![]() Trong bài viết Công nghệ có cướp đi linh hồn của âm nhạc? mình có nhắc đến từ Âm nhạc đương đại, và âm nhạc đương đại ở bài viết được hiểu là xu hướng âm nhạc trong thời kỳ hiện tại của thế giới (Lady Gagga, Justin Bieber, Dance-Pop,....). Tuy nhiên đó chỉ là cách hiểu phổ thông, còn về mặt học thuật, Âm nhạc đương đại (Contemporary music) không hẳn là như thế. Âm nhạc đương đại theo nghĩa hàn lâm được hiểu là sự hiện đại hóa của dòng nhạc chính thống hay dòng nhạc bác học (art music), đặc biệt là khí nhạc của dòng nhạc cổ điển và bán cổ điển Tây phương. Do đó, trong tiếng anh người ta gọi dòng nhạc này là Contemporary classical music, sau đó mới được viết tắt thành Contemporary music. Điều này có nghĩa là âm nhạc đương đại chính là sự mở rộng của âm nhạc cổ điển, hay nói chính xác hơn, nó là âm nhạc cổ điển trong các giải đoạn từ nhạc cổ điển thế kỷ 17 - 18, nhạc lãng mạn thế kỷ 19, nhạc cận đại đầu thế kỷ 20, nhạc hiện đại và hậu hiện đại từ nửa sau thế kỷ 20, và hiện nay là âm nhạc hiện đại. Xét về phương diện phổ thông, từ Âm nhạc đương đại đôi khi được đồng hóa với âm nhạc trong thời kỳ đương đại. Ví dụ như các loại hình nhạc Pop, nhạc Jazz của thập niên 80 và 90 chính là âm nhạc đương đại trong thời kỳ đó, tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay chúng lại không còn được xem là đương đại. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp âm nhạc, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin gần đây đã tạo ra nhiều thể loại nhạc chưa từng được biết tới. Do đó, thuật ngữ Âm nhạc đương đại bắt đầu được sử dụng rộng rãi và mâu thuẫn với định nghĩa trước đó. Có lẽ thay vì gọi chung một từ Âm nhạc đương đại, chúng ta nên tách nó thành nghĩa phổ thông là Âm nhạc đương đại và nghĩa hàn lâm là Âm nhạc cổ điển đương đại thì sẽ hợp lý hơn. |
Chỉnh sửa lần cuối: