
Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 23/7 Canon đã chính thức tham gia thị trường máy ảnh không gương lật (CSC) bằng việc giới thiệu mẫu máy Canon EOS M.
Canon là “ông lớn” chậm chân nhất so với các đối thủ của mình khi mà Panasonic đã giới thiệu mẫu máy không gương lật vào năm 2008, Nikon giới thiệu Nikon 1 vào tháng 9 năm ngoái. Ra sau đối thủ với khoảng thời gian khá dài, không biết Canon có những cải tiến gì đáng kể. Chúng ta cùng xem xét 10 điểm đáng chú ý trong chiếc máy Canon EOS M.
1/ Cảm biến của EOS M
Một trong những băn khoăn lớn nhất là không biết Canon sẽ dùng cảm biết kích thước bao nhiêu cho CSC. Và câu trả lời là EOS M sử dụng cảm biến APS-C có độ phân giải 18.1 MP giống như mẫu máy mới giới thiệu 650D.
Cảm biến này cùng kích thước với các dòng CSC của Sony và Samsung, lớn hơn một chút so với Panasonic và Olympus. Thậm chí nó còn lơn hơn cảm biến của Nikon 1 V1/J1
Có vẻ như Canon muốn làm cho sản phẩm của mình có một cái gì đó khác biệt với các đối thủ.
2/ Ngàm nối ống kính trên EOS M
Vì EOS M không có gương lật vì vậy “khoang” máy ảnh rất nông. Điều này có nghĩa là các ống kính hiện tại của Canon không thể gắn trực tiếp vào máy. Canon đã thiết kế một ngàm chuyển đổi gọi là “ngàm M”.
Hiện tại Canon đã giới thiệu 2 ống kính cho EOS M: ống kit 18-55mm và ống 22mm (cho góc nhìn tương đương 35mm trên máy FF).
Với những ai đang sử dụng ống kính Canon EF hoặc EF-S có thể sử dụng trên EOS M bằng việc mua thêm ngàm chuyển.

3/ Bộ xử lý hình ảnh EOS M
EOS M được trang bị bộ xử lý hình ảnh DIGIC 5 tương tự như 2 mẫu máy khủng của hãng là EOS 1DX và 5D Mark III.
Bộ xử lý DIGIC 5 giúp giảm nhiễu khi chụp ở độ nhạy sáng (ISO) cao, ngoài ra nâng cao khả năng quay phim full HD.
4/ Chế độ lấy nét lai của EOS M
Tương tự như trong chế độ Live View của 650D, EOS M sử dụng chế độ lấy nét lai. Có nghĩa là máy kết hợp lợi thế của việc lấy nét theo pha và lấy nét theo phương pháp so sánh tương phản. Việc này giúp máy lấy nét nhanh hơn, chính xác hơn.
5/ Thiết kế EOS M
Nhiều người thất vọng với thiết kế của EOS M vì người ta mong chờ một kiểu dáng nhỏ gọn mang phong cách cổ điển.
Tất cả các chức năng điều chỉnh được thực hiện trên màn hình cảm biến. Người dùng cũng có thể điều chỉnh chế độ chụp ưu tiên khẩu độ (AV) và ưu tiên tốc độ (TV) bằng cách xoay núm trên thân máy.
EOS M có ít hơn 30% nút bấm so với DSLR, điều này được Canon giải thích là để giảm kích thước của máy.

6/ Màn hình cảm ứng
EOS M sử dụng màn hình cảm ứng tương tự trên 650D, cho phép chọn điểm lấy nét hoặc chụp thông qua màn hình cảm ứng. Kích thước màn hình 3 inch, độ phân giải cao giúp hiển thị hình ảnh rõ ràng, sắc nét.

7/ Flash
Để giảm kích thước máy ảnh, Canon đã không tích hợp flash trên EOS M. Canon cho rằng ngày nay flash cũng không quá quan trọng nữa vì máy ảnh có thể chụp ở ánh sáng yếu với ISO cao rất tốt.
Tuy nhiên Canon vẫn thiết kế chân flash và đèn Speedlite EX90 đi kèm. Ngoài ra người dùng có thể gắn flash Canon hiện có cho EOS M.

8/ Độ nhạy sáng của Canon EOS M
EOS M có dải ISO từ 100-6400 (có thể mở rộng lên 12800 và 25600). Nhờ bộ xử lý DIGIC 5, người dùng có thể chụp những bức ảnh với độ nhiễu hạt thấp khi đặt ISO cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của máy ảnh ngày nay.
9/ Các filter của EOS M
EOS M trang bị 7 filter sẵn có (bao gồm cả chế độ loại bỏ mắt đỏ) giúp người dùng có thể sáng tạo những bức ảnh theo phong cách khác nhau. Tuy nhiên không giống như các sản phẩm của đối thủ Panasonic và Olympus, các filter này không hoạt động khi chụp ở chế độ raw.
10/ Giá của EOS M
Có vẻ EOS M không rẻ như các fan mong đợi. Với giá bán lẻ đề xuất là 1,200 USD cho body và kit làm cho nhiều người “vỡ mộng”.
Máy sẽ chính thức lên kệ vào tháng 9, có các màu đen, trắng, bạc, đỏ cho người tiêu dùng lựa chọn.

Kết luận
Mặc dù ra sau so với đối thủ, tuy nhiên Canon không có gì đột phá trong sản phẩm của mình: từ thiết kế đến giá cả đều làm cho người tiêu dùng thất vọng. Tuy nhiên việc ra đời sản phẩm mới CSC cũng là một tín hiệu tốt để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn khi trang bị cho mình một chiếc máy nhỏ gọn mà vẫn tùy biến được ống kính.
Theo Techradar