terabyte
Banned
[video=youtube;52Gjl63OY7Y]http://www.youtube.com/watch?v=52Gjl63OY7Y[/video]
Với sự góp mặt của Hoài Linh cùng nhiều diễn viên hài gạo cội khác, "Năm sau con lại về" vẫn khiến Tera cười lăn lộn từ đầu đến cuối phim. Ngặt nỗi ngoài chọc cười với những tình tiết "nhảm đến khiếp đảm", phần còn lại của phim là một mớ bấy nhầy mà chẳng rõ tác giả kịch bản có học qua những căn bản về tập làm văn thời tiểu học hay không nữa.
"Để giữ thể diện cho con trai mình trước cô vợ Việt kiều trong chuyến về thăm quê hương, ông bà Lương với sự giúp đỡ của ông Sáu xe ôm đã bày ra màn kịch "trúng số độc đắc", trở thành đôi vợ chồng giàu có. Trớ trêu thay, đôi vợ chồng già hằng ngày phải đối diện với bao tình huống dở khóc dở cười do chính mình tạo ra. Sự lúng túng, vụng về của họ khiến cô con dâu nghi ngờ và bắt đầu điều tra. Mọi chuyện vỡ lỡ, trước đám đông, cô thật lòng hối lỗi. Từ một người hời hợt vô tâm, cô đã biết thế nào là đạo lý làm con phải hiếu kính với bậc sinh thành. Và cô hứa với cha mẹ chồng rằng "Năm sau con lại về", không phải để làm khách mà làm bổn phận con dâu trong gia đình. Phim đề cao tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái thông qua những tình huống bi hài đan xen, tạo nên nhiều cảm xúc cho khán giả."- trích nguyên văn đoạn giới thiệu tại Galaxy Cinema.
"Không gì có thể so sánh được tình yêu thương con cái của bậc làm cha mẹ. Tình yêu thương ấy thuyết phục người hàng xóm tốt bụng lấp liếm về hoàn cảnh thật của họ. Tình yêu thương ấy lay động đến cả những con người trước nay chỉ biết đến tiền bạc và bạo lực. Tất cả chỉ vì kế hoạch mang đến cho con một hạnh phúc bất ngờ." - trích nguyên văn đoạn giới thiệu tại CGV (trước đây là Megastar).

So với bộ phim gần đây nhất mà mình vừa review có sự góp mặt của Hoài Linh là "Đại náo học đường", lần này các đoạn giới thiệu từ rạp... có một sự tiến bộ rất nhẹ. Nếu như "Đại náo học đường" là 0 điểm vì lạc đề, thì "Năm sau con lại về" chắc được cô giáo nương tay chỉ trừ điểm "thiếu ý" thôi. Cơ mà với nội dung bấy nhầy đến mức không đỡ được như thế này, còn điểm để trừ hay không lại là một vấn đề khác. Thế nhưng cũng khá khen cho câu cuối trong đoạn giới thiệu của Galaxy: "Phim đề cao tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái thông qua những tình huống bi hài đan xen, tạo nên nhiều cảm xúc cho khán giả". Nếu là người từng kinh qua nhiều phim Việt Nam, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra được đây là điềm báo của một thảm họa về nội dung. Gì chứ "bi hài đan xen" thì đừng trách sao cảm xúc khán giả không bấy nhầy.
Trước hết, phải khẳng định rằng kịch bản của "Năm sau con lại về" là siêu nhảm. Cơ mà thôi, thẳng ra kiếm được cái phim Việt Nam mà không nhảm thì chẳng khác gì là "Nhiệm vụ bất khả thi" mà vắng mặt tài tử Tom Cruise. Và công bằng mà nói, Tera cũng không có thành khiến gì về phong cách này của phim Việt. Từ "Đại náo học đường", "Tèo Em", nói chung cả 2 đều có những đoạn rất ư là khó đỡ nhưng chí ít kết cấu kịch bản vẫn khá. Còn đối với "Năm sau con lại về", nội dung của nó là một mớ bấy nhầy mà chắc bất kỳ thầy cô dạy văn nào cũng phải khóc thét lên khi xem.
Lần trước khi xem "Đại náo học đường", Tera đã đề cập đến việc kịch bản của nó chả khác gì học sinh cấp 2 viết, thêm tình tiết một cách rất ngẫu hứng chả chả theo cái dàn bài nào hết. Ngặt nỗi lần này dù các rạp có một sự tiến bộ nhẹ trong phần giới thiệu, kịch bản của "Năm sau con lại về" có một sự thụt lùi rất ư là không hề nhẹ. Hổng phải nói quá chứ cái này chắc cỡ học sinh cấp 1 viết thôi, cơ mà tình hình như vầy muốn thi chuyển cấp lên thì cũng hơi khó vì chắc bị... môn văn kéo lại. Một bộ phim lẻ thời lượng chỉ có 1 giờ 35 phút, tuy nhiên không hiểu tác giả kịch bản nghĩ gì mà nhét ít nhất là 5 tuyến nhân vật vào cùng một lúc như phim truyền hình vài trăm tập của Đài Loan. Chẳng những vậy, các tình tiết liên quan được giới thiệu như là... bỏ bom khán giả vậy, không đầu không đuôi gì hết sất. Đùng một phát trúng số, đùng một phát gái bỏ, rồi cũng đùng một phát tán gia bại sản. Quái đản hơn nữa là đoạn đầu vào... chả có ăn nhằm gì với nội dung chính, cứ như là được ghép vào nhá hàng chơi cho vui vậy thôi. Trong toàn bộ phim, đoạn mà Tera cảm thấy thích nhất chính là lúc hai mẹ con bác Sáu hát cải lương với nhau, rất tự nhiên và đem lại cảm giác ấm lòng cho người xem. Cơ mà xin nhắc lại một lần nữa, nó cũng chả ăn nhằm gì hết sất với nội dung chính của "Năm sau con lại về", Tera nghi là chỉ nhét vào để khoe... Hoài Linh có thể hát cải lương.

Tuy nhiên, điểm tồi tệ nhất của "Năm sau con lại về" chính là cách xây dựng nhân vật, nhạt nhòa và không có một chút ấn tượng nào để lại trong lòng khán giả trừ... những trò chọc cười nhảm. Cá tính nhân vật không rõ ràng, lúc tinh quái nhưng lúc lại dở hơi một cách bất ngờ, chằng ra đâu vào đâu cả. Kinh hoàng nhất chính là anh Hoài Linh nhà ta, nhân vật chính nên tuyến nhân vật đặc biệt bấy nhầy hơn tất cả phần còn lại (hay phần còn lại nhạt hòa quá nên anh ấy mới nổi bật cũng không phải là cách giải thích tồi). Vấn đề còn tồi tệ hơn khi dù biết Hoài Linh là diễn viên nổi bật nhất trong ê-kíp làm phim nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc chú trọng quá vào nhân vật bác Sáu để rồi trọng tâm lệch xa cả dặm so với tựa phim. Kịch bản hổng lỗ chỗ với một số nhân vật bị... bỏ quên vào cuối phim, để lại trong Tera và chắc hẳn là không ít người đã xem những câu hỏi mà chẳng bao giờ có lời giải đáp.

Điểm sáng duy nhất của bộ phim thảm họa này có lẽ là các tình huống hài hước vốn là đặc sản của phim có Hoài Linh thủ vai vẫn khiến các giả cười nghiêng ngả. Và phải công nhận rằng độ bựa của nó ở một đẳng cấp hoàn toàn khác so với các bộ phim còn lại, cái hày thì ưu hay nhược thì tùy vào quan điểm của mỗi người. Đối với Tera, nó cũng không đến nỗi nào.
Tóm lại, "Năm sau con lại về" là một mớ bấy nhầy với những tình tiết bất ngờ nhưng chẳng hề thú vị, nếu không muốn nói là gây bực mình cho khán giả. Trừ khi bạn chỉ muốn vô rạp ngồi cười, khó có thể tìm một lý do hợp lý nào để bỏ tiền ra xem phim này. Cơ mà có một câu hỏi mà từ khi ra rạp đến giờ vẫn khiến Tera cảm thấy bứt rứt, giá vé "Năm sau con lại về" cao hơn 5.000 so với thường ngày. Vậy phải chăng các rạp xem nó là phim... bom tấn Việt Nam?