Ðề: Dành cho những người dùng K+HD.
Truyền hình trả tiền: Tuân thủ bản quyền, lợi ích dài lâu
Áp lực đang ngày càng đè nặng lên các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) Việt Nam khi khán giả đòi hỏi phải có nhiều chương trình phong phú, đa dạng và đặc sắc.
Điều đó buộc các nhà đài phải đẩy mạnh hoạt động sản xuất chương trình trong nước và mua bản quyền từ nước ngoài.
Thách thức ngày càng lớn
Trong một cuộc hội thảo về THTT tại TP.HCM, bà Nguyên Hạnh - Giám đốc Công ty Q-Net cho biết: “Theo ước tính, trong năm 2009 Việt Nam chi phí khoảng 5 triệu USD để mua bản quyền truyền hình từ nước ngoài, chiếm chưa tới 10% tổng doanh thu của thị trường THTT”. Theo bà Hạnh, với tỉ lệ chi phí còn thấp như thế Việt Nam vẫn còn có lợi thế trong vài ba năm nữa cho tới khi bằng mức của khu vực - chiếm tới 40% doanh thu.
Tuy nhiên từ năm 2009 tới nay, hoạt động mua bản quyền truyền hình từ nước ngoài tăng khá mạnh. Điển hình là việc mua bản quyền các giải bóng đá hàng đầu thế giới như giải Ngoại hạng Anh-EPL, giải Vô địch Tây Ban Nha La Liga, giải Vô địch Ý Seri A, Champions League… Hoạt động mua format nước ngoài sản xuất tại Việt Nam cũng diễn ra khá sôi nổi và các chương trình này cũng gây được nhiều tiếng vang.
“Đội tuyển tôi yêu”- chương trình hấp dẫn Việt hóa theo format nước ngoài trên K+1. Ảnh: K+ cung cấp
Mua bản quyền càng nhiều thì thách thức càng lớn, đặc biệt là về khía cạnh kinh tế. Bà Nguyễn Thu Phương - Giám đốc chương trình của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh (VSTV) cho biết: “Thách thức lớn nhất là chúng tôi phải chi phí nhiều hơn để mua bản quyền nhằm mang đến các món ăn tinh thần đa dạng, hấp dẫn hơn cho công chúng nhưng mức cước thì lại không thay đổi”. Thậm chí đối với K+ (thương hiệu truyền hình số vệ tinh của VSTV) sau khi cơ cấu lại các gói cước, từ tháng 6-2011 giá cước được giảm mạnh cho người tiêu dùng: Gói Access+ với 58 kênh giảm cước 50%, chỉ còn 50.000 đồng/tháng; gói Premium+ có 72 kênh được giảm cước 24% và gói HD+ gồm 80 kênh (trong đó có tám kênh HD) được giảm cước 19%.
Mua bản quyền truyền hình nước ngoài, sau khi chọn lựa những chương trình phù hợp còn phải biên tập kỹ, Việt hóa. Đối với việc mua format, nhà đài còn phải tốn công sức của đội ngũ và chi phí để thực hiện. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Phương, thương hiệu K+ có một trong hai bên liên doanh là Tập đoàn truyền hình nổi tiếng Canal+ ở châu Âu nên có lợi thế trong việc đấu giá mua bản quyền ở mức giá cạnh tranh nhất với những chương trình mới nhất.
Vì quyền lợi khách hàng
Bà Nguyễn Thu Phương chia sẻ: “Dù phải chi phí ngày càng nhiều nhưng K+ vẫn phải tuân thủ nghiêm túc vấn đề bản quyền truyền hình theo quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế. Trong chiến lược trở thành nhà cung cấp dịch vụ THTT hàng đầu tại Việt Nam, K+ chủ động trong việc mua bản quyền để bảo đảm quyền lợi của khách hàng một cách ổn định và lâu dài”.
Việc tuân thủ vấn đề bản quyền truyền hình là con đường tất yếu trên thị trường THTT. Nhà đài mua bản quyền ổn định, khách hàng sẽ được thưởng thức các chương trình hay, mới lạ với độ ổn định lâu dài và chất lượng được bảo đảm, tránh được tình trạng dăm bữa nửa tháng lại bị cắt do “xài chùa” và cũng không bảo đảm được về chất lượng và kỹ thuật. Khi đó, sự thiệt thòi trước tiên thuộc về khách hàng. Chính vì thế, cũng theo bà Nguyễn Thu Phương, trong xu thế vấn đề bản quyền ngày càng trở nên nóng bỏng như hiện nay, người tiêu dùng nên chọn lựa và ủng hộ nhà cung cấp dịch vụ chấp hành tốt vấn đề này, vì như vậy trước hết nhằm bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Anh Đặng Phúc - một thuê bao của K+ ở quận Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ: “K+ dù chưa phải là nhà cung cấp dịch vụ có số kênh nhiều nhất nhưng từ ngày tôi thuê bao tới nay gần một năm chưa hề gặp tình trạng các chương trình đang theo dõi bị cắt, gián đoạn hay ngừng chiếu vì vi phạm bản quyền. Như vậy khách hàng được theo dõi những chương trình mình yêu thích một cách đều đặn và thường xuyên”. Có lẽ ý kiến của anh Phúc cũng là tâm tư chung của người tiêu dùng hiện nay trước tình trạng rớt kênh, rụng chương trình thỉnh thoảng vẫn xảy ra.