Bài 4: Những dòng suối tìm đường ra biển

lengockhanhi

Film critic
Bài này nằm trong loạt 7 bài về thú chơi phim ảnh của khán giả Việt Nam

Trong bài số 4 này Nhi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện về những người chơi phim tiên phong trong thập niên 80-90.

Mùa hè năm 1994 Nhi đã lần đầu chứng kiến phòng xem phim tại nhà một người bạn học cùng lớp. Nhà nó trên đường Lý Tự Trọng gần lớp học thêm của Nhi. Mỗi khi tan học, Nhi hay ngồi với nó để nghiền ngẫm những dĩa Laser nhạc Abba hay những băng MTV mới nhất... Nhà nó có một TV Panasonic 34", dàn máy móc khá đồ sộ gồm 3 đầu máy VHS, một đầu dĩa Laser và 1 bộ loa, ampli Kenwood. Lúc đó Nhi cứ tưởng chỉ có nhà giàu mới chơi kiểu như thế. Nhưng sau này khi lên lớp 11 Nhi lại có dịp làm quen với phòng xem phim của thầy giáo chủ nhiệm trong lớp, cũng tương tự như vậy, lúc đó Nhi mới hiểu rằng không phải tiền bạc có ý nghĩa quyết định, mà là sự đam mê. Tương tự, hàng xóm có một anh thợ hớt tóc, anh ta cũng sở hữu một phòng Home cinéma rất ấn tượng với cái TV màn hình to tổ bố.

Ngày trước người Việt Nam ta có thói quen bày trí gian nhà chính với tất cả những gì đẹp nhất, mà kiến trúc nhà mặt tiền thì bước chân vào là thấy ngay phòng khách. Chủ nhà thường sử dụng một tủ gỗ mỹ nghệ sang trọng, và trên đó có tất cả máy móc, như một thông điệp tự hào về tài sản gia đình, thành quả lao động của gia chủ.
Một số dân chơi videophile khác lại không thích khoe của như thế, trừ khi căn nhà chỉ có một phòng. Phòng xem phim của những người này thường thiết kế rất khoa học, tương quan giữa vị trí ngồi hay nằm xem phim và hệ thống loa, kệ TV phải tối ưu.

Khi có sự đam mê thì dù với đồng lương bèo cỡ nào người ta cũng có thể thực hiện được phòng xem phim. Mà người Việt Nam cũng khéo xoay sở lắm, hàng nội địa của Nhật rất dễ mua, chỉ cần kiên nhẫn và khôn khéo một chút bạn sẽ có trong tay những máy móc cầu kì và phức tạp đến không ngờ.


Đầu tiên, hãy tăng kích cỡ màn hình TV lên ! đây là mơ ước muôn thuở của bất cứ dân chơi phim nào. Ngay từ buổi sơ khai của công nghệ TV, những chiếc TV đen trắng cũng như màu kích thước khủng luôn được chào đón nồng nhiệt. Vào thập niên 50, ai sở hữu một TV 25-29 inches đã là siêu cấp lắm rồi. Những chiếc TV màn hình lớn hơn, khẳng 50 cho tới 100 inches bắt buộc phải chuyển sang công nghệ đèn chiếu. Dân videophile tại VN chưa bao giờ hài lòng với những cái TV 14-21 inches, thiệt đó, Nhi thấy những người đã mua đầu máy VCR xịn, đầu dĩa Laser thì ai cũng xem phim bằng TV ít nhất cũng phải 29 inches trở lên, nếu không muốn nói là TV Projection khổng lồ.

Từ thập niên 70 đã có những chiếc TV dùng 3 bóng đèn màu riêng biệt và hệ thống thấu kính để cho ra kích thước hình ảnh khổng lồ trên 50 inches, nguyên mẫu của loại TV này có tên là Videobeam Advent.

videobeam_aqua_144.jpg


Hình: Ngay từ đầu thập niên 70 người ta đã có tham vọng chế ra những máy chiếu để xem TV với màn hình khổng lồ. Trong hình là Model VideoBeam, một máy chiếu sử dụng 3 bóng đèn hình CRT đơn sắc, chiếu lên màn ảnh đặc biệt có tráng hoá chất để tăng độ sáng.

7153023585_da8d549537.jpg

Hình: Đây là một nguyên mẫu trong mơ của Hãng General Electric: thiết bị giải trí tích hợp, cuối thập niên 70, bao gồm 1 màn hình TV projection kích thước khổng lồ nối với dàn loa stéréo và 1 đầu máy VCR phát băng VHS.

7153023835_269cc614f2.jpg

Hình: TV Sony và 3 sản phẩm tiêu biểu dành cho dân chơi phim, tùy theo túi tiền của họ: TV rear Projection kích thước 50", TV CRT 34" và TV CRT 29".

Chuyên nghiệp hơn nữa, ta có thế hệ máy chiếu CRT sử dụng 3 bóng đèn hình riêng biệt màu đỏ, lục và lam cho phép phóng hình ảnh video từ 100-300 inches. Các bạn 8x chắc còn nhớ lại những buổi xem phim rạp ở tuổi thơ của mình, cho tới năm 1992 phim nhựa vô cùng khan hiếm, những rạp chiếu phim đều sử dụng loại máy chiếu CRT này để phục vụ khán giả. Lần đầu Nhi xem phim bằng loại máy này là năm Nhi học lớp 2, khoảng năm 1988 –khi đó rạp thường quảng cáo là : « máy chiếu laser 300 inches ». Thực chất đây là trò lừa gạt khán giả, vì máy chiếu này không sử dụng tia laser gì cả, mà thực chất chỉ là 3 bóng đèn hình màu, từ Laser là do hiểu nhầm, có lẽ ban đầu đúng là người ta sử dụng dĩa Laser để chiếu 1 vài phim Mỹ nào đó, sau đó họ chuyển qua xài băng VHS hết trơn, hình ảnh mờ ảo nhòe nhoẹt xấu xí không thể tưởng.

7153023947_7764944400.jpg

Hình: Đây là một máy chiếu CRT sử dụng 3 ống kính với 3 màu cơ bản. Trước khi có những Video Projector LCD hay DLP như hiện nay, máy chiếu CRT là lựa chọn tối ưu cho phòng xem phim tại gia. Các bạn đừng xem thường loại máy này, vì độ bền của chúng rất đáng nể, và ngày nay độ phân giải của chúng cũng là Full HD đấy !

7153024005_fb81a6b138.jpg


Hình: Đây là hình ảnh phóng ra từ một máy chiếu CRT hiệu Sony thuộc thế hệ cổ xưa, bây giờ so với những máy chiếu DLP thì đây chỉ là trò chơi, nhưng nó từng là tiêu chuẩn của rạp cinéma tại Việt Nam trong gần 10 năm đấy các bạn.

Có lẽ chỉ những người rất giàu có mới sắm được cho mình 1 máy chiếu kiểu này để xài trong nhà. Năm 1995 gì đó Nhi nhớ có vài tiệm cho thuê băng trên đường Nguyễn Trãi Quận 5 chơi sang gắn máy chiếu và màn hình 100 inches để chiếu phim quảng cáo dụ dỗ khách vào xem. Phòng chiếu thực sự đẳng cấp, âm thanh nổi nữa chứ. Đáng tiếc là 1 ngày đẹp trời Nhi đi ngang qua thấy ông chủ tiệm mặt méo xẹo đang đứng xun xoe bên cạnh mấy chú công an, dưới đất là cả một đống băng video « đồi trụy » đang bị kiểm kê… Không biết cái máy chiếu có bị tịch biên luôn không ?

Sau khi có TV khổng lồ, bạn cần phải kiếm nguồn phim thật xịn...

Vào thập niên 80-90 nguồn phim chất lượng cao nhất trên giang hồ chính là dĩa Laser. Không phải ai cũng có may mắn xem phim bằng dĩa Laser trong đời. Loại dĩa này thực ra cùng tuổi với băng VHS (dĩa laser được phát minh năm 1978, hoàn thiện năm 1988) và luôn tồn tại song song với băng VHS như một cuộc so tài về công nghệ. Có thể hiểu nôm na, dĩa Laser là dành cho giới quí tộc giàu sang còn băng Video cassette dành cho giới bình dân. Những cái dĩa bự khổng lồ (đường kính 30 cm) này chỉ phổ biến ở Nhật và Mỹ, nên sự có mặt của nó tại Việt Nam đã là một kì tích vì nước VN khi đó còn nghèo lắm.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng hình ảnh chứa trên dĩa Laser thực ra 100% là tín hiệu analogue tuyến tính, không phải hình ảnh kỹ thuật số. Nhưng tín hiệu này so với băng từ có độ tinh khiết hơn rất nhiều.

7006932766_6d3e0ffe4c_z.jpg



7006979678_1845d571d3.jpg

Hình: Đây là một đầu dĩa Laser hiệu Pioneer vào thập niên 90, dĩa Laser có kích thước khổng lồ là 30 cm, quá to lớn so với DVD (góc trên) như bạn thấy, thật đáng sợ phải không ? Bạn sẽ còn sợ hơn nữa khi biết rằng dĩa Laser không phải lưu trữ dữ liệu kiểu Bit và Byte đâu, mà là tín hiệu analogic 100% đấy.

7153023429_d448785d74_z.jpg

Hình: So sánh hình ảnh analogic hệ NTSC của dĩa Laser (bên trái) và hình ảnh kỹ thuật số NTSC của dĩa DVD (bên phải). Dĩa DVD rõ ràng cho hình ảnh sắc nét và sáng hơn, nhưng màu sắc DVD rất giả tạo. Cho đến ngày nay vẫn còn trường phái videophile cho rằng dĩa Laser mới thực sự là đỉnh cao phim ảnh, chứ không phải dĩa DVD.

Tất cả những bản phim đẹp nhất (băng F1 VHS) mà chúng ta xem trong thập niên 90 đều có nguồn gốc từ Laser disc. Trong số này dân cinéphime không dễ gì quên được những cái tên như Terminator 2, Die Hard, Aliens, Indiana Jones với phim Mỹ, và bộ Kung Fu Lý Liên Kiệt đối với phim Hong Kong. Nếu trên băng copy mà hình còn đẹp như vậy, thì dĩa gốc còn tuyệt vời đến mức nào ? Câu trả lời phải thấy tận mắt : Nhi từng bị ấn tượng đến choáng váng khi một lần nọ tình cờ xem người ta chiếu thử 1 dĩa Laser Disc phim Con air bằng máy chiếu CRT lên một màn hình 100 inches trong một tiệm dĩa tại quận 5. Một lần khác, Nhi được xem phim Terminator 2 bằng dĩa Laser cũng trong một showroom, âm thanh được truyền qua receiver Yamaha và dàn loa JBL, cảm giác đó đủ làm bạn ngưng thở. Giới vidéophile Sài Gòn chuyền tay nhau những dĩa phim khổng lồ như thế để phê với The Rock của Micheal Bay, hay Titanic của James Cameron…

7006934992_2437f01b8f.jpg

Hình: Đầu dĩa Laser thế hệ cũ, đây là thiết bị đã góp phần mang lại phim ảnh chất lượng cao trên băng VHS trên mọi miền đất nước vào thập niên 90

Dù dĩa Laser đắt tiền và bất tiện, nhưng các tựa phim của nó ở Việt Nam lại nhiều hơn các bạn tưởng. Để dễ hình dung, các bạn hãy nhớ lại khi xem băng VHS hồi nhỏ. Bạn thường xuyên thấy thông báo FBI Warning, Logo của Laservision, MCA hay THX ở phần đầu phim, chứng tỏ băng được sang từ Laser disc ra đấy. Có lẽ nguồn LD này tập trung trong tay các trùm băng dĩa lậu. Nhưng nếu nhà ai có sắm đầu LD thì họ cũng có vài cái LD cất trong tủ đấy,


7006979802_52b8f8298e.jpg
7153070515_de8db66f30.jpg


Hình: Đây là 1 cái dĩa Laser phim: Hoàng Phi Hồng 2: nam Nhi đương tự cường, và dĩa Laser của siêu phẩm huyền thoại T2 vào năm 1993. Tại VN đa số băng VHS chất lượng cao đều copy lại từ dĩa Laser. Hình ảnh của loại băng này ăn đứt VCD, thậm chí ngang ngửa với DVD sau này.

Điều tuyệt vời nhất ở dĩa Laser là âm thanh có chất lượng rất cao, từ PCM chuẩn Audio CD cho đến âm thanh AC3 Dolby 5.1, thậm chí DTS ! Chính vì vậy ngay từ giữa thập niên 90 nếu bạn có một túi tiền khá, bạn đã có thể sắm 1 receiver và dàn loa để nghe được âm thanh Surround như rạp hát từ dĩa Laser.


7153024381_dda7d1a90b.jpg

Hình: Việc xem phim với dàn loa khủng không phải chỉ mới có ngày hôm qua, mà ngay từ thập niên 80 dân chơi phim đã biết kết hợp đầu máy VCR hay LD và receiver cộng với dàn loa. Trong hình là 1 Model AV Stereo receiver hiệu Yamaha.

7006934788_3371827426.jpg


Hình: Niềm mơ ước của các gia đình Vidéophile: Đầu Laser disc kết hợp DVD player và có cả chức năng Karaoke. Nhi từng thấy những cái đầu máy loại này chất thành đống ở các tiệm bán đồ second hand tại TP. HCM.

7006934858_221b150959_z.jpg


Đây là hình ảnh thường thấy trong nhà của dân chơi phim chuyên nghiệp thập niên 80 tại TP. HCM, như đã nói, họ kết hợp nhuần nhuyễn giữa Nguồn phát và Audio Receiver, cá biệt có cả loa sub woofer và loa dàn 5.1

Nếu bạn tiếc tiền sắm đầu dĩa Laser, bạn vẫn có thể là dân chơi phim với băng VHS. Bản thân thú chơi phim băng video VHS cũng có nhiều công phu. Một cuộn băng tốt dĩ nhiên quan trọng, nhưng nó sẽ kéo theo nhu cầu về đầu máy VCR cũng phải thuộc loại Hi-Fi. Loại đầu máy thường được dân videophile sử dụng nhất là những đầu máy nội địa của Nhật, 4 head, HQ, Hifi...

7153024949_5c1e92eb8f_z.jpg

Hình: Một đầu máy Vidéo VHS thuộc loại H-end của Mitsubishi, cái này không phải dành cho những bà nội trợ xem phim TVB đâu nhé.

Nếu nhìn qua VCR của mấy dân chơi này bạn sẽ ngạc nhiên vì ngoài kích thước khủng, mức độ cầu kì phức tạp của thiết bị analogue vượt ra ngoài sức tưởng tượng, các chức năng tinh chỉnh về âm thanh, hình ảnh, nhiều cổng kết nối (S-Video, Composite), tracking … Như thế vẫn chưa đủ, vì dân videophile đều có nhu cầu sưu tập phim, họ luôn sử dụng 2 đầu VCR riêng biệt, một đầu chuyên phát, và một cái khác chuyên thu, cái nào cũng phải loại đỉnh cao chất luợng, vì ai cũng biết là băng video cassette, nhất là băng VHS thì chất lượng hình ảnh sẽ giảm dần theo số lần copy. Lúc mới chơi băng VHS, Nhi cũng từng nhiều lần hưởng sái từ bạn bè khi gia đình họ chơi phim chuyên nghiệp theo kiểu này. Mua một cuộn băng trắng, nhờ copy giùm 1 phim nào đó từ Laser disc ra, họ luôn sẵn lòng giúp đỡ Nhi.

7153025421_ae65d70fb3_z.jpg

Hình: Mức độ phức tạp của thiết bị Analogic có thể đến mức như thế này đây. Đầu VCR VHS của JVC, HI-FI, đa hệ, nhiều tốc độ, với chức năng tinh chỉnh âm thanh và hình ảnh, đánh dấu băng... hoàn hảo

7153025293_c9c7514051_z.jpg

Hình: Thậm chí nó còn có cả một Module điều khiển từ xa với màn hình LCD...

7153024835_0d3604ce5c_z.jpg

Hình: Dân chơi Vidéo luôn sử dụng 2 đầu VHS, thu và phát. Nếu bạn thấy một cái máy HI-FI kiểu này trong nhà ai, có thể khẳng định chắc chắn họ là một dân chơi phim thứ thiệt.

Để tiết kiệm băng, đa số dân chơi phim lựa chọn tốc độ thu Long Play (LP), một cuộn băng vì thế có thể chứa từ 3-4 phim Mỹ. Như vậy những năm 90 nếu bạn thấy trong nhà ai đó có những cuốn băng kiểu : Robocop toàn tập hay Cô Gái Đồ Long trọn bộ thì đừng quá ngạc nhiên.

Tóm lại, nếu bạn sống qua đủ các thời kì công nghệ, bạn sẽ nhận ra rằng thú chơi phim ảnh luôn tồn tại ở nước Việt Nam, niềm đam mê không bao giờ bị mất đi, cũng không tự sinh ra, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Niềm đam mê phim ảnh trải dài suốt 30 năm nay, như một dòng chảy bất tận. Không phải chỉ có ở thời nay ta mới tự hào mình là người biết chơi phim, vì ta có TV Plasma Kuro, máy chiếu Full HD và đầu HD, đầu Bluray. Ta chỉ là những con sóng nhỏ giữa đại dương. Những thế hệ trước cũng chơi phim theo cách của họ, cầu kì, độc đáo, khác người... Chính cha, mẹ, anh chị của chúng ta là những con sông con suối đầu tiên tìm đường ra biển.

Cũng giống như các loài cây nhỏ bé luôn muốn vươn mình lên cao nhất có thể giữa rừng sâu để hưởng nhiều ánh nắng hơn, những tay chơi vidéophile luôn tìm tòi bằng mọi cách để thóa mãn đam mê phim ảnh của mình. Thật vậy, dù ở thời đại nào thì dân vidéophile cũng có hướng đi khác hẳn so với cộng đồng, sử dụng những máy móc tân kì nhất và cầu toàn về nguồn phim. Họ cũng những là những người có thú sưu tập phim.
 

nemesisgau

New Member
Ðề: Bài 4: Những dòng suối tìm đường ra biển

đọc bài này được mở mang hiểu biết về thú chơi phim từ thời còn khó khăn. Đọc đến cái đĩa Laser mà phát hoảng, đường kính tới 30cm và lưu trữ dữ liệu kiểu analog 100% :(( đến giờ mới biết những năm đầu 90 nhà mình có cái đầu VHS, ti vi 29 inch của Panasonic và dàn Pioneer vẫn còn là chạy dài sau thời đại
 

hungpleiku

BĐH HD Gia Lai
Ðề: Bài 4: Những dòng suối tìm đường ra biển

Cám ơn bạn Nhi đã cho mọi người một cái nhìn khá đầy đủ của dân chơi phim VN qua các thời kỳ công nghệ, nhưng bạn không nhắc đến băng S-VHS, một băng S-VHS thu từ souce là laserdisc phát qua 1 đầu máy S-VHS được kết nối bằng cáp S-Video với tivi 25" trở lên, cho chất lượng vượt trội với băng VHS, thậm chí còn đẹp hơn cả DVD đấy. Đấy là một lựa chọn cho dân chơi phim khi không có đủ tiền chơi laserdisc trong giai đoạn này.
 
Bên trên