Uchiha_Madara
Nghỉ hưu

Thời nay, nói đến học cao học thì đó cũng chẳng phải là chuyện lạ hay là quá xa vời gì nữa, có khi bạn nghe xong lại nhếch mép cười thầm, “tưởng gì, cái đấy mình không thích thôi chứ thích thì mình học cũng được, khó khăn quái gì đâu”, cũng có thể như thằng bạn bựa của tôi phát biểu “bữa nay Việt Nam phổ cập đến thạc sỹ rồi mày ơi”, trong khi nó lúc tốt nghiệp đại học vẫn còn nợ môn, thế đấy.
Cái sự học này nói nghe thì dễ, ai làm cũng được, nhưng mà thử đi rồi sẽ thấy, không phải chuyện đơn giản như vác cái HDD ra tiệm chép một đống phim về xem đâu. Để bắt đầu đi học thì đương nhiên phải đi thi, trừ học cái MBA của nước ngoài đang nhan nhản ngoài đường chỉ cần đóng tiền vào là học ra. Bạn có thể thi trường nào cũng được, thích trường nào thi trường đó, Bách Khoa, Kinh Tế, Sư Phạm Kỹ Thuật, Ngân Hàng … nhắm trường nào dễ đậu thì thi, mà thường là “đi dễ khó về”, vào mà dễ quá thì ra cũng hơi khó vì nó liên quan đến $$$, thật đó.
Tôi chẳng có nhiều $, việc làm cũng không nên thôi qua cái trường khó khó chút mà trong sạch thi cho chắc. Thi lần đầu vào tháng 5, như để chứng minh là cái trường này khó, tôi tạch ngay trong tích tắc, môn anh văn tự tin không thèm ôn bài được 40/100, buồn mất mấy ngày. Nhưng không sao “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, đằng này cứ nữa năm lại tổ chức thi một lần, sợ gì mà không thi lại chứ. Lần sau rút kinh nghiệm ôn bài đàng hoàng, tiếng anh tiếng em đủ cả nên quất một phát 78/100, đường hoàng bước vào trường mà không sợ bảo vệ đuổi ra.

Đi học đối với tôi là chuyện đơn giản vì tôi là trai chưa vợ lại được cái là thất nghiệp chứ còn như mấy ông chung lớp, ngày làm cả ngày (có khi khuya còn phải trả bài cho vợ), lên lớp học thì mục tiêu chính là ngồi ngáp và trông hết giờ thì về, nhưng mà cái việc đơn giản đó nhiều khi làm cũng chẳng được, thành ra có ông học kỳ học có 4 môn rớt hết 3 môn. Thi rớt không phải do làm bài không được mà là do thầy nhớ mặt, ở những lớp không phải ngành hot như ngành kỹ thuật này, lớp ít nên thầy nhớ mặt từng người, ai không đi học thì xác định là khả năng rớt rất cao đi nhé, như lời một PGS TS chửi sa sả vào đầu đám chúng tôi, “học cao học không phải là đi chợ, không học được thì nghỉ, đây không phải nơi muốn làm gì thì làm”. Vâng, vấn đề lớn ở đây chính là thời gian, đơn giản nhưng lại khá phức tạp đối với những người “vừa học vừa làm” đấy.
Đời đi học, dù là học đại hay học cao, cái ngán nhất không phải là chuyện học các môn trong học trình, học một lần không đậu thì học hai ba lần, rồi cũng sẽ đậu, mệt mỏi nhất vẫn là luận văn tốt nghiệp. Một cái luận văn đàng hoàng chứ không phải luận văn “nghiên cứu kỹ thuật copy và paste” đâu nhé. Đối với trường này, làm luận văn từ lúc bắt đầu làm tới lúc được báo cáo ít nhất là 1 năm, nhưng đa số làm chưa được thì thành 1,5 năm hay 2 năm là bình thường. Công sức đổ vào rất lớn, chứ mà làm hời hợt chơi chơi thì chắn chắn thầy hướng dẫn sẽ không chịu cho ra bảo vệ. Được ra bảo vệ rồi thì cũng chông gai lắm, không phải xuôi chèo mát mái như phim đâu.

Buổi sáng bảo vệ, tôi lên đầu tiên, mồm miệng thì khô khốc, tay chân thì run rẩy, dù rằng đã từng báo cáo tốt nghiệp đại học cách đây hai năm rồi. Lên thuyết trình ai mà không run, thằng nào bảo không run thì một là nó nói dối hai là nó nói xạo. Mới nói được mấy slide thì ông chủ tịch hội đồng đã chửi phủ đầu, “nói cái gì thì phải chỉ lên cho hội đồng biết chứ”, ú ớ nhìn quanh thì chộp được cây angten, định dùng nó chỉ chỏ thì ổng quay xuống chửi nguyên đám, “tụi mày ngu lắm, một đám ô hợp àh, có cây bút laser mà mua không nổi àh”, cả đám cuống cuồng chạy đi mua, còn tôi sau khúc đó thì xong phim luôn, ráng đọc cho hết slide chứ tim rớt mẹ nó đâu mất rồi.
Đã bảo vệ luận văn thì phải trả lời câu hỏi của thầy phản biện, mỗi ông hỏi hai câu, lại thêm mấy ông trong hội đồng cũng ngứa miệng (thường có kiến thức nhiều người ta hay vậy) quất thêm mỗi người một đến hai câu nữa, tổng cộng tôi phải trả lời 8 câu. Nhưng nào có được trả lời yên ổn, đang trả lời câu thứ 3 của thầy phản biện A thì ông B nhảy vào chặn họng, vậy là phải trả lời cho ông B, đang trả lời thì ông C lại phản đối, lại phải giải thích cho ông C, thành ra mấy câu hỏi lúc đầu trôi tuột đi đâu mất, chẳng ai còn nhớ nữa, chuyện quan trọng bây giờ là đấu khẩu với mấy ông GS TS ngồi kia, mà cầm chắc là thua chứ ít khi thắng, khi đó tốt nhất nên cười, kèm theo động tác gãi gãi đầu nữa cho nó đúng điệu.
Cũng xin nói thêm về cái luận văn là trường nào không biết chứ trường này thì đừng nói đến tiền, không có chuyện đó đâu, ở đây thầy ra thầy, trò ra trò. Trường khác có nghe tin đồn muốn được hướng dẫn phải tiền, ra báo cáo phải tiền … (nghe đồn thôi nha chứ tôi không có học nên không dám chắc). Tôi học ở đây chỉ tốn tiền học phí, ngoài ra không tốn thêm một xu nào nữa cả. Thậm chí bảo vệ luận văn xong mời các thầy đi ăn một bữa chia vui mà không phải ông nào cũng đi, khó vậy đó.
Học cao học còn có một cái khó nữa là môn anh văn, môn này được xem là sát thủ với dân học kỹ thuật. Thế nên mới có chuyện có ông học xong hết các môn, bảo vệ luận văn xong xuôi, chỉ còn cần cái bằng TOEIC hoặc TOEFL đủ chuẩn là trường phát bằng cho ngay, vậy mà 4 năm không có, bị hủy sạch kết quả, phải thi đầu vào lại. Hoặc có ông thi anh văn điên cuồng, tổng cộng hơn 38 lần thi TOEIC trong vòng hai năm lúc sắp hết hạn (tiền đi thi lên đến mấy chục triệu), kết quả thì cũng như ông trên, học lại từ đầu. Nguyên nhân thì cũng là nguyên nhân muôn thuở, bận việc quá!
Tóm lại, học cao học chẳng khó khăn gì, khó nhất là bạn có tiền và thời gian học hay không, tiền thì đã đi học chắc ai cũng có, thời gian không phải ai cũng đủ khi cuối tuần sắp thi thì đồng nghiệp và sếp gọi đi nhậu, về nhà thì vợ réo con khóc, kiếm ra được thời gian học có khi lại muộn mất rồi. Vậy nên nếu bạn còn trẻ và chưa có gia đình thì hãy đi học đi còn không thì bỏ việc hoặc cố gắng bỏ vợ luôn càng tốt, học sẽ nhanh hơn!