhiên cùng 1 phong cách, ví dụ phim kinh dị trinh thám Hitchcock, phim Tony Scott... Phim hành động của Arnold schwarzenegger lúc nào cũng có hình tượng người hùng như thế như thế... Nhưng một dòng phim chỉ có điểm chung là ý tưởng, chủ đề; 1 diễn viên có thể tham gia cùng lúc nhiều dòng phim, như Clint Eastwood vừa là người hùng bạo lực thập niên 70, nhưng cũng làm những phim Tâm lý xã hội rất xúc động sau này.

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại lịch sử từ cận đại đến cổ xưa để khám phá ra những cột mốc thời gian - những dòng phim tiêu biểu cho từng thời kì, những phim có giá trị trong mỗi dòng. Điều này rất có ích cho những bạn cinephile trẻ tuổi để có thông tin tìm xem lại những phim có giá trị. Mỗi bài viết bacsi sẽ kể về 1 dòng phim, và không theo thứ tự thời gian.

----------------------------------------------------------------

Trong bài đầu tiên, bacsi sẽ kể về giai đoạn giao thời giữa hai thế kỉ, vào những năm 1999-2000. Đối với bacsi, giai đoạn này có rất nhiều ý nghĩa, trước hết vì nó bắt đầu thời kì cực thịnh của DVD ở VN, sau nữa vì lúc đó có nhiều thay đổi nhất trong lịch sử phim Mỹ. Ta ngủ dậy sau 1 đêm, và thấy phim ảnh không còn như trước nữa, tất cả hoàn toàn mới. Đó là cuộc cách mạng của phim hành động với phim Matrix, sự về hưu của hàng loạt người hùng cơ bắp và cuối cùng là sự khai sinh của dòng phim kinh dị mới mà ta sẽ đề cập tới trong bài này.

Đây là thời kì hoàng kim của dòng phim kinh dị mới, mang tính huyền bí, ma quái tại Hollywood, một thay đổi lớn về tư tưởng so với những phim kinh dị truyền thống của Mỹ xưa nay vốn chỉ dựa trên yếu tố bạo lực và máu me, với Zombie, ma cà rồng hay sát nhân biến thái. Trào lưu phim kinh dị mới mang tới nỗi sợ mới với nhiều màu sắc và chiều sâu tư tưởng. Yếu tố linh hồn vốn xuất xứ từ triết học Á Đông, xa lạ với văn hóa phương tây dần dần trở nên quen thuộc. Sự xuất hiện hàng loạt phim kinh dị có tư tưởng sâu sắc, gây cảm xúc, giàu tính nhân văn thực sự là một cuộc cách mạng không thua kém gì điều mà kĩ xảo trong phim Matrix đã làm với phim hành động.

Innocents1961.jpg


6240.jpg


Thực ra, chính người Mỹ đã khai sinh ra chủ đề linh hồn, những con ma... những phim cổ điển nhất như Innocents năm 1961 cũng từng làm khán giả rợn da gà, sau đó là phim The Ghost (1990) rất nổi tiếng và những tác phẩm của Stephen King thập niên 80 -90 cũng có chủ đề ma quái. tuy nhiên chúng chỉ là những phim đơn lẻ, chưa thực sự tạo ra cái mà ta gọi là phong trào phim ma.

Người thực sự tạo ra phong trào phim ma hồi những năm 2000 không phải là Mỹ, mà là điện ảnh Hàn quốc. Hàn Quốc là một trường hợp độc đáo, vì nền điện ảnh hiện đại của Hàn Quốc như ta thấy ngày hôm nay được xây dựng chủ yếu bằng những phim kinh dị đầy bản sắc và sáng tạo. Năm 1998-2005, phim kinh dị Hàn Quốc nở rộ chưa từng thấy, nhắc tới phim Hàn là chỉ có phim ma, những phim huyền thoại có thể kể như Whispering Corridor (1998), Memento Mori, Phone, Acacia, Bunshinsaba, Cello...

VietGiaiTri.Com-151340-1223347732.jpg


Nội dung những phim kinh dị này không chú trọng vào yếu tố máu me, bạo lực mà khai thác những mâu thuẫn và dục vọng thù hận của con người, với nhiều nội tâm nhân vật hơn, kịch tính, lời thoại, kết hợp nỗi sợ hãi và sự tò mò muốn giải đáp bí ẩn và kết cục bất ngờ, câu chuyện về người tham lam ích kỉ giết người, người chết đi hóa thành ma quay về trả thù... đó là ý tưởng bàng bạc màu sắc Á đông, với thuyết luân hồi, nhân quả báo ứng và mang nhiều giá trị nhân bản. Những con ma kiểu mới hù dọa khán giả bằng hiệu ứng hình ảnh, hóa trang, âm thanh... thực sự là món ăn ngon hơn gấp ngàn lần so với những gã khùng xách dao đi đâm chém thiên hạ, nên hấp dẫn khán giả phương tây. Cùng lúc đó, Nhật Bản cũng cho ra bộ phim lịch sử: Ringu (1998), làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của người Mỹ về phim kinh dị.

what_lies_beneath_large.jpg


Đó là những mồi lửa đầu tiên thổi bùng lòng nhiệt thành của các nhà làm phim Mỹ đối với thể loại mới này, họ lập tức bắt tay vào chế tác ra những phim kinh dị kiểu mới của riêng họ. Sự bắt đầu này khá muộn, vào năm 2000. Bộ phim đầu tiên là What Lies beneath, của đạo diễn Robert Zemeckis, một phim thriller khá chậm chạp nhưng rất rùng rợn với đầy đủ những chiêu nhát ma trong bồn tắm theo kiểu Hàn, câu chuyện về một phụ nữ có cảm giác căn nhà bị ma ám, cùng những mối nguy hiểm rình rập đâu đó, cuối cùng bà ta phát giác ra hồn ma đó chính là nạn nhân của người chồng của bà, một kẻ giết người máu lạnh mang bộ mặt giả dối.

nhưng phải chờ tới năm 2001, ta mới thấy quả ngọt đầu tiên của mùa phim kinh dị, đó là tác phẩm tuyệt vời The Others.

THE-OTHERS.jpg


Bộ phim thành công lớn, chúng ta đều biết rõ về nó. Diễn xuất tuyệt vời của Nicole Kidman, hiệu quả kì bí của ánh sáng, của âm nhạc, một bầu không khí rùng rợn bí hiểm trong căn nhà cổ kính. Bầu trời sụp đổ với kết cục bất ngờ vào cuối phim, một phim kinh dị kiểu mới hoàn hảo.

Sau thành công này, làn sóng mới bắt đầu định hình, mãnh liệt hơn. Chỉ trong năm 2002, có hàng loạt phim kinh dị mới ra đời. Trong số này phải kể tới:

ring.jpg


The Ring (Cái vòng bí ẩn), một bản remake từ bản phim gốc Ringu của Nhật, đạo diễn Gore Verbinski đã mang linh hồn của câu chuyện kinh dị Nhật vào xã hội Mỹ. Màu sắc âm u và câu chuyện rùng rợn về một cuốn băng video ma quái mà ai xem nó sẽ bị chết sau 7 ngày đã lôi cuốn người xem chưa từng thấy. Lần đầu tiên khán giả Mỹ bị mê hoặc với những con ma châu á da trắng bệch và tóc tai dài bê bết. Cho tới nay, đây có lẽ là phim remake tốt nhất về thể loại kinh dị, thành công của nó kéo theo những phim remake sau này, như The eye (của Thái), Dark Water, The grude (Ju-Oh) (của Nhật) nhưng chúng đều kém xa bản gốc về phẩm chất nghệ thuật và không dung hòa được giá trị tình cảm Đông và tây.

41l8S4jyEIL.jpg
5079dragonfly.jpg


Cùng lúc đó, có hai bộ phim độc đáo đáng chú ý là The Mothman Prophecies (Lời tiên tri của người bướm) và DragonFly (Dấu ấn chuồn chuồn). Mỗi phim đều có vẻ đẹp riêng, nhưng cùng một chủ đề, về mối liên hệ kì lạ giữa linh hồn sau khi chết và những người thân yêu còn sống. Bacsi đặc biệt thích phim Dragonfly vì nó là một câu chuyện xúc động về tình yêu, sự hi sinh và niềm hi vọng trên nền những bí ẩn siêu nhiên. Trong khi đó, The Mothman Prophecies thu hút khán giả bằng những tình tiết bí ẩn và nhiều màu sắc đen tối hơn. Hai bộ phim này là sự cố gắng rất lớn của người Mỹ để tạo cho mình một bản sắc trong dòng phim kinh dị mới này. Cho đến nay rất hiếm phim kinh dị nào của Mỹ có riêng một bản sắc như thế.

gothika,1.jpg


Từ sau năm 2002, phim kinh dị Mỹ rẽ ra hai hướng, một hướng đi đúng theo công thức của Hàn quốc, với những con ma, bí mật và tâm lí, một dòng khác theo con đường bạo lực máu me theo kiểu bạo dâm, thú tính (nó chỉ xuất hiện từ cuối năm 2004 sau khi dòng phim kinh dị tâm linh kiểu Hàn quốc đi vào thoái trào). Có vẻ như cả hai dòng phim đều gặp hạn chế về tài năng của biên kịch và đạo diễn. Tại hàn Quốc, sau thời hoàng kim thì những kịch bản kinh dị bắt đầu theo lối mòn, ít dần sáng tạo. Tương tự tại Mỹ, sau một thời gian loay hoay với những phim remake, dòng phim kinh dị tâm linh dần dần chấm dứt hẳn sau khi đã cho ra hàng loạt thử nghiệm như: Gothika (2003), Hide and seek (2004), Secret window, The village... Sau này có những phim rất khá như The mirror, Burn me to hell nhưng nói chung không vượt qua nổi chính mình.

Đó là câu chuyện về một dòng phim kinh dị kéo dài trong khoảng từ năm 2000 đến nay. Đáng nói ở đây là sự linh hoạt và tinh thần học hỏi cao của đện ảnh Mỹ. Đồng thời, ta thấy ngay cả trong một trào lưu cũng cần sự sáng tạo không ngừng nếu không chúng sẽ đi vào lối mòn và chết dần.

Xin tạm biệt các bạn.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

welldone

Well-Known Member
Ðề: Biên niên sử Hollywood - Bài 1: làn sóng phim kinh dị hiện đại đầu thiên niên kỉ

Với em thì em cũng rất thích xem các phim kinh dị tâm linh, nhưng dạo này đúng là chẳng thấy các film thuộc loại này nữa. Anyway, thanks bacsinam vì bài viết dày công. Thân
 

moivo

Member
Ðề: Biên niên sử Hollywood - Bài 1: làn sóng phim kinh dị hiện đại đầu thiên niên kỉ

Cảm ơn bacsinam về bài viết nhiều tâm huyết.
P/S: Mình nhớ trong giai đoạn mà bacsinam đề cập đến có phim The Sixth Sense (thể loại tương tự như The Others) rất hay mà chắc chắn rất nhiều ace ở đây đều đã từng xem :)
 

drcoi

Member
Ðề: Biên niên sử Hollywood - Bài 1: làn sóng phim kinh dị hiện đại đầu thiên niên kỉ

Hồi đó, em coi the sixth sense tại rạp lý chiến thắng xong mà trên đường về cứ thế sau gáy lạnh lạnh thế nào ấy.
 

bacsinam

New Member
Ðề: Biên niên sử Hollywood - Bài 1: làn sóng phim kinh dị hiện đại đầu thiên niên kỉ

Rất chính xác, phim The six sense làm năm 1999 cũng là một dạng kinh dị tâm linh, nhưng có vẻ như nó mang dấu ấn cá nhân của M. Night Shyamalan chứ không chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng phim châu Á. Sau này M. Night Shyamalan cũng làm nhiều phim khác rất sáng tạo theo chủ đề này.
Trong vòng 3 năm từ 2000-2003 dòng phim kinh dị tâm linh ào ạt xuất hiện, chỉ trong năm 2002 đã có 3 phim, mà Mothman và Dragonfly là 2 tác phẩm cùng chủ đề cạnh tranh với nhau trực tiếp.
Dòng phim kinh dị tâm linh Hàn quốc và Nhật có công thức như sau:
- Kết hợp yếu tố kinh dị và yếu tố trinh thám (thriller, horror, mystery) gây sợ hãi + tò mò, kết thúc thường bất ngờ. Có thêm 1 chút tình cảm lãng mạn. ( Hoàn toàn khác với dòng phim kinh dị truyền thống chỉ có yếu tố kinh dị)
- Có linh hồn, ma quỉ được vật chất hóa: nhìn thấy được, sờ mó được; trong đó người sống giao tiếp được với ma (nhìn thấy ma, chung sống, thậm chí yêu 1 con ma mà không hay biết).
- Có yếu tố thù hận và nhân quả (hồn ma trả thù, kẻ ác bị trả giá)

Có thể nói nếu không có dòng phim này thì phim Hàn Quốc không bao giờ có được sự nổi tiếng như ngày nay.

(Mỗi dân tộc có 1 dòng phim riêng tạo bản sắc cho mình, Việt nam cũng có dòng phim tâm lý thời chiến tranh, Nhật có dòng phim về Samurai. Có thể người Hàn quốc thích nghe kể chuyện ma về đêm chăng ?)
 

Lioncoeur

New Member
Ðề: Biên niên sử Hollywood - Bài 1: làn sóng phim kinh dị hiện đại đầu thiên niên kỉ

Ông ChiMai ăn no rửng mỡ ko có việc gì làm hả? Bới móc đào mộ hết topic này đến topic kia.
 

ChiMai

New Member
Re: Ðề: Biên niên sử Hollywood - Bài 1: làn sóng phim kinh dị hiện đại đầu thiên niên kỉ

Mình chỉ tò mò thôi. Nhưng bài viết rất hay, thật đấy. Xin bạn đừng nóng giận.:)
 
Chỉnh sửa lần cuối:

50centvn1234

New Member
Ðề: Biên niên sử Hollywood - Bài 1: làn sóng phim kinh dị hiện đại đầu thiên niên kỉ

thank, bài viết quá hay
 
Bên trên