Cuối cùng mình cũng được xem Avatar 3-D sau bao ngày mòn mỏi chờ đợi suốt từ lúc bắt đầu làm đồ án đến giờ.
Tóm tắt cảm xúc của mình sau khi xem phim thì là: Tuyệt vời, tuỵêt hảo, quá ảo, không thể tưởng tượng nổi, lâng lâng, phê phê…. Vân vân và vân vân. Nếu bạn nào có theo dõi fb của tớ thì chắc cũng biết cảm xúc tớ thế nào lúc đi xem phim về rồi.
Trước tiên, tớ muốn nói, nếu các bạn muốn xem phim này, hãy tìm cách xem bản 3-D, vì tớ cam đoan, khi xem bản 2D không thể nào cảm nhận đựơc những cảm xúc tuyệt vời khi xem bản 3-D đâu, và đây không phải nói quá, lý do vì sao thì phải khi xem 3-D thì các bạn mới hiểu.
Review này mang nặng tính phân tích, cảm xúc và đánh giá cá nhân, nếu bạn không muốn bị spoil, đề nghị không đọc tiếp trước khi xem phim.
Ban đầu khi nghe những đồn đại, quảng cáo về Avatar, nào là cách mạng, nào là kỹ xảo 3-D tuyệt hảo, rồi khi xem trailer, thì tớ đã nghĩ là cái loại phim mà cứ lăng xê tưng bừng thế này thì kiểu gì cũng chả ra sao. Mà concept khi xem trailer cũng thấy bình thường, không có gì thực sự xuất sắc khiến tớ choáng ngợp cả, và nội dung tóm tắt qua thì lại là một motive quá thường, không có gì thực sự đột phá. Một số bạn bè tớ xem trước về còn tuyên bố là có rất nhiều thứ vô lý trong phim. Nhưng khi tớ đã được xem phim, thì tớ nhận ra tất cả những điều trên là những sai lầm kinh khủng nhất mà tớ đã mắc phải.
Đầu tiên nói về phần hình ảnh của phim. Chưa nói tớ kỹ thuật phim 3-D đặc biệt của riêng James Cameron đã khiến cho hành tinh Pandora đẹp tuyệt trần tới đâu, chỉ cần biết việc cả một hành tinh với hệ sinh thái, động vật, khí hậu, người địa phương, cách sống, cách đối xử của họ với thiên nhiên và cách họ quan niệm về thế giới,… tất cả đều đẹp một cách hoàn hảo, đẹp kỳ ảo, lung linh, như một thiên đường trong mộng vậy. Những buổi đêm với thảm thực vật đầy lân tinh phát sáng lung linh kỳ ảo không thể từ chối, những buổi hoàng hôn tuyệt đẹp với hình ảnh những hành tinh lân cận trên bầu trời màu tím pha đỏ, những cánh rừng bát ngát xanh mướt tuyệt đẹp ngay bên dưới những hòn đảo bay đựơc nhờ từ trường, bồng bềnh trong sương mù như một thế giới thiên đường lộng lẫy chỉ có trong những giấc mơ kỳ lạ nhất của con người. Những thứ này không phải là cái gì đó quá đột phá, quá mới, quá xuất sắc, nhưng để xây dựng nên cả một thế giới hòa quyện với nhau, lien hệ với nhau một cách logic và mang tính nhân bản cao như vậy, rồi sau đó đưa vào một bộ phim giả tưởng, thì chưa thực sự có bộ phim nào thành công được như Avatar của James Cameron. Và hiệu ứng 3-D mà ông dày công xây dựng suốt 14 năm chỉ để phục vụ cho bộ phim đã hoàn hảo hóa những trường đọan miêu tả cái đẹp của thế giới Pandora. Những tinh linh bé nhỏ phát sáng bay trong rừng vào buổi đêm, những người Na’vi tuy hình dạng kỳ quái nhưng khi chìm đắm vào phim thì thật sự họ còn đẹp hơn cả những con người trái đất đang mưu toan xâm lược quê hương họ, những loài động vật, thực vật trong những khu rừng mang dáng dấp nhiệt đới có cả lối sống và bản năng tự vệ hết sức phong phú, nếu như thiếu hiệu ứng 3-D thì có lẽ, tất cả những cảm xúc hòa mình vào những điều tuyệt diệu như vậy sẽ bị giảm xuống ít nhất là 1 nửa.
Ngày xưa, Jane Fonda vì dám cả gan ngồi chơi với bộ đội Việt Cộng mà sau đó bị cả xã hội Mỹ lên án là đồ “phản bội” và bị giới làm phim tẩy chay trong nhiều năm liền không được đóng phim nữa. Và cái lý người Mỹ đưa ra đó là Fonda đã phản bội tình thần yêu nước và phục vụ Tổ quốc Mỹ của chính mình để sang phía bên kia chiến tuyến ủng hộ kẻ thù của đất nước, bất chấp việc sự thật rằng đất nước mình đang tiến hành một cuộc chiến tranh vô đạo đức trên một đất nước nhỏ bé yếu ớt.
Liên tưởng tới Avatar, hình ảnh Jane Fonda tái hiện lại ngay trong chính anh chàng lính thủy đánh bộ Jake Sully, vì lý do này kia mà đã quay lưng chống lại chính “đồng loại” của mình, ủng hộ, bảo vệ và về phe với những người bị “đồng loại” mình coi là kẻ thù – bất chấp rằng “đồng loại” mình đang mưu toan phá hoại, cướp bóc ngay trên đất của những sinh vật lạc hậu và yếu đuối hơn mình.
Vậy thì cái ý nghĩa ở đây là gì? Đó là thật ra ngay từ đầu, những thứ như dân tộc, Tổ quốc, hay đồng loại, vốn chỉ là những thứ mang tính chất cá nhân ích kỷ vi mô, và chẳng thể ý nghĩa bằng một thứ khác to lớn hơn, ấy là sự cân bằng. Ta thấy cách nhìn nhận thế giới của người Na’vi trong phim luôn hướng tới sự cân bằng sinh thái. Họ tôn trọng tất cả các loại sinh vật, từ nhỏ tới lớn, từ thực vật tới động vật, tất cả sinh linh trên khắp thế giới đều là họ hàng của nhau, đều liên quan và ảnh hưởng tới nhau, là một mạng lưới liên kết. Trong phim thì ở Pandora mới có cái mạng lưới mang tính sinh học kết nối các loài sinh vật với nhau, nhưng trên thực tế, nó chỉ là ẩn dụ cho sự cân bằng sinh thái vô định hình giữa các loài sinh vật mà ta vẫn biết ở ngay Trái Đất hiện tại này. Chính vì thế dù người Na’vi có làm gì, dù là sát sinh bất cứ loài nào, họ cũng rất trân trọng, và cho rằng khi mình đã lấy đi mạng sống của một phần thiên nhiên, thì một ngày nào đó, ta cũng sẽ phải trả lại cho thiên nhiên như một cái giá tất yếu.
Chính vì thế, bằng hình ảnh Jake Sully quay đầu chống lại đồng loại và ở lại Pandora sống luôn trong hình hài Avatar đã phản ánh cái tư tưởng mang tính cách mạng của bộ phim: Đó là giữa hai lựa chọn, bảo vệ sự cân bằng Vĩ mô cho cả Vũ trụ, giữa tất cả các chủng loài sinh vật của cả Vũ trụ, hay bảo vệ lợi ích nhỏ mọn của duy nhất một chủng loài nhỏ bé vô trách nhiệm lọt thỏm giữa vũ trụ bao la?
Ngay khi bộ phim kết thúc, mình đã rất ngạc nhiên và bất ngờ vì lựa chọn của Jake phút cuối đi ngược lại hẳn mọi quan niệm đạo đức triết lý cũ, thậm chí đã từng có người phải chịu hậu quả không lấy gì làm tươi đẹp cho lắm khi đã từng lựa chọn giống như vậy. Ra khỏi rạp rồi đầu mình vẫn rất băn khoăn về kết cục của bộ phim. Nhưng rõ ràng, lựa chọn của Jake đưa tới người xem một thông điệp của người có cái nhìn vĩ mô, bao quát toàn cảnh hơn nhiều lần bình thường, và khiến người ta phải có cách suy nghĩ sâu sắc hơn nhiều lần bình thường. Và đó chính là bằng chứng cho một cái đầu có tư duy KHÔNG HỀ ĐƠN GIẢN của James Cameron.
Thật lạ vì đầu năm tới giờ có khá nhiều phim lấy chiến tranh Việt Nam làm bối cảnh chính như Tropic Thunder hay Watchmen. Và bỗng nhiên, trong Avatar, người ta không chỉ thấy chỉ một cuộc chiến Việt Nam với các binh lính Mỹ lăm lăm tay súng, xả đạn và lửa vào những cư dân của một khu rừng nhiệt đới, mà còn thấy cuộc chiến Iraq và Afghanistan với những máy bay ném bom vào “khu dân thường” (Cây Tổ của người Na’vi) với một cái cớ gây chiến “hợp lý vô cùng” mà cũng quen thuộc vô cùng nếu bạn chịu khó xem Thời Sự: “Chúng ta sẽ dùng khủng bố để đối đầu với khủng bố” (??!!).
Chính nó, dường như Avatar là bản tóm tắt, vạch mặt và kể tội những cuộc chiến tranh vô đạo đức của người Mỹ lên khắp các đất nước, dân tộc nhỏ bé trên thế giới trong suốt lịch sử của mình với những cái cớ vớ vẩn để ngụy biện cho hành động giết người, để rồi “chưa bao giờ có một ai phải chịu trách nhiệm” (Jake Sully). Và đã có bao nhiêu người lính Mỹ phải thốt lên: “tôi tưởng tôi tới đây để mang tới hòa bình” (Jake Sully) và “I didn’t sign up for this (Tôi ko vào quân đội vì việc này)” (Trudy)?
”Bất cứ ai ngồi bên trên những thứ họ muốn chiếm đọat, họ sẽ coi như kẻ thù” – Jake Sully.
Như nhiều người đã nhận ra, cảnh áp giải đám tàn quân của loài người và bọn tư bản vô tâm hám tiền ở cuối phim chẳng khác là bao cảnh bộ đội Việt Nam áp giải tù binh Mỹ lên máy bay trở về nước hồi 1975.
Vậy thì Avatar liệu có phải một bộ phim có kịch bản đơn giản không?
Ý tưởng về việc con người có thể điều khiển một “người thay thế” thông qua bộ não của mình không phải là mới (Matrix, Surrogates,…), nhưng với kỹ thuật tiên tiến vượt trội của mình, hình ảnh các nhân vật Avatar cũng như các nhân vật Na’vi có khuôn mặt giống hệt với diễn viên lồng tiếng. Điều này giúp cho cảm nhận của người xem vừa thật lại vừa ảo, vừa ảo lại vẫn thật, độc đáo một cách gần gũi. Và nó phản ánh, sự tinh tế trong thiết kế tổng quan của bộ phim.
Sự tinh tế ấy còn ở rất nhiều chi tiết khác trong phim. Ấy là sự thay đổi trên khuôn mặt Jake người thường lẫn Jake Avatar theo dòng thời gian và sự kiện. Jake người thường thì vì quá chú tâm vào cuộc đời thứ 2 trong lốt Avatar của mình mà nhiều tháng liền không tắm rửa, cắt tóc cạo râu gì và trở nên rậm rạp và lếch thếch. Rồi tới khi suy nghĩ, tâm sự rối bời về mục đích của việc do thám người Na’vi thì quyết định cạo bớt râu trước khi gặp và nói chuyện với ông tướng già Quadritch. Rồi anh Jake Avatar thì mỗi ngày hòa nhập vào cộng đồng người Na’vi là một ngày đầu tóc, phụ kiện và cả hình vẽ trên người một thay đổi khác biệt hơn, rồi đỉnh điểm là ở cuộc chiến cuối cùng, một mái tóc mang đậm chất Na’vi đã được tết lên đầu như chứng tỏ sự chấp nhận của cộng đồng Na’vi với sự hòa nhập và lãnh đạo của Jake – Turuk Macto.
Một chi tiết khác mà chắc ít người có thể nhận ra trong phim, đó là các Avatar thực chất chỉ là lai tạo giữa người Na’vi với người Trái Đất, nên họ không phải giống hệt người Na’vi đâu nhé. Những khác biệt có thể nói tới đó là Avatar có tới 5 ngón tay chân trong khi người Na’vi chỉ có 4, và khuôn mặt của các Avatar thường có môi mỏng hơn người bản địa Na’vi.
Cũng lại một chi tiết nếu để ý không kỹ hoàn toàn có thể nhầm lẫn. Đó là sẽ có nhiều người nghĩ rằng Pandora không có oxi nên con người không thể thở được trên đó và phải dùng mặt nạ hoặc dùng Avatar. Nhưng trên thực tế, nếu ta để ý, sẽ thấy thật ra ở đó vẫn có oxi. Đọan cuối, khi Jake ra khỏi lồng bảo vệ vẫn có thể thở hồng hộc được một lúc trước khi ngất. Và cái mặt nạ của con người thường đeo khi ra bên ngoài không gian của Pandora thì đâu có kết nối với bất cứ loại bình dưỡng khí nào, vậy thì chỉ có thể giải thích chiếc mặt nạ chỉ có chức năng chắt lọc ôxi trong không khi Pandora để người có thể thở được bên trong chiếc mặt nạ đó => Pandora có oxi trong thành phần không khí, nhưng chiếm một tỉ lệ quá nhỏ khiến cho con người không thể thích nghi được. Còn, những cái cây trên đảo bay, chúng có rễ bám theo những tảng đá nhỏ xuống dưới đất để lấy nước, that’s why we have waterfalls.
Những tập tính của các loài động thực vật trong phim cũng được xây dựng một cách logic có chủ đích. Cụ thể thì đó là loài tê giác đầu búa mà Jake gặp trước khi bị đuổi lạc vào rừng. Bị xâm lấn lãnh thổ, và chúng tấn công. Đó chính là một phần lý do khá quan trọng để ở phút cuối cùng, đàn tê giác này dẫn đầu các loài động vật trong rừng nổi dậy giúp đỡ người Na’vi. Tất nhiên còn một lý do khác là sự kết nối về mặt sinh học giữa các loài với nhau trên hành tinh, nên khi có quá nhiều động thực vật trong rừng bị giết hại – đe dọa sự cân bằng, đương nhiên các loài khác trong rừng không thể đứng yên nhìn. Chi tiết này được bổ sung khá hợp lý cho chi tiết Jake cầu xin thần Eywa bằng những sợi bond ở tóc mình trước đó. Và những sợi bond này cũng có thể coi là 1 trong số những chi tiết đắt nhất của phim khi hầu hết các loài đều có thể bond với nhau và giao tiếp với nhau bằng những sợi như vậy – cực kỳ nhân bản.
Có người nói Avatar khó có thể so sánh với District 9. Điều này vừa đúng vừa sai. Cả 2 phim đều có chủ đề Alien với những cách tư duy hết sức mới lạ độc đáo. Nhưng mỗi phim đều có cái chất của riêng nó, sức hút mạnh mẽ của riêng nó. Ở đây mình chỉ phân tích những gì Avatar hơn D-9 (vì mình cũng rất mê D-9, và sẽ kiếm thời gian review phim này và 500 days sau).
Avatar ăn đứt D-9 ngay từ các mức độ hoành tráng, hùng vĩ của nó. Từ kinh phí làm phim, công nghệ làm phim, công nghệ PR quảng cáo, thời gian ấp ủ của đạo diễn. So với Avatar thì D-9 không thể nào bì được về độ hoành tráng, chi tiết, đẹp, và hùng vĩ của concept môi trường. Cả một thế giới – thực sự là một thế giới tuyệt vời, tuyệt đẹp, một thiên đường không tưởng sci-fi hoàn hảo đã được tạo ra với đầy đủ những gì một thế giới cần: sinh vật, người, xã hội, các mối quan hệ, triết lý,… quyện vào nhau hết sức đẹp, đầy xúc cảm, và còn rất logic hợp lý. Các concept nhân vật alien trong Avatar rõ ràng là bắt mắt hơn, vì thậm chí nếu như khi xem bạn đang vui thì sẽ thấy người Na’vi còn đẹp hơn người Trái Đất, dù họ màu xanh, và có đuôi, và cao những 3m.
Avatar hơn hẳn D-9 về chất giải trí. Rõ ràng với một motive phim như Avatar thì nó vẫn thu hút nhiều dạng khán giả hơn là một bộ phim có phần disturbing như D-9. Những cảnh hành động tuyệt đẹp, một chuyện tình lãng mạn, một ý nghĩa về môi trường đầy cảm động, những tâm sự của một cá nhân dằn vặt giữa 2 lựa chọn, một kết thúc có hậu và tính triết lý suy tưởng để lại trong lòng người xem.
Và những người ngoài hành tinh màu xanh, cưỡi những con chim khổng lồ giống loài khủng long có cánh thời tiền sử, bay lượn khắp một thế giới đầy ắp màu sắc lung linh kỳ ảo, chiêm ngưỡng khung cảnh một hành tinh xanh ngắt màu cây và rộng bát ngát cánh cò bay đủ để làm xiêu lòng người.
Và đặc biệt, đó là công nghệ 3-D, khiến cho những điều kỳ ảo lung linh kia gần hơn với khán giả gấp nhiều lần bình thường.
Rõ ràng đó là những thứ một bộ phim mang nặng tính nghệ thuật, chính trị như D-9 không thể so bì. Tất nhiên, có ối thứ có thể liệt kê cả ngày mà D-9 vượt xa Avatar, nhưng cái đó xin để dành một ngày khác vào 1 review khác.
Riêng về diễn xuất, tớ không muốn nói nhiều nữa, vì tớ chẳng thấy bất cứ vấn đề gì về diễn xuất của phim này ở bất cứ diễn viên nào. Sam Worthington thực sự đã tự đưa mình lên hẳn 1 tầm cao hoàn toàn mới ở Hollywood qua Avatar và Terminator 4.
Cá nhân mình khá thích cách phim xử lý những sự hi sinh của các nhân vật phụ. Những hi sinh hợp lý và cần thiết cho bộ phim, và đều là những sự hi sinh vinh quang, tất cả họ đều hi sinh vì đang chiến đấu vì điều họ cho là đúng.
Tuy vậy, phim vẫn có một số trường đọan khá dễ đoán vì nó cliché quá. Đặc biệt là đọan Jake đi tìm và thuần phục được con Toruk để trở thành Toruk Macto, và trở thành thủ lĩnh bất thành văn của bộ tộc.
Thật tình là, dù đã viết đến tận đây rồi, nhưng tớ vẫn có cái cảm giác vẫn chưa nói đã đời về Avatar. Nhưng thôi, dù gì, tớ cũng mong mọi người hãy cố gắng tìm cơ hội đi xem bằng được bản 3-D trước khi muốn xem lại bản 2D. Vì có những thứ, chỉ có 3-D mới cho bạn được đầy đủ cảm xúc.
Điểm cho phim là 4,5/5 – 9/10.