![]() Hiện nay, thật khó để người yêu nhạc có thể tìm được một ca khúc mới xứng đáng được gọi là bài hát nghiêm chỉnh, và câu chuyện về kiểu sáng tác lẫn biểu diễn “tởm lợm” không còn là một đề tài mới lạ để đưa ra bàn luận. Còn nhớ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, mỗi khi nghe được một bài hát nào đó mới mẻ thì công việc nan giải nhất của tôi là tìm cho bằng được một băng cát xét (hay thậm chí là CD) có tựa đề của bài hát đó. Những bạn đã sống và lớn lên trong thời kỳ ấy, đặc biệt là những bạn ở nông thôn, thì chắc chắn sẽ thấu hiểu được cảm giác tuyệt vời khi được nghe đi nghe lại bài hát yêu thích qua chiếc đài nhỏ bé là như thế nào. Trong âm nhạc, có lẽ tôi may mắn hơn so với nhiều bạn trẻ, đó là được sống và lớn lên trong thời kỳ giao thoa giữa đỉnh cao của nhạc trẻ Việt Nam và khi nó bắt đầu lụi tàn. Đối với tôi, đỉnh cao của nhạc trẻ Việt Nam chính là giai đoạn từ những năm cuối của thập niên 1980 cho tới đầu những năm 2000. Sau đó những bài nhạc hát nhạc Hoa lời Việt xuất hiện, và một thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ “lười nhác” bắt đầu lao động một cách... sôi nổi dựa trên những giai điệu quen thuộc của âm nhạc Trung Quốc lẫn Tây Phương. Và thế là âm nhạc lẫn thẩm mỹ của người nghe bắt đầu đi xuống. Có nhiều bạn trẻ hiện nay đã quá ngán ngẩn với âm nhạc “đương đại” của nước nhà. Thay vào đó, họ lao vào thưởng thước âm nhạc của Tây Phương. Cũng đúng thôi, âm nhạc “đương đại” của Việt Nam hiện nay những thứ nửa nạc nửa mỡ thì nhiều, còn những thứ nghiêm chỉnh chỉ còn được đếm trên đầu ngón tay. Dù sao đi nữa, thế hệ 7x, 8x chúng ta cũng đã rất may mắn khi được sống trong một thời kỳ có thể được gọi là sôi nổi nhất của nhạc trẻ Việt Nam. Ở đó có Trần Tiến, Thanh Tùng, Từ Huy, Dương Thụ, Nguyễn Ngọc Thiện, Phạm Minh Tuấn, Bảo Chấn..., có Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Thùy Dung, Tam Ca Áo Trắng, Hoa Sữa.... Tất cả họ đã làm nên tuổi trẻ của rất nhiều thế hệ Việt Nam và định hình được hướng đi của âm nhạc đương đại, mặc dù hướng đi này đã trở nên hỗn loạn và bị tàn phá không thương tiếc trong thời điểm hiện tại. Nhạc nhẹ hay nhạc trẻ Có lẽ quá dị ứng với nhạc trẻ nên tôi thường thích gọi âm nhạc trong giai đoạn từ 1985 đến khoảng năm 2000 là nhạc nhẹ. Mặc dù nhiều người vẫn cho rằng đó là nhạc trẻ. Thật ra, không có định nghĩa chính xác về nhạc nhẹ hay nhạc trẻ, và chúng cũng không phải là dòng nhạc cụ thể giống như POP, Jazz hay Rock. Có vẻ như nhạc nhẹ sẽ gần gũi với kiểu nhạc "easy listening" nổi lên từ những năm 1970 của thế giới, tức là những bản nhạc có giai điệu và ca từ dễ nghe theo kiểu Pop ballard, âm hưởng mềm mại và không quá kích động như Dance hay Rock, cũng không quá hàn lâm hay cũ kỹ như Classic. Còn nhạc trẻ, theo tôi nó xuất hiện cùng với phong cách biểu diễn của các ca sĩ. Thường thì các bài hát này mang giai điệu và ca từ trẻ trung, các ca sĩ có phong cách biểu diễn hiện đại, năng động.... Nhạc nhẹ của Việt Nam xuất hiện vào giữa những năm 1980, lúc đó nhận thức của người nghe nhạc và các nhà quản lý bắt đầu cởi mở hơn, các nhạc sĩ cũng bắt đầu tìm đến những chất liệu mới để sáng tác những ca khúc của mình. Đặc biệt là sự ảnh hưởng của nền văn hóa Tây Phương khiến cho hầu hết người nghe muốn tìm đến những cảm xúc mới lạ, thay vì bị gò bó trong chủ đề về đất nước, chiến tranh và tình yêu thuần khiết như trước. Thậm chí một số nhạc sĩ vốn chỉ được biết đến với những tác phẩm thuộc dòng âm nhạc chính thống và hàn lâm như Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Vân, Huy Du... cũng đã có nhiều tác phẩm thực sự “trẻ” và được nhiều người yêu nhạc thời bấy giờ yêu thích. Topic này hứa hẹn sẽ rất dài hơi, bởi lượng tác phẩm trong giai đoạn này là vô cùng lớn. Và chắc chắn, sẽ có rất nhiều comment có giá trị của các bạn sẽ xuất hiện và cũng mong là mọi người sẽ nhiệt tình để ủng hộ chủ đề này kéo dài hết mức có thể. Những bài hát hay nhất của âm nhạc Việt Nam giai đoạn 1985 đến 2000 (phần 1) 1. Ngôi sao cô đơn - Thanh Tùng [video=youtube;ebRMo_fVseE]http://www.youtube.com/watch?v=ebRMo_fVseE[/video] Có lẽ không ngẫu nhiên mà chúng ta nên xếp bài hát này của Thanh Tùng ở vị trí đầu tiên. Theo tôi Thanh Tùng là một người rất đặc biệt đối với nền nhạc nhẹ của Việt Nam, ông chính là đại diện tiêu biểu của một thế hệ nhạc sĩ dám đi tìm cái mới, dám thay đổi bản thân mình để đưa người nghe đến một thế giới mới lạ mà họ chưa từng trải nghiệm ở trước đó. Hầu hết những sáng tác của Thanh Tùng đều để lại trong tôi ấn tượng lớn. Tuy nhiên, “Ngôi sao cô đơn” rất khác biệt, bởi dường như “cô đơn” là một trong những thứ cấm kị nhất của nhiều nhạc sĩ chính thống trước đây. Đối với họ âm nhạc là phải hướng về cuộc sống, hướng về niềm vui. Vậy mà... Thanh Tùng lại dám làm “Ngôi sao cô đơn” - mặc dù trong bài hát của ông tôi chẳng tìm thấy điều gì là u buồn hay cô đơn cả. 2. Mặt trời bé con - Trần Tiến [video=youtube;2D0cxiX-_CU]http://www.youtube.com/watch?v=2D0cxiX-_CU[/video] Nếu như được nêu ra một danh sách những bài hát Việt Nam yêu thích và gắn nhiều kỷ niệm nhất với tôi có lẽ đứng đầu luôn là Mặt trời bé con. Tôi không biết làm sao Trần Tiến lại viết được một bài hát hoàn hảo đến như thế. Ngay từ khi được nghe bài hát này qua chiếc radio nhỏ bé, tôi đã lặng đi. Tại sao vậy nhỉ? 3. Họa mi hót trong mưa - Dương Thụ [video=youtube;2b4f1-rUuSE]http://www.youtube.com/watch?v=2b4f1-rUuSE[/video] Điểm thú vị của bài hát này đó là Dương Thụ đã viết dành cho ca sĩ Lệ Quyên (Lệ Quyên 1959 nhé!), tuy nhiên nó chỉ được biến đến rộng rãi sau này khi gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Hồng Nhung. Không sao cả, việc người hát sau thành công hơn người hát trước là một chuyện không hề lạ trong âm nhạc. "Tôi giấu các bài hát của mình nhưng giấu mãi không được. Có người nói âm nhạc của tôi có chút gì đó giống Phạm Duy mà Phạm Duy thì chỉ có một nên tôi xấu hổ lắm. Mọi người cứ hỏi tôi viết nhạc theo phong cách gì, tôi nói mình chẳng có phong cách gì. Nhạc của tôi có chút gần với cổ điển, một chút gần với dân gian và một chút gần với nhạc nhẹ. Vì thế, giới trẻ có thể thích, nông dân cũng nghe và những người có học vẫn thưởng thức. Tôi có một chút trong 3 thứ đó nhưng không phải là cả 3. Tôi gọi nó là kiềng 3 chân để tạo nên một Dương Thụ." 4. Chia tay tình đầu - Nguyễn Ngọc Thiện [video=youtube;QjB0nnvzNSY]http://www.youtube.com/watch?v=QjB0nnvzNSY[/video] Một trong những bài hát hiếm hoi nói về chia trong giai đoạn trước những năm 1990. Ca từ của Nguyễn Ngọc Thiện khá giản dị và gần gũi. Tôi đặc biệt thích những bài hát của ông đầu những năm 1990 như Kỷ niệm mùa hè, Cơn mưa lao xao, Nếu em là người tình... 5. Ngày em đến - Từ Huy [video=youtube;lWlh3e1QspQ]http://www.youtube.com/watch?v=lWlh3e1QspQ[/video] Ngày em đến đôi mắt long lanh thơ ngây mơ màng Ngày em đến đôi má hây hây hương thơm nồng nàn Làm say mê bao gã si tình Làm cho anh nhức nhối tâm hồn Mặc dù viết rất ít ca khúc, không nổi tiếng và không có nhiều bài được gọi là hay, thế nhưng cứ mỗi tết đết điệp khúc “tết, tết, tết, tết đến rồi” của Từ Huy lại làm những kỷ niệm trong tôi trở nên nhức nhối. Đơn giản, Ngày em đến của ông đã làm nên một phần của tuổi trẻ tôi. 6. Một đời người một rừng cây - Trần Long Ẩn [video=youtube;tqWKUiXUUfs]http://www.youtube.com/watch?v=tqWKUiXUUfs&feature=related[/video] Các ca khúc của Trần Long Ẩn thường mang hơi hướng của nhạc đỏ, nhưng vẫn phảng phất ở đâu đó chút trữ tình, lãng mạn, suy tưởng và... rất trẻ. Hồi xưa tôi rất thích nghe bài hát này, đặc biệt là qua giọng ca của.... Minh Thuận. Nhiều người có thể sẽ không thích một ca sĩ “thị trường” hát nhạc của Trần Long Ẩn, nhưng đối với tôi, đôi khi điều đó lại tạo ra một thứ âm nhạc đáng để trải nghiệm. 7. Bên em là biển rộng - Bảo Chấn [video=youtube;e4I3R0BK2gk]http://www.youtube.com/watch?v=e4I3R0BK2gk[/video] Vụ đạo nhạc “Tình thôi xót xa” đã khiến không ít người có thành kiến với Bảo Chấn. Dù sao đi nữa, những sáng tác của ông luôn khiến người nghe nhạc yêu mến và là một phần không thể thiếu của nhạc nhẹ Việt Nam cuối thế kỷ 20. 8. Ngõ vắng xôn xao - Trần Quang Huy [video=youtube;i9QLLd8Xxmg]http://www.youtube.com/watch?v=i9QLLd8Xxmg[/video] Dường như rất nhiều người yêu mến Ngõ vắng xôn xao nhưng lại không biêt đến Trần Quang Huy, chủ nhân của ngõ nhỏ nên thơ đấy. Cũng đúng thôi, nhạc sĩ sáng tác không nhiều và hầu hết các bài hát của ông đều không nổi tiếng như Ngõ vắng xôn xao, một ca khúc đã vẽ nên tuổi thơ của nhiều người. 9. Khoảnh khắc - Trương Quý Hải [video=youtube;aA_m3-yigk4]http://www.youtube.com/watch?v=aA_m3-yigk4[/video] Điều khó nhất của bài hát này đó là tôi chưa thể tìm ra được ca sĩ nào có thể truyền tải hết cái hồn của nó. Dù sao đi nữa, mỗi khi mỏi mệt, bật Khoảnh Khắc và nghe giọng hát của Ngọc Tân cũng là một trải nghiệm không hề tồi. Đối với tôi, thế là quá đủ cho một ngày. 10. Dòng sông lơ đãng - Việt Anh [video=youtube;7ZD-v-9G8aQ]http://www.youtube.com/watch?v=7ZD-v-9G8aQ[/video] Việt Anh là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi có tuổi đời rất trẻ đã chiếm trọn trái tim yêu nhạc của tôi. Những bài hát trong giai đoạn 1997 đến đầu những năm 2000 như Hoa có vàng nơi ấy, Không còn mùa thu... đến bây giờ vẫn không thể thiếu trong kho nhạc của tôi. Riêng về Dòng sông lơ đãng, phần lời bài hát đầy cảm xúc khiến tôi vô cùng mến mộ. Từng ngón tay khép như nụ hoa trắng Bỏ lại hàng cây ngơ ngác sau lưng Và nỗi đau rơi trong lòng đêm vắng Nỗi đau ta nhận riêng mình |